Yêu cầu nhà thầu thủy điện Sông Tranh 2 xử lý ngay lỗi gây rò rỉ nước

Ngày 21/3, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Quảng Nam, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã đến kiểm tra hiện tượng rò rỉ nước tại thân đập chính thuộc thủy điện Sông Tranh 2, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Tại đập chính, đoàn kiểm tra ghi nhận 7 vệt nước chảy ra từ thân đập, trong đó có hai vệt nước ở hai bên tràn có dòng chảy lớn nhất. Sau khi kiểm tra hiện trường, các thành viên đoàn kiểm tra liên ngành đã đề nghị Ban Quản lý dự án thủy điện Sông Tranh 2 nhìn nhận đúng bản chất để có biện pháp xử lý. Hiện nay có nhiều vết nước rò rỉ, xuất hiện không theo trật tự của khe, theo hình dạng ngoằn ngoèo cần phải được xem xét kỹ lưỡng. Các ý kiến cũng đề nghị xem xét mối quan hệ giữa việc rò rỉ nước ở thân đập với vụ động đất kích thích xảy ra thời gian qua trên địa bàn huyện Bắc Trà My.

Chiều cùng ngày, tại UBND huyện Bắc Trà My, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Đức Hải, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, các đơn vị liên quan đã báo cáo về hiện tượng rò rỉ nước ở thủy điện Sông Tranh 2. Ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My bày tỏ lo ngại về khả năng thủy điện Sông Tranh 2 bị ảnh hưởng bởi trận động đất kích thích vừa qua, và kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, đưa ra nguyên nhân cụ thể để có kết luận sớm thông báo cho nhân dân.

Nhà thầu Thủy điện sông Tranh 2 cần xử lý ngay lỗi gây rò rỉ nước. Ảnh: Internet


Thay mặt Hội đồng thẩm định nhà nước, Tiến sĩ Bùi Trung Dung, Phó Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đánh giá: Qua kiểm tra cho thấy đập không xuất hiện vết nứt ở thân và vỏ đập, thủy điện đang vận hành ở mức độ an toàn theo thiết kế. Theo Tiến sĩ Dung, nguyên nhân xảy ra hiện tượng rò rỉ nước là thiếu màng chống thấm vỏ đập, thiếu ống thoát nước ở tầng hầm, vì vậy nước ngấm vào khe co giãn thoát ra ngoài. Bên cạnh đó, mực nước thấm qua thân đập vào khoảng 30 lít/giây là lớn nhưng không ảnh hưởng tới an toàn của đập, nhưng gây phản cảm và bức xúc trong nhân dân, vì vậy cần phải rút lượng nước thấm xuống thấp hơn. Hội đồng giám định yêu cầu nhà thầu phải tiến hành ngay các biện pháp triệt tiêu nước ở rãnh đường hầm; đồng thời thực hiện chống thấm ở vỏ đập.

Cùng ngày, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có kết luận về vấn đề thấm nước tại thủy điện Sông Tranh 2. Từ ngày 18-20/3, đoàn công tác của EVN đã làm việc với các đơn vị trên công trình. Căn cứ kết quả làm việc tại hiện trường, EVN đã đưa ra nhận định ban đầu về vấn đề nước thấm tại hạ lưu thủy điện Sông Tranh 2. Đập thủy điện Sông Tranh 2 là loại đập bê tông trọng lực công nghệ đầm lăn (RCC) có chiều cao 96 m, chiều dài 640 m, được chia thành blok, các blok được cấu tạo cách nhau bằng các khe nhiệt (tổng cộng có 30 khe nhiệt, khoảng cách 30m một khe) xuyên suốt từ thượng lưu về hạ lưu. Mục đích bố trí các khe nhiệt này là nhằm triệt tiêu ứng suất nhiệt trong bê tông trong quá trình thi công và vận hành công trình… Tại hiện trường, Đoàn công tác đã trực tiếp kiểm tra toàn bộ thân đập, các hành lang thu nước và có đánh giá như sau: Không phát hiện vết nứt nào trên thân đập; hiện tượng nước chảy từ thân đập ra phía hạ lưu là nước thấm tại 4 vị trí khe nhiệt K18, K21, K24, K28 và hai bên trường cánh của đập tràn (khu vực tiếp giáp giữa đập dâng và đập tràn).

Nguyên nhân là do nước thấm không được thu gom hết về các hành lang thu nước trong thân đập và theo các ống dẫn ra hạ lưu. Tổng lượng nước thấm của toàn bộ công trình được thường xuyên theo dõi, quan trắc và vào thời điểm hiện tại đo được khoảng 30 lít/giây, được tư vấn đánh giá là không ảnh hưởng đến an toàn, ổn định của đập.

Đoàn công tác đã chỉ đạo việc hoàn thiện hệ thống thu gom và thoát nước thấm theo hai bước. Trước mắt tập trung kiểm tra toàn bộ hệ thống thu gom và thoát nước theo thiết kế đã được phê duyệt, tiến hành ngay việc thông toàn bộ ống thu nước trong thân đập bị tắc trong quá trình thi công và thời gian vận hành vừa qua. Nếu ống nào không thông tắc được thì khoan bổ sung ngay. Đồng thời hoàn thiện hệ thống rãnh thoát nước trong hành lang thân đập để tăng khả năng thoát nước thấm và hoàn thiện hệ thống thu gom nước thấm bên ngoài hai vai đập. Sau khi thực hiện các bước nêu trên, nếu nước thấm ra hạ lưu không giảm, EVN sẽ xem xét phương án xử lý chống thấm bổ sung để bảo đảm điều kiện chống thấm tốt nhất cho công trình. Đồng thời EVN chỉ đạo Ban quản lý dự án phối hợp với tư vấn thiết kế và các đơn vị liên quan thực hiện ngay việc phân tích số liệu quan trắc để có thể đánh giá độ an toàn của đập.

Trần Tĩnh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN