Vì sao xe buýt, nước sạch giá “lên”, chất lượng “xuống”

Giá nước, giá vé xe buýt và hàng loạt hàng hóa, dịch vụ khác tăng lên, làm cho người dân TP.HCM chịu các khoản chi phí vốn đã nhiều nay càng thêm nặng. Thế nhưng, điều mà người dân chờ đợi là chất lượng dịch vụ phải tăng tương ứng lại không thấy.

Xe buýt rệu rã

Hành khách đi xe buýt bắt đầu ngán ngẩm bởi chất lượng xe sau 8 năm hoạt động ngày càng đi xuống mà không được nâng cấp, sửa chữa. Nhìn bề ngoài, xe buýt xuống cấp một cách thảm hại với “thương tích” đầy mình.


Nội thất bên trong còn tệ hơn. Chị Trần Thị Lan, hành khách thường đi xe buýt tuyến Củ Chi-chợ Bến Thành, than thở: “Có những hôm ngồi trên xe buýt mà tưởng như ngồi trên... máy cày, khói mù mịt, máy lạnh không có, xe chạy thì kêu răng rắc như sắp bị gãy...”.

Từ 1/1/2011, Sở GTVT TP.HCM quyết định tăng thêm 1.000 đồng/vé đối với 111 tuyến trợ giá. Theo chị Lan, mức giá này đối với người dân không phải là quá đắt. “Điều mà chúng tôi cần đó là xe buýt phải đảm bảo chất lượng, người dân đón xe buýt phải có trạm chứ không phải bám víu vào lề đường, hứng bụi bặm và đầy nguy hiểm như thế này”.

Hệ thống đường ống xuống cấp đang là mối lo chất lượng nguồn nước.


Điều đáng lo ngại là “đội ngũ” xe buýt hiện đang xuống cấp, rất cần được tu sửa. Ông Phùng Đăng Hải - Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX vận tải TP.HCM, cho biết hiện tại, Liên hiệp HTX đang quản lý 800 xe buýt của các xã viên, trong đó có cả dự án xe buýt do Nhà nước hỗ trợ lãi vay trong 10 năm, đều đã đến thời kỳ cần phải đại tu.


Nhiều xe buýt bước vào giai đoạn hư hỏng nặng rất cần phải đại tu, sửa chữa lớn, nhưng nhiều đơn vị vận tải, cá nhân lại không có khả năng đầu tư nâng cấp. Hư hỏng chủ yếu của xe buýt là ghế nệm rách nát, đuôi và sàn xe bị mục, gãy cốt máy, máy lạnh hư hỏng, kính vỡ, khói xe đen kịt và một số nội thất bên trong xe hư hỏng, bong tróc...

Nếu không sớm có chính sách, cơ chế hỗ trợ đầu tư, nâng cấp dàn phương tiện này, nhiều khả năng TP.HCM sẽ lặp lại tình trạng khủng hoảng thiếu xe như đã từng xảy ra cách đây 8 năm.

Nước đục vì… thiếu vốn

Bất chấp nỗ lực của ngành cấp nước TP.HCM, thời gian qua, chất lượng nước tại một số quận, huyện luôn là vấn đề đáng lo ngại. Hệ thống đường ống nước sạch của thành phố hiện đang xuống cấp với khá nhiều đoạn cũ, mục, cần được nâng cấp, thay mới.


Tổng chiều dài đường ống nước do Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) quản lý hiện nay là 3.800 km, nhưng có hơn 700 km đường ống có tuổi thọ trên 30 năm, cần thay thế. Đã thế, giá nước sinh hoạt được điều chỉnh tăng liên tục (vào 1/3/2010 và mới đây là vào 1/1/2011). Theo kế hoạch, việc tăng giá này sẽ kéo dài đến năm 2013 và mỗi năm tăng thêm 10%.

Mới đây, người dân thành phố đã phản đối việc tăng giá nước vì chất lượng nước ngày một xấu đi. Hiện tại, hàng ngàn hộ dân quận Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, quận 8 hay kể cả các quận trung tâm như quận 3, quận Phú Nhuận từ nhiều năm qua vẫn thường xuyên phải sống chung với nước máy đục, bẩn... Nhiều gia đình phải sử dụng nguồn nước giếng khoan để sử dụng thay thế.

Theo giải thích của lãnh đạo Sawaco, nguyên nhân chính khiến nhiều khu vực nước bị đục, chất lượng kém là do đường ống cũ chưa được thay thế. Phải đến năm 2015, các đường ống cũ mới được thay mới, tình trạng nước đục sẽ cơ bản được khắc phục. Tuy nhiên, việc khắc phục 100% tình trạng nước đục là chuyện không tưởng, vì dù các đường ống cũ hiện tại được thay thế dứt điểm vào năm 2015 thì sau đó lại có những đường ống cũ khác xuất hiện.

Ông Trần Đình Phú, Tổng Giám đốc Sawaco, cho biết: Vốn đầu tư là vấn đề nan giải nhất hiện nay. Chi phí đầu tư một nhà máy nước sạch mới có công suất 300.000 m3/ngày lên đến khoảng 1.000 tỉ đồng, chưa tính tiền đầu tư đường ống dẫn nước mới khoảng 2.000 tỉ đồng nữa.


Để hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống cấp nước, Sawaco cần thêm một khoản kinh phí khoảng 4 tỉ đôla nữa. Đây là một số vốn quá lớn, trong khi vốn đầu tư phát triển hệ thống cung cấp nước sạch từ ngân sách thành phố rất eo hẹp. Như vậy, dù giá nước có tăng bao nhiêu đi nữa thì nhiều người dân thành phố vẫn phải sử dụng nước đục.

Sĩ Dũng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN