Xúc tiến kém, du khách giảm

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã sụt giảm liên tiếp kể từ tháng 6/2014, trong đó có tháng giảm ở mức hai con số. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là công tác xúc tiến du lịch kém hiệu quả.

Yếu về tiềm lực

Vừa tham gia xúc tiến du lịch tại Hội chợ du lịch ITB (Berlin, Đức), ông Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia nhận xét: Ở hội chợ, gian hàng của Việt Nam chỉ lớn hơn Lào nhưng thua các nước khác trong khu vực. Về sự ấn tượng, hấp dẫn khách, gian hàng Việt Nam thua cả Campuchia, Philippines và thậm chí thua gian hàng của một số địa phương Thái Lan. Cùng với quy mô, trong thời gian hội chợ, gian hàng của các nước tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm, giới thiệu hình ảnh, dịch vụ... trong khi các hoạt động xúc tiến tại hội chợ của Việt Nam rất hạn chế do thiếu kinh phí.

Quảng bá xúc tiến du lịch Việt tại Hội chợ du lịch quốc tế Nga. Ảnh: Vũ Tú



Đại diện VietVision Travel chia sẻ: “Xác định thị trường khách Malaysia là trọng điểm nên 5 năm lại đây, đơn vị đều tham gia hội chợ MATTA (Malaysia), nhưng chỉ duy nhất năm 2013 thấy có đại diện Sở VHTTDL Hà Nội có gian hàng. Suốt thời gian diễn ra hội chợ cũng chỉ có một đại diện doanh nghiệp du lịch ngồi tại đó phát tờ rơi, voucher... Trong khi đó, các gian hàng bên cạnh, họ tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn văn hóa, tặng quà lưu niệm, giới thiệu các chương trình ưu đãi”.

Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam từng đi tham gia xúc tiến du lịch tại hội chợ du lịch quốc tế đều nhận xét: Ngay trong một gian hàng chung của Việt Nam, sự phối hợp giữa đơn vị quản lý nhà nước và doanh nghiệp cũng là “mỗi người một nẻo”. Gian hàng của Tổng cục Du lịch Việt Nam chỉ dán mỗi poster quảng cáo và phát một số tờ rơi, sách giới thiệu điểm đến và chưa có nhiều hoạt động hỗ trợ về giá ưu đãi, quà lưu niệm... để khách nhớ đến Việt Nam và đưa khách đến Việt Nam. “Hiện khách quốc tế vẫn biết đến Việt Nam với quá khứ hào hùng trong kháng chiến chống Mỹ, còn hình ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới còn rất mờ nhạt”, đại diện doanh nghiệp du lịch chia sẻ.

Điều này có thể thấy là do kinh phí xúc tiến du lịch của Việt Nam chỉ khoảng 40 tỷ đồng/năm (khoảng 2 triệu USD), trong khi đó kinh phí xúc tiến của Thái Lan là 86 triệu USD, Singapore là 100 triệu USD, Malaysia là 130 triệu USD/năm.

Đổi mới về cơ chế

Ông Lương Hoài Nam chia sẻ: Để hoạt động xúc tiến hiệu quả, phải khoanh vùng thị trường khách trọng điểm của Việt Nam và có kế hoạch triển khai xúc tiến du lịch dài hạn. Muốn vậy, bên cạnh việc nghiên cứu đặc điểm thị khách, phải có kinh phí riêng làm xúc tiến, thậm chí thuê các đối tác nước ngoài.

Về phía cơ quan quản lý, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam khẳng định: “Việc quảng bá hình ảnh thị trường điểm đến do Nhà nước đảm nhiệm, còn quảng bá sản phẩm do doanh nghiệp phụ trách. Thực tế, do kinh phí hạn hẹp, nên có sự “nhập nhèm” giữa quảng bá điểm đến và sản phẩm du lịch. Một số thị trường, vì Nhà nước chưa có nguồn lực quảng bá, nên doanh nghiệp du lịch vẫn đảm nhiệm và việc quảng bá như vậy không hiệu quả. “Tại một số hội chợ xúc tiến du lịch, do không có kinh phí tham gia, nên Tổng cục Du lịch ủy quyền cho địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội tham gia. Về lâu dài, việc này sẽ không mang lại hiệu quả cao, thậm chí nhầm lẫn về hình ảnh du lịch quốc gia với hình ảnh du lịch địa phương”, ông Vũ Thế Bình khẳng định.

Còn ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch) cho biết: “Tuy tiền ít nhưng để tiêu được số tiền đó không dễ dàng. Để tham gia gian hàng trong mái nhà chung của Việt Nam, các doanh nghiệp tham gia đóng phí theo phương châm Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm. Tuy nhiên, Vụ Thị trường lại không có chức năng thu tiền doanh nghiệp để chi cho phần hoạt động chung.

Do đó, theo ông Lê Tuấn Anh, rất nhiều lần, Tổng cục Du lịch đã kiến nghị nâng cấp Vụ Thị trường thành Cục Xúc tiến Du lịch để có thể chủ động hơn trong hoạt động xúc tiến quảng bá, đáp ứng sự thay đổi của thị trường. “Còn nếu vẫn duy trì cơ chế xúc tiến theo kiểu “hành chính” như hiện nay, việc xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ”, ông Lê Tuấn Anh khẳng định.

Xuân Cường

Chuyện hút khách du lịch của Hong Kong
Chuyện hút khách du lịch của Hong Kong

Hong Kong (Trung Quốc) không có nhiều danh lam thắng cảnh, diện tích lại chật hẹp, nhưng trong năm 2014, số lượt khách du lịch đến đây ước tính gấp hơn 8,3 lần tổng dân số và dự kiến tiếp tục tăng lên trong những năm tiếp theo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN