Cứ mỗi độ thu về, tiếng chuông chùa vang vọng ngân xa, khói tỏa hương trầm thơm ngát lại báo hiệu một mùa lễ Vu Lan trong tâm thức mỗi người con đất Việt.
“Vu Lan thắng hội hoa hồng thắm
Bâng khuâng nguồn cội nhớ thâm ân”
Hòa thượng, TS. Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Thông tin Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: Hiếu đạo vốn là truyền thống quý báu tốt đẹp của Phật giáo từ ngàn xưa, với tư tưởng từ bi nhân ái, triết lý nhân sinh cao cả. Phật giáo đã góp phần không nhỏ vào việc củng cố và thăng hoa đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam.
Vu Lan là một ngày lễ lớn quan trọng của đạo Phật, dân gian thường gọi là ngày xá tội vong nhân, ngày báo hiếu cha mẹ và ông bà tổ tiên. Rộng hơn theo giáo lý đạo Phật, bốn Ân mà người con Phật luôn phải ghi nhớ, đó là: Ân dưỡng dục sinh thành của cha mẹ; Ân Quốc gia xã hội; Ân Tam bảo Sư trưởng, thầy cô dạy học và Ân chúng sinh vạn loại.
Lễ Vu Lan đã trở thành truyền thống tinh thần báo hiếu báo ân phù hợp với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên thiêng liêng của người dân Việt, là Đại lễ mang tinh thần đậm nét nhân văn, làm rạng rỡ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa” của Dân tộc Việt Nam.
Cũng theo Hòa thượng, TS. Thích Gia Quang, xã hội thanh bình, quốc gia hưng thịnh, thế giới an lạc phải bắt đầu từ những con người: Biết tôn trọng giá trị và thực hành đạo đức, thực hành hiếu đạo. Trong Kinh Nhẫn Nhục, đức Phật có dạy: "Thiện cùng cực không gì hơn hiếu, ác cùng cực không gì hơn bất hiếu". Từ nghìn xưa cho đến nay hiếu hạnh được xem như khuôn vàng thước ngọc để thẩm định giá trị đạo đức con người.
Đạo Phật du nhập vào nước ta hàng ngàn năm, Phật giáo đã góp phần không nhỏ vào việc củng cố và thăng hoa đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” nếp sống nhớ ơn đền ơn đáp nghĩa của dân tộc Việt Nam. Đức Đại Hiếu Mục Kiền Liên tôn giả, một vị thánh tăng đại đệ tử của đức Phật có lòng chí hiếu với mẹ cảm động thấu tận 9 tầng trời. Từ sự tích đó, trong kinh sách đã bắt đầu có truyền thống Vu Lan báo hiếu ra đời bổ sung cho vườn hoa Phật giáo những giá trị đạo đức cao cả.
Ngay thời đức Phật tại thế, sau khi giác ngộ thành Đạo Bồ Đề, Ngài đã thuyết pháp độ Mẫu Thân, khi Phụ Hoàng Tịnh Phạn băng hà, đức Phật đã tự tay khiêng quan tài của vua cha đến nơi hỏa táng.
Hòa thượng, TS. Thích Gia Quang cho rằng, hiếu đạo trong Phật giáo không chỉ bó hẹp trong phạm vi tình cảm mẹ cha mà được đề cập đến một cách trọn vẹn và siêu việt với Tứ trọng ân. Bốn ân ấy được coi trọng vì theo giáo lý Nghiệp báo và Duyên khởi của Phật giáo, trong thế giới duyên sinh tương tác, mọi chúng sinh đang hiện hữu, đều tồn tại trong mối hỗ tương duyên khởi trùng trùng; đã thụ ân của vô số chúng sinh và đến đời này lại thụ ân của cha mẹ đã sinh thành, nuôi dưỡng. Ân Tam bảo đã soi sáng và dẫn bước trên con đường tu học và ân quốc gia đã bao bọc, chở che chăm lo cho cuộc sống của mình được bình an, hạnh phúc.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho biết: Có thể nhận thấy, ba trụ cột văn hóa quan trọng nhất ở Việt Nam là gia đình - cộng đồng làng xã và quốc gia dân tộc. Đức báo ân trong Phật giáo có khả năng tạo lập chất keo gắn kết các cá nhân với gia đình, cộng đồng và xã hội. Điều này thể hiện qua Đại lễ Vu Lan báo hiếu không chỉ nhắc nhở chúng ta tưởng nhớ đến thâm ân chư Phật, công ơn giáo dưỡng của thầy Tổ, công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và trên tất cả Vu Lan là dịp để mỗi chúng ta bày tỏ sự tri ân sâu sắc đến đất nước đồng bào, đến các bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhớ tới ơn đức hy sinh cao cả của các bậc tiền bối hữu công, anh hùng liệt sĩ đã vị quốc vong thân vì hòa bình, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam.
Cũng theo ông Lê Doãn Hợp, để có được cuộc sống hạnh phúc, hòa bình như ngày hôm nay, chúng ta không thể nào quên công ơn của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Không bia đá, không tượng đài, không một chút hoa mĩ, cầu kỳ, các anh đã mãi ra đi khi đang tuổi thanh xuân. Sự hy sinh cao cả của các anh đã giúp cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau hiểu rằng: Chữ hiếu cá nhân đôi khi đành phải lặng lẽ bỏ lại phía sau, để báo đáp thâm ân với Tổ quốc, dân tộc và ân với chúng sinh vạn loại.
Sống trong tinh thần tri ân báo ân của nhà Phật “quốc gia xã hội tri ân”, chúng ta hiểu những hy sinh thầm lặng của các Mẹ Việt Nam Anh hùng đã góp phần mang lại cho chúng ta cuộc sống hòa bình hạnh phúc hôm nay là một trọng ân trong tứ ân mà chúng ta không thể không báo đáp.
Dịp này ở các nơi thờ tự trên cả nước mọi người đều tưởng nhớ, tri ân các anh hùng giải phóng dân tộc, thắp nén tâm nhang cầu trời, khất Phật được sức khỏe, bình an, vạn sự tốt lãnh trong lễ Vu Lan. Đây cũng là dịp tỏ lòng tri ân của thế hệ con cháu hôm nay và mai sau dâng lên hương hồn những người đã khuất, là nén tâm hương lan tỏa, khơi dậy tinh thần tri ân, báo ân với các bậc tiền nhân đã có công xây dựng và bảo vệ đất nước. Cùng cầu nguyện cho tất cả chúng sinh đều được sống trong bình an, hạnh phúc, giác ngộ tình thương và giữ trọn đạo hiếu với tinh thần tri ân, báo ân của những người con Phật.