Vướng mắc viện phí mới- Bài 1: “Rối như canh hẹ”

Những vướng mắc nảy sinh trong quá trình xây dựng, thẩm định, phê duyệt và thực hiện giá viện phí mới đang đòi hỏi sự đồng thuận hơn nữa của chính hai cơ quan quản lý là Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.


Bài 1: “Rối như canh hẹ”


Cơ cấu giá viện phí mới của nhiều bệnh viện (BV) vừa được đưa ra đã bộc lộ không ít chi phí bất hợp lý khiến giá dịch vụ bị đẩy lên cao. Việc kiểm soát chất lượng dịch vụ y tế sau khi viện phí tăng cũng đang là một thách thức không nhỏ đối với các cơ quan chức năng.

 

Không sử dụng cũng tính tiền


“Khung giá viện phí của nhiều địa phương đưa ra áp dụng chưa đúng với hướng dẫn của Bộ Y tế là phải căn cứ vào thực tiễn, khả năng cung cấp chất lượng dịch vụ của cơ sở y tế và tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn…”, ông Lê Văn Phúc, Trưởng Phòng Chế độ bảo hiểm y tế (BHYT), Ban Thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH VN), khẳng định.


 

Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Bạch Mai, nơi tiếp nhận khám, điều trị 2.000 - 2.500 người bệnh/ngày, đã thực hiện chính sách viện phí mới từ 16/7/2012. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN

 

Theo ông Phúc, có khá nhiều tỉnh kê khai quá mức số vật tư y tế sử dụng trong các dịch vụ y tế, ví như có BV kê khai cần tới 12 cuộn chỉ trong một ca mổ viêm ruột thừa nội soi trong khi thực tế thường chỉ dùng đến 3 - 4 cuộn chỉ. Tính ra, riêng tiền chỉ đã hết 1,2 - 1,5 triệu đồng, trong khi cả cuộc phẫu thuật đó chỉ hết hơn 3 triệu đồng. Đặc biệt không ít địa phương xây dựng cơ cấu giá viện phí cho cả những dịch vụ y tế chưa triển khai tại cơ sở y tế để “phòng xa”. Do vậy, giá viện phí của những dịch vụ này áp theo mức tối đa của khung giá, thường được áp dụng cho những BV tuyến TƯ. Đơn cử, tỉnh Quảng Trị xây dựng giá cho cả những dịch vụ, thủ thuật chưa thực hiện được trong lĩnh vực can thiệp tim mạch, đặt sten…, là những dịch vụ chỉ BV lớn như BV Bạch Mai mới có thể làm được. Hay tại tỉnh Cao Bằng cũng xây dựng giá thành cho hơn 20 dịch vụ y tế chưa triển khai trên thực tế. Trong cơ cấu giá một số dịch vụ y tế của Cao Bằng cũng có nhiều điểm rất bất hợp lý. Chẳng hạn, dịch vụ châm cứu bằng laser (không phải dùng đến kim châm) nhưng trong cơ cấu giá vẫn có tới 15 chiếc kim châm, tiền bông tới 2.100 đồng/lần châm...


Đối với các BV tuyến TƯ thuộc thẩm quyền phê duyệt giá của Bộ Y tế, hiện cũng nảy sinh một số bất cập. Dễ thấy nhất là tình trạng nhiều BV xây dựng cơ cấu giá viện phí không căn cứ trên thực tế mà lại xây dựng theo kiểu “con nhà giàu”. Ví dụ, các bác sĩ thường không đi găng tay trong quá trình siêu âm nhưng cơ cấu giá dịch vụ siêu âm tại một số BV lại gồm 2 đôi găng/lần siêu âm. Hoặc trong một buổi sáng khám bệnh thông thường, các BS phải thay mũ và khẩu trang tới bốn lần.
“Một bộ bàn ghế trang bị cho phòng khám bệnh, mà BV tính tỷ lệ tiêu hao 25%/năm, tức là 4 năm sẽ thay mới bộ bàn ghế thì quả là chưa phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay”, ông Phúc chia sẻ.


“Thậm chí, một số BV xây dựng cơ cấu giá dịch vụ không đúng quy trình thực hiện kỹ thuật chuyên môn, đẩy giá dịch vụ lên cao một cách rất bất hợp lý. Ví dụ, dịch vụ mở nội khí quản cần phải thực hiện rất nhanh trong vòng một vài phút nếu không thì bệnh nhân sẽ tử vong ngay. Thế nhưng, có BV lại xây dựng thời gian thực hiện dịch vụ này mất hàng tiếng đồng hồ, việc tăng thời gian như vậy cũng đồng nghĩa với việc tăng giá dịch vụ lên một cách vô lý…”, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH VN, tỏ ý lo ngại.


Đến nay, đã có 5/38 BV trực thuộc Bộ Y tế được phê duyệt giá gồm: BV Bạch Mai, K, Việt Đức, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và Việt Nam - Thụy Điển (Uông Bí - Quảng Ninh). Riêng BV Việt Nam - Thụy Điển có viện phí ở mức tương đương 93% khung, các BV còn lại được Bộ Y tế phê duyệt mức 97% khung.

 

Khó giám sát chất lượng dịch vụ y tế


Thời gian tới, bên cạnh việc giám sát, thẩm định cơ cấu giá tại những tỉnh, thành có giá viện phí cao, các cán bộ BHXH còn phải tăng cường công tác giám sát xem chất lượng dịch vụ y tế tại các cơ sở y tế có tương đương giá viện phí mới hay không. Đây là một công việc rất phức tạp.


Theo ông Phúc, khi áp dụng giá viện phí mới cho một ngày nằm viện thì cần phải đảm bảo về số lượng bệnh nhân tối đa trong một phòng bệnh. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy chuẩn một buồng bệnh là bao nhiêu mét vuông hoặc chỉ nên có bao nhiêu bệnh nhân. Trong khi đó, tỷ lệ kê thêm giường bệnh thực tế ở nhiều bệnh viện rất cao, nhất là tại các BV tuyến TƯ.


“Chúng tôi muốn rằng tới đây bệnh nhân không phải nằm chen chúc ngay cả trong một buồng bệnh. Nhưng ngoài việc chưa có đủ quy chuẩn để căn cứ thì việc theo dõi thực tế bệnh nhân có phải nằm ghép hay không cũng rất phức tạp. Có thể buổi trưa, bệnh nhân chỉ nằm 1người/giường để chờ phẫu thuật, nhưng tới 14 giờ phải nằm ghép 2 người/giường và rất có thể tới 18 giờ thì đã lại nằm ghép 3 - 4 người/giường…”, ông Phúc dẫn chứng.


Hay như với mức giá 20.000 đồng/lần khám, BV hạng 1 và hạng đặc biệt phải đảm bảo định mức là chỉ khám 35 bệnh nhân/bàn/ngày… Nhưng với số lượng bệnh nhân lớn khoảng 2.500 bệnh nhân/ngày như tại các bệnh viện tuyến TƯ thì dù BV có tăng lên 50 - 60 bàn khám thì cũng không thể đưa số lượng bệnh nhân ở mỗi bàn khám xuống đúng như định mức mà Bộ Y tế đề ra. Liệu ngành y tế có thể kiên quyết yêu cầu những BV này hạ giá khám bệnh xuống như hiện nay?


“Trong một thời gian ngắn thì không thể nâng số lượng bàn khám bệnh lên ngay được, vì cần thời gian cơ cấu lại phòng khám và nhân lực y tế. Bởi vậy, nhiều địa phương cần xây dựng lộ trình để tiến dần tới việc áp dụng mức giá tối đa, như Hà Nội đã xây dựng lộ trình cho các BV hạng 1 (BV Xanh Pôn, BV Thanh Nhàn…) là 77% khung từ nay đến 2014 và sau đó sẽ nâng dần tới mức giá tối đa”, ông Phúc chia sẻ.



Phương Liên


Bài 2: Bất cập, vì sao?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN