Về tình hình vấn đề vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng hiện nay, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện sinh dịch tễ Trung ương cho biết: Dự kiến tối ngày 15/12, lô vaccine 5 trong 1 do Chính phủ Úc viện trợ gồm 490.600 liều sẽ về tới Việt Nam.
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là đơn vị tiếp nhận lô vaccine này và sẽ khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để sớm phân bổ cho 63 tỉnh, thành phố tiêm cho trẻ. Dự kiến số vaccine này đủ sử dụng trong 1 - 2 tháng tới.
Về tình trạng thiếu vaccine trong chương trình Tiêm chủng mở rộng hiện nay, theo bà Dương Thị Hồng, để giải quyết căn cơ, lâu dài, Bộ Y tế đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu sửa đổi Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng, trong đó cho phép bố trí ngân sách trung ương để đảm bảo kinh phí mua vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng. Dự kiến hoàn thành tháng 1/2024, hoàn thành việc mua sắm các vaccine đặt hàng trong nước (10 loại) trong tháng 12/2023 theo số lượng tỉnh, thành phố đề xuất nhu cầu đến tháng 6/2024. Theo đó sẽ đảm bảo hoạt động cung ứng vaccine năm 2024 trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, đáp ứng nhu cầu của người dân hiện nay.
Nếu được giao ngân sách sớm hơn, Bộ Y tế sẽ sớm tiến hành đặt hàng hoặc đấu thầu mua sắm vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng theo đúng quy định của pháp luật.
Thời gian tới, Bộ Y tế cũng sẽ rà soát nguồn vaccine, tích cực làm việc với các nhà tài trợ trong nước và nước ngoài hỗ trợ nguồn lực cho Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Bộ Y tế cũng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện cung ứng vaccine theo các quy định hiện hành; tiếp tục chỉ đạo các địa phương chủ động trong giám sát, phát hiện dịch và đáp ứng, triển khai các biện pháp về tiêm chủng vaccine cho đối tượng nguy cơ cao tại ổ dịch để khoanh vùng, không để bệnh lây lan.
Về nguy cơ bùng phát các dịch bệnh đợt cuối năm, ông Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: “Hiện nay là giai đoạn mùa Đông - Xuân, thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là nguyên nhân của sự xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp như cúm, sởi, rubella, ho gà..., tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm. Đây cũng là thời điểm nhu cầu giao thương, du lịch cuối năm tăng cao, là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, có thể làm gia tăng số mắc các bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là với nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh như trẻ em có sức đề kháng yếu, người cao tuổi có bệnh lý nền.
Đặc biệt, trong thời gian qua, Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm đã ghi nhận các thông tin về việc gia tăng các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp và các trường hợp mắc cúm A(H5/N1), COVID -19 tại một số quốc gia trong khu vực. Cụ thể, tại Trung Quốc, mới đây đã thông báo về việc gia tăng số ca mắc các bệnh về đường hô hấp; đồng thời ghi nhận chùm ca bệnh viêm phổi chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em xảy ra tại một số tỉnh miền Bắc Trung Quốc. Ngày 26/11/2023, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã họp báo và nhận định nguyên nhân chính là do hiện đang vào mùa đông, thời tiết lạnh, thay đổi bất thường. Tại Malaysia, Singapore số mắc COVID-19 theo tuần cũng ghi nhân có sự gia tăng từ 50 - 100% số ca bệnh; tại Singapore, số ca nhập viện do COVID-19 ghi nhận tăng… Cơ quan Y tế các quốc gia này nhận định nguyên nhân gia tăng trở lại số mắc COVID-19 là do giảm khả năng miễn dịch của người dân và gia tăng giao thương trong mùa du lịch và lễ hội cuối năm. Tại Campuchia, trong các ngày 23 và 24/11/2023 ghi nhận thêm 2 ca mắc cúm A/H5N1 ở người; tích luỹ năm 2023, Campuchia đã ghi nhận 6 ca mắc chủng cúm này ở người, trong đó có 3 ca tử vong.
Để phòng, chống các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, Bộ Y tế liên tục khuyến cáo người dân cần tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân; nhất là trong dịp cuối năm.
Đối với công tác phòng, chống COVID-19, tại Việt Nam, tình hình COVID-19 vẫn đang được kiểm soát; số mắc ghi nhận thấp, rải rác tại một số địa phương và phần lớn có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng; số nhập viện và số bệnh nhân nặng tại các cơ sở điều trị thấp. Kết quả giám sát tác nhân gây bệnh, hiện chưa ghi nhận biến thể mới, bất thường. Để tiếp tục kiểm soát hiệu quả, bền vững với COVID-19 và chuẩn bị sẵn sàng, chủ động ứng phó trong trường hợp COVID-19 quay trở lại, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19, giai đoạn 2023-2025, trong đó có phương án sẵn sàng đảm bảo công tác y tế trong tình huống dịch COVID-19 có biến chủng mới nguy hiểm hơn, bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống.
Đối với dịch cúm gia cầm độc lực cao (A/H5N1), trong năm 2023, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc ở người; tuy nhiên theo thông tin từ Cục Thú Y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông, dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm vẫn xảy ra rải rác ở các địa phương. Thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường hiện nay là điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm phát triển; đồng thời hiện cũng bắt đầu có xu hướng tăng nuôi gia cầm chuẩn bị dịp Tết Nguyên đán 2024 nên tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người. Để chủ động ngăn chặn cúm gia cầm xâm nhập và lây nhiễm sang người, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng thông tin về vấn đề giải quyết tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế.
Theo đó, đối với công tác đấu thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá, trong năm 2022-2023, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia (Trung tâm) đã tổ chức và phê duyệt kết quả đầu thầu tập trung cấp quốc gia đối với 100 thuốc và Bộ Y tế phê duyệt kết quả đàm phán giá đối với 64 thuốc biệt dược gốc. Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá là những thuốc có tỷ trọng sử dụng lớn về giá trị hoặc số lượng tại các cơ sở y tế trên cả nước và có thời gian hiệu lực dài (24 tháng). Các cơ sở y tế trên toàn quốc sẽ được thực hiện kết quả đấu thầu tập trung quốc gia đến hết ngày 31/8/2024 và đàm phán giá đến cuối năm 2024, đầu năm 2025. Đối với các thuốc trúng thầu đấu thầu tập trung cấp Quốc gia và đàm phán giá đến nay không xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hầu hết đảm bảo cung ứng đầy đủ tới các cơ sở y tế.
Việc nhiều cơ sở y tế đã mua được thuốc, một số cơ sở y tế không mua được thuốc không phải nguyên nhân văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế và cũng không do ảnh hưởng kết quả đấu thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá. Việc chưa có kết quả đấu thầu thuốc đối với danh mục các thuốc do cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu phần lớn do nguyên nhân khách quan là nhân lực thực hiện công tác mua sắm thuốc tại các đơn vị còn mỏng, thiếu cán bộ, nhân viên có chuyên môn về công tác đấu thầu. Nhiều cán bộ, nhân viên vừa phải đảm nhiệm công tác khám, chữa bệnh, vừa tham gia công tác đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế.