Năm nào cũng vậy, khi những cơn gió heo may phe phẩy gọi xuân về, những bông hoa rừng rộn ràng khoe sắc, người dân cả nước hối hả hoàn tất công việc cuối năm để kịp trở về sum vầy bên người thân, gia đình… cũng là lúc các cán bộ, chiến sĩ ở Đồn Biên phòng Lũng Cú, tỉnh Hà Giang lại lên kế hoạch tăng cường các buổi tuần tra biên giới để đảm bảo an toàn cho bà con các dân tộc thiểu số yên tâm đón Tết. Việc xa nhà, bám trụ biên cương và ăn Tết cùng nhân dân từ lâu đã trở nên quen thuộc đối với những người lính mang trên mình thương hiệu “chiến sĩ quân hàm xanh”. Các chiến sỹ biên phòng tuần tra biên giới. Ảnh: Lê Đức Hoảnh- TTXVN
|
* Vui xuân mới không quên nhiệm vụ Sáng sớm, khi những cơn gió bấc còn đang len lỏi qua từng vách núi kéo hơi lạnh tràn về, sương muối chưa kịp tan trên các ngọn đồi, lưng núi thì các chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú, tỉnh Hà Giang đã đi được nửa quãng đường trong hành trình tuần tra biên giới. Đích cuối cùng của đợt tuần tra đầu tiên được triển khai trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ chính là mốc 428. Đây là điểm mốc biên giới xa nhất phía cực Bắc của Tổ quốc nên rất ý nghĩa.
Mốc 428 nằm sát mép sông Nho Quế huyền thoại, bên dưới thung thũng sâu thẳm, cách chân cột cờ Lũng Cú chừng 5 km, đường trơn và dốc ngược. Anh em đi bộ nhưng phải bám vào nhau để làm thành hàng rào cho khỏi ngã. Gần 3 giờ đồng hồ “dò dẫm” từng bước, anh em cũng chạm được tay vào cột mốc biên giới thiêng liêng, dù trời vẫn đang mưa phùn và giá rét nhưng ai nấy đều lâng lâng cảm xúc tự hào.
Theo chân các anh, mới thấu hiểu được sự vất vả mà các anh vẫn thầm lặng “nếm trải” trong nhiều năm qua. Các chiến sĩ biên phòng thường bắt đầu công việc khi những con chim rừng còn chưa thức giấc và kết thúc ngày làm việc vào lúc ông mặt trời đã đi ngủ từ lâu. Cuối năm trên vùng cao nhiều mây mù và mua phùn, thời tiết lạnh giá đến mức cây cỏ còn khô héo, đường biên giới thì không bằng phẳng như đường giao thông, có những đoạn chỉ vài km nhưng phải đi bộ đến nửa ngày trời. Thế nhưng, đây lại là quãng thời gian cần phải tăng cường các buổi tuần tra bởi cuối năm, tình trạng an ninh trật tự vùng biên luôn trong tình trạng phức tạp.
Thượng tá Nguyễn Hải Lý, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lũng Cú cho biết: Để xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị thì phải thực hiện tốt công tác bảo vệ chủ quyền. Đồn Biên phòng Lũng Cú quản lý 27 km đường biên giới với 26 cột mốc quốc gia biên giới, trong đó có 18 mốc chính và 8 mốc phụ. Những ngày trước và sau Tết Nguyên đán, tình trạng buôn lậu và mất trật tự an ninh vùng biên thường gia tăng nên lịch tuần tra được tăng cường hơn so với ngày thường. Việc bám trụ biên cương, ăn Tết với đồng bào từ lâu đã trở nên quen thuộc với các chiến sĩ biên phòng.
Bên cạnh nhiệm vụ gìn giữ biên cương Tổ quốc, những người lính biên phòng nơi cực Bắc còn chăm lo đến cuộc sống của dân bản. Những ngày Tết, họ không cho phép mình nghỉ ngơi nếu dân bản cần họ. Đó như một sự mặc định trong tiềm thức. Đêm giao thừa, nếu nhận được tin người dân cần sự giúp đỡ, họ không quản ngại khó khăn, đều kịp thời có mặt... Đã nhiều lần, giữa đêm giao thừa, anh em đang chuẩn bị đón năm mới thì người dân chạy đến báo có kẻ trộm đến bắt trâu bò, anh em lại vội vã lên đường truy tìm thủ phạm. Chính vì vậy, việc anh em chiến sĩ đón giao thừa trên đường tuần tra làm nhiệm vụ là chuyện hết sức bình thường.
* Người con tin yêu của bản làng Năm nào cũng vậy, cứ sau ngày tiễn ông Công, ông Táo về trời (23 tháng chạp) là các cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú lại tất bật đón khách trong không khí đầu xuân ấm cúng. Khách của đồn đa phần là người dân trong xã, họ đến để chúc Tết bộ đội biên phòng. Bằng tình cảm chân thành, những người nông dân mang theo chai rượu vừa cất xong, hay chiếc bánh chưng tự tay làm, cũng có khi chỉ mấy cân khoai lang mới thu hoạch, cành đào rừng vừa cắt… Có gia đình điều kiện, Tết đến mổ cả con lợn để đón mừng xuân mới nhưng cũng không quên mang đến biếu bộ đội biên phòng một vài cân. Những vật chất tuy không lớn nhưng chan chứa tình cảm mà chẳng biết từ bao giờ, nhân dân đã dành riêng cho bộ đội biên phòng.
Thiếu tá Vũ Văn Bắc là người ở tỉnh Phú Thọ, làm lính biên phòng đã ngót hai chục năm. Ăn, ở và làm việc cùng với dân nhiều khiến anh thông thạo mọi việc trong đời sống sinh hoạt của đồng bào Mông. Là Đội phó Đội vận động quần chúng, anh càng phải gần dân, hiểu dân và yêu dân… Thiếu tá Bắc cho biết: Bộ đội biên phòng phải làm thế nào để cho dân quý, dân tin… Có như vậy mới làm được công tác tuyên truyền, mới có thể vận động bà con các dân tộc thiểu số hiểu và thực hiện tốt các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Nghĩa là phải “Ba bám, bốn cùng” (tức là bán địa bàn, bám dân, bám đường lối chính sách và cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, cùng nói tiếng địa phương). Và, chẳng biết từ bao giờ đồng bào các dân tộc thiểu số trên vùng cao đã coi bộ đội biên phòng là chỗ dựa tinh thần vững chắc. Các anh trở thành người thầy dạy trẻ em học chữ, là cán bộ phân xử đúng sai trong những chuyện mâu thuẫn của gia đình, làng xóm, là “chuyên gia” hướng dẫn bà con làm kinh tế nông thôn… và là người bạn, người anh, người con tin yêu của gia đình, bản làng. Đây là năm thứ ba thiếu tá Bắc không về quê ăn Tết. Anh tâm sự: Công việc vất vả, xa gia đình, vợ con nhưng không cảm thấy cô đơn. Ngoài nhiệm vụ phải làm, anh em trong đơn vị cảm thấy rất ấm lòng vì những tình cảm sâu đậm tình dân quân của nhân dân trong xã.
Bên ngoài, cái rét ngọt đã bao trùm cả không gian núi rừng, đâu đó đã có nhưng hạt tuyết rơi khiến cái lạnh vùng cao càng thêm tê tái. Thế nhưng, thời tiết có khắc nghiệt đến mấy cũng không thể ngăn được sự ấm áp của tình người. Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương và đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Lũng Cú đã gác lại hạnh phúc riêng của mình, coi niềm vui, hạnh phúc của bà con dân bản là hạnh phúc của mình và đang ngày đêm vững vàng tay súng bảo vệ sự bình yên cho miền biên cương cực Bắc của Tổ quốc.
Đỗ Bình