Vi phạm trật tự xây dựng tại TP Hồ Chí Minh - Bài cuối: Quyết liệt xử lý vi phạm

Vi phạm trật tự xây dựng tại các đô thị lớn; trong đó, có Tp. Hồ Chí Minh luôn là vấn đề nhức nhối. Tuy nhiên, nếu phát hiện và xử lý nghiêm ngay từ đầu thì không những kéo giảm số vụ vi phạm mà còn tạo sự răn đe, phòng ngừa chung. Điều này đòi hỏi cán bộ trong chức năng, nhiệm vụ quản lý của mình phải có thái độ quyết liệt xử lý vi phạm.

Chú thích ảnh
Căn nhà mẫu dự án Picity High Park, quận 12 vẫn tồn tại dù đã có quyết định cưỡng chế tháo dỡ do xây dựng không phép. 

Kỷ luật cán bộ 

Trở lại vụ vi phạm trật tự xây dựng tại chung cư Khang Gia, quận Tân Phú cho thấy, thực tế trong thời gian dài cư dân đã nhiều lần phản ánh nhưng cơ quan chức năng lại chậm vào cuộc. UBND Tp. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức thi hành nghiêm kết luận của Thanh tra Sở Xây dựng, khẩn trương xử lý sai phạm chủ đầu tư, cá nhân có trách nhiệm nhưng buông lỏng quản lý, dẫn đến sai phạm của chủ đầu tư, buộc chủ đầu tư nghiêm chỉnh chấp hành và khắc phục ngay các sai phạm. 

Lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng, trách nhiệm lúc này thuộc về UBND phường Tân Quý, quận Tân Phú. Đội Thanh tra địa bàn thuộc Thanh tra Sở Xây dựng chủ quan trong việc giám sát công trình, dẫn đến công trình tiếp tục xây dựng sai phạm. Công tác phối hợp giữa Đội thanh tra địa bàn quận Tân Phú và UBND phường Tân Quý, quận Tân Phú chưa tốt nên không kịp thời phát hiện vụ việc. Sở Xây dựng đã “phê bình” rút kinh nghiệm đối với 8 Thanh tra viên và công chức Thanh tra Sở Xây dựng. 

Còn tại dự án Bảy Hiền Tower quận Tân Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu UBND Tp. Hồ Chí Minh xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tại dự án, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân. Vừa qua, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã chuyển hồ sơ qua cơ quan điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm sai phạm. 

Sở Nội vụ thành phố cũng đã ban hành kế hoạch tổ chức kiểm điểm, làm rõ và xử lý trách nhiệm cá nhân với các lãnh đạo trên địa bàn liên quan đến sai phạm của dự án. Theo đó, sẽ  tổ chức kiểm điểm lãnh đạo qua các thời kỳ của Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch Kiến trúc và UBND quận Tân Bình (thực hiện đến ngày 15/12). Sở Nội vụ cũng đề nghị Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Thanh tra Thành phố góp ý về nội dung kiểm điểm và kiến nghị hình thức xử lý nếu thấy cần thiết.

Một minh chứng cho việc buông lỏng quản lý và xử lý nghiêm cán bộ vi phạm là vụ xây dựng không phép của ông Lê Hữu Thành - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND quận Thủ Đức cùng người nhà. Hiện nay chỉ mới xử lý cơ bản phần công trình vi phạm. Việc xử lý trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan thì vẫn đang trong quá trình thực hiện.

Mới đây Sở Nội vụ thành phố  đề nghị UBND quận Thủ Đức khẩn trương cung cấp hồ sơ, báo cáo giải trình toàn bộ vụ việc xử lý, lý do “bỏ lọt” công trình vi phạm mà không xử lý dứt điểm, kéo dài qua nhiều thời kỳ để Sở Nội vụ có cơ sở tham mưu UBND thành phố báo cáo Thường trực Thành uỷ và HĐND thành phố. 

Bản thân ông Lê Hữu Thành và người nhà xây dựng 7 công trình không phép là nhà xưởng có kết cấu cột sắt, kèo sắt, mái tôn trên các khu đất được quy hoạch là đất ga dự trữ tại hẻm 419, đường số 48, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức trong thời gian từ năm 2012-2017. Từ tháng 5/2019, UBND phường Hiệp Bình Chánh đã có kế hoạch thực hiện cưỡng chế nhưng đến tháng 10/2019 những công trình này vẫn tồn tại gây bức xúc trong dư luận. 

Trong khi đó, ông Lê Ngọc Quý (người thân của ông Lê Hữu Thành) - nguyên là Chánh Thanh tra quận Thủ Đức đã thiếu gương mẫu để gia đình có hành vi vi phạm xây dựng không phép. Ban Thường vụ Quận ủy Thủ Đức đã chỉ đạo kiểm tra, làm rõ, kiểm điểm, sau đó điều chuyển ông Lê Ngọc Quý về làm Trưởng phòng Tư pháp quận Thủ Đức. Bản thân ông Lê Hữu Thành đã nhận hoàn toàn trách nhiệm và xin thôi giữ chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực HĐND quận Thủ Đức. 

Tăng cường thực thi pháp luật  

Để tăng cường vai trò quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn, tháng 7/2019 Thành uỷ Tp. Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị 23 - CT/TU, tháng 8/2019 UBND thành phố ban hành Kế hoạch 3333/KH-UBND. Theo ông Lý Thanh Long, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng, sau hơn 3 tháng triển khai Chỉ thị 23 và Kế hoạch 3333 nói trên, tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố đã có chuyển biến tích cực.

Chú thích ảnh
Dự án Bảy Hiền Tower, quận Tân Bình xây sai phép, hồ sơ dự án đã chuyển qua cơ quan điều tra.

Cụ thể, từ đầu năm 2019 đến tháng 10/2019 số công trình vi phạm trên địa bàn thành phố là 450 công trình; trong đó sai phép là 278 công trình, không phép là 172 công trình, bình quân 3,7 vụ/ngày. Nếu so sánh với bình quân số vụ vi phạm của 6 tháng đầu năm 2019 là 6,9 vụ/ngày thì số vụ vi phạm giảm 3,2 vụ/ngày (giảm 46%).

Tuy nhiên, tính chất số vụ vi phạm trật tự xây dựng dường như không hề giảm. Một số điểm nóng chưa được “giảm nhiệt” như huyện Bình Chánh. Tại đây một số cán bộ của UBND huyện Bình Chánh đã bị kỷ luật, bị khởi tố hình sự do vi phạm đất đai xây dựng.

Vừa qua, thực hiện chỉ đạo của UBND Tp. Hồ Chí Minh, Thanh tra thành phố công bố Quyết định thanh tra số 352/QĐ-TTTP-P7 về thanh tra toàn diện công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Bình Chánh. Thời kỳ thanh tra từ năm 2016 – 2019 và những vấn đề phát sinh có liên quan trước hoặc sau thời điểm thanh tra. 

Triển khai giải pháp lập lại trật tự xây dựng đô thị, bắt đầu từ tháng 11/2019, Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh triển khai cơ chế phối hợp liên tịch tăng cường quản lý trật tự xây dựng giữa Đội thanh tra địa bàn thuộc Sở Xây dựng với lãnh đạo UBND quận huyện.

Theo ông Lê Hoà Bình, Giám đốc Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh, việc thực hiện kế hoạch liên tịch góp phần chấn chỉnh, khắc phục những yếu kém trong phối hợp giữa Sở Xây dựng và  UBND các quận, huyện trong công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn; tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch, xây dựng trên đất không được phép xây dựng mà không bị xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật. 

Mới đây, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh đã giao UBND các quận huyện rà soát, tổ chức cưỡng chế một số công trình vi phạm trật tự xây dựng có tính chất, quy mô lớn, nghiêm trọng (mỗi quận huyện ít nhất có 2 công trình). Phân cấp mạnh cho UBND quận huyện trực tiếp quản lý lực lượng thanh tra xây dựng địa bàn trong khi chờ Thủ tướng Chính phủ thông qua đề án thí điểm thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng thuộc UBND quận huyện. UBND thành phố cũng sẽ ban hành quyết định điều chỉnh Quyết định 60/2017/QĐ-UBND quy định diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn. 

Đáng chú ý, vào ngày 2/12 vừa qua, UBND thành phố ban hành Quyết định số 30/QĐ-UBND về quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thay thế Quyết định 58/QĐ-UBND ngày 18/12/2013 của UBND thành phố trước đây. Theo Quyết định số 30/QĐ-UBND, tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố phải được kiểm tra, giám sát ngay từ khi khởi công đến khi hoàn thành, đưa vào sử dụng. Mọi hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý kiên quyết ngay từ đầu; mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật. 

Việc kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động xây dựng là trách nhiệm của UBND quận huyện, UBND xã phường, thị trấn. Thanh tra Sở Xây dựng chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra các công trình xây dựng lớn, đặc thù, phức tạp và thanh tra công tác quản lý trật tự xây dựng tại các quận huyện. Hành vi tiếp tay, bao che, buông lỏng quản lý của cơ quan, đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng sẽ bị xử lý nghiêm, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Dưới góc độ quản lý địa bàn, ông Nguyễn Thái Bình, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Củ Chi cho biết, UBND huyện đã giao UBND các xã, thị trấn và Đội Thanh tra địa bàn huyện tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý dứt điểm các công trình vi phạm, không kéo dài thời gian xử lý. Huyện sẽ công khai các trường hợp vi phạm tại UBND xã, thị trấn nơi có công trình vi phạm đồng thời tập trung xử lý các công trình nhà xưởng, công trình xây dựng sai phép nhà nhiều căn tại xã Bình Mỹ vốn là điểm nóng lâu nay. 

Với quyết tâm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Thành phố tới phường, xã, thị trấn, hy vọng rằng, trật tự xây dựng trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh sẽ nhanh chóng ổn định và được lập lại để phát triển đô thị thực sự bền vững, phát triển hiện đại mà vẫn văn minh, xứng đáng là trung tâm tài chính, kinh tế của cả nước.

Bài và ảnh: Trần Xuân Tình (TTXVN)
Vi phạm trật tự xây dựng tại Tp. Hồ Chí Minh - Bài 2: Dây dưa vi phạm
Vi phạm trật tự xây dựng tại Tp. Hồ Chí Minh - Bài 2: Dây dưa vi phạm

Đã vi phạm còn chây ỳ, không khắc phục mà còn tỏ thái độ bất hợp tác. Nhiều chủ đầu tư dự án đô thị tại Tp. Hồ Chí Minh dường như đang khiến lực lượng chấp pháp tại đây “đau đầu” trong việc xử lý và giải quyết dứt điểm vụ việc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN