Có nhà trẻ để gửi con ngay gần chỗ làm giúp công nhân thêm chuyên tâm làm việc. Điều này còn góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
Mẹ nghỉ lúc nào, đón con lúc ấy
Chỗ gửi con cách nơi làm mấy chục bước chân nên hầu như hôm nào, sau bữa cơm trưa, chị Thủy (công nhân công ty ShinTS- BVT ở Hải Dương) cũng tranh thủ qua hỏi cô giáo: “Cháu Tuấn nhà chị sáng có ngoan không, ăn có bị trớ không, có khóc đòi mẹ nhiều không?”. Ngó con đang say ngủ thêm một lúc, yên tâm, chị bước vào nhà máy, khi sắp có chuông báo đến giờ làm việc. Chị Thủy làm ở đây đã được 6 năm. Cháu Tuấn năm nay 2 tuổi, là đứa thứ hai chị gửi ở nhà trẻ này, sau khi anh lớn của Tuấn vừa 5 tuổi, đã “ra trường”.
Nhà trẻ tại Công ty ShinTS- BVT nhận giữ trẻ đến 9 giờ tối, nữ lao động hết ca làm khoảng 8 rưỡi ra đón con vẫn yên tâm. |
Nhà trẻ trong doanh nghiệp cũng là một thuận lợi giúp “nhẹ gánh” cho cuộc mưu sinh của vợ chồng anh Phạm Thế Nam quê Hưng Yên, chọn Hải Dương làm nơi lập nghiệp. Vợ làm cho công ty, anh Nam chạy xe ôm, thuê một gian nhà trọ ở cách công ty chừng 1 cây số. Cậu con trai 5 tuổi của vợ chồng anh, học trường mầm non công lập nhưng 4 rưỡi chiều đã tan học. Anh Nam kể: “Tôi đón cháu từ trường mang tới nhà trẻ của công ty vợ gửi rồi tranh thủ kiếm vài cuốc xe ôm nữa. Vợ 6 rưỡi tan ca, khoảng 7 giờ kém tôi đến đón cả hai mẹ con về nhà”.
Giờ trông trẻ ở nhà trẻ công ty linh hoạt hơn ở nhà trẻ tư cũng như nhà trẻ công, do đặc thù ca kíp của công nhân. Cô giáo Nguyễn Thị Thu cho biết: “Lớp đón các con từ 6 rưỡi sáng và trông các con đến hết giờ làm của công nhân thì thôi. Muộn nhất là 9 giờ. Nếu cháu nào gửi đến đêm thì được ăn 4 bữa mỗi ngày. Các cháu khác thì 3 bữa”. Hiện nay, có khoảng 100 trẻ đang được gửi tại đây, bé nhất là 20 tháng tuổi.
Hợp nguyện vọng của lao động nữ
Theo ông An Quốc Định, Trưởng phòng kế hoạch của công ty Shin TS-BVT, từ khi có nhà trẻ để gửi con, người lao động rất yên tâm làm việc. Hiện tượng nhảy việc giảm hẳn, thậm chí vào thời điểm các doanh nghiệp khác khó tuyển dụng thì ShinTS-BVT vẫn có rất nhiều đơn nộp vào.
Doanh nghiệp hiện có 3.500 lao động. Trong đó, nữ chiếm trên 90%, lao động có con nhỏ chiếm khoảng 50%. “Tôi gửi con suốt từ năm 2006. Không những chẳng mất đồng nào mà khi có việc gì, chạy đến với con ngay được. Nhiều chị em cùng tổ làm với tôi cũng gửi con ở đây”, chị Thủy nói.
Ông Định cũng cho biết việc xây nhà trẻ đã được Ban giám đốc xác định ngay từ những ngày đầu thành lập công ty. “Ban đầu, đây chỉ đúng nghĩa là một chỗ để trông con cho công nhân thôi, nhưng dần dần đến nay, đồ dùng học tập và các trang bị cần thiết đã đầy đủ hơn, các cháu được học theo giáo trình như những trường ở ngoài”, cô giáo Thu kể. Nhà trẻ có sân chơi với cầu trượt, đu quay, có khoảng rộng cho các cháu thể dục vận động và căn nhà 2 tầng, mỗi tầng rộng trên 80 m2, chia làm 3 phòng học. Vì nhà trẻ do doanh nghiệp mở nên chỉ trông các cháu đến 4 tuổi. Còn để các cháu đủ điều kiện vào lớp 1 thì 5 tuổi, gia đình phải gửi con ở trường công hoặc tư vì ở đó trẻ mới được cấp phiếu khảo sát chất lượng theo đúng chuẩn.
Bà Phạm Thị Thanh Hồng, Phó Trưởng Ban Nữ công của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, để phù hợp với nguyện vọng của đa số lao động nữ hiện nay trong xu thế nâng cao an sinh xã hội, “Nhà nước nên xem xét khôi phục hình thức nhà trẻ trong doanh nghiệp, ưu tiên nhận trẻ dưới 36 tháng tuổi”.
Hỗ trợ nhà trẻ cho công nhân gửi con tại chỗ làm còn giúp tăng bình đẳng giới. “Một doanh nghiệp có nhà trẻ là doanh nghiệp thực sự quan tâm đến lao động nữ. Nữ công nhân có chỗ gửi con không mất tiền, sẽ yên tâm làm việc. Doanh nghiệp có lợi, phụ nữ cũng đóng góp được nhiều hơn cho xã hội, chính là phát triển sự bình đẳng giới”, bà Nguyễn Thị Hoài Đức, Viện trưởng Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình khẳng định.
Bài và ảnh: Mạnh Minh