Vẫn nhiều vướng mắc trong cấp sổ đỏ

Việc triển khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN), hay còn gọi là sổ đỏ, dù đã được các địa phương chú trọng, song vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Còn nhiều vướng mắc và bất cập trong các khâu cấp sổ đỏ...

 

Làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Lê Phú

 

Đó là ý kiến của các đại biểu tham dự tọa đàm trực tuyến “Gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ cấp sổ đỏ”, do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức, sáng 27/9, tại Hà Nội.

 

Sẽ tiếp tục rà soát


Theo Nghị quyết số 30/2013/QH13 và Chỉ thị số 05/CT - TTg ngày 24/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2013, việc cấp sổ đỏ phải đạt 95% trở lên đối với trường hợp đủ điều kiện; đạt 85% diện tích sử dụng trở lên đối với các loại đất chính. Đây được coi là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị từ cấp Trung ương đến các cấp cơ sở.


Tuy nhiên, theo thống kê mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), đến nay cả nước đã cấp được 36,5 triệu GCN với tổng diện tích 20,36 triệu ha, đạt 84,1% diện tích cần cấp GCN của cả nước. Về đất ở đô thị, tỷ lệ cấp đạt 81,1% (còn 29 tỉnh đạt dưới 85%). Về đất ở nông thôn, đã cấp đạt 85,5% (còn 27 tỉnh đạt dưới 85%). "Trong thời gian tới, sẽ cần cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa để đáp ứng chỉ tiêu đặt ra", Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển, cho biết.


Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, trong đó có vấn đề mức phí trước bạ cấp GCN. Thống kê của nhiều địa phương cho thấy, phí trước bạ cấp GCN đang ở mức cao khiến người dân chưa mặn mà, thậm chí có nơi đã hoàn thành thủ tục cấp GCN nhưng người dân vẫn không đến lấy GCN.


Về vấn đề này, ông Trần Hùng Phi, Cục trưởng Cục Đăng ký và thống kê, Bộ TNMT, cho biết: Thời gian qua, Bộ TNMT đã phối hợp với Bộ Tài chính rà soát lại các quy định liên quan đến thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất và cũng đã sửa đổi rất nhiều văn bản quy định về vấn đề này. Trong đó có Nghị định 45 (năm 2011), giảm mức thu lệ phí trước bạ từ 1% xuống 0,5% và cũng miễn thu cho nhiều đối tượng, nhất là cấp GCN đối với đất nông nghiệp, các hộ chính sách, đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, mức thu hiện tại là 0,5% vẫn còn cao với người dân.


Cũng theo ông Trần Hùng Phi, Bộ TNMT đã phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định 23 đầu năm 2013, trong đó có quy định miễn thu lệ phí trước bạ đối với các đối tượng là hộ gia đình cá nhân mà sử dụng đất ở do nhận thừa kế, nhận tặng, cho của ông bà, bố mẹ, anh em con cháu trong gia đình. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quy định này, một số địa phương phản ánh vẫn còn vướng mắc do sử dụng đất thường theo truyền thống cha truyền con nối mà người dân không làm thủ tục thừa kế theo quy định, khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận lần đầu thì chủ yếu dựa trên cơ sở hiện trạng đang sử dụng, phù hợp với quy hoạch, không có tranh chấp là cấp giấy chứng nhận. Cho nên, việc xác định trường hợp nhận thừa kế, nhận tặng, cho khi làm thủ tục cấp giấy lần đầu khó thực hiện. "Xuất phát từ thực trạng này, Bộ TNMT đã phối hợp với Bộ Tài chính, trình Chính phủ phương án sửa đổi Nghị định 23. Chính phủ đã thống nhất giao cho Bộ Tài chính cùng với Bộ TNMT để tiến hành rà soát sửa đổi. Hướng sửa đổi là chúng tôi đề nghị quy định cụ thể, khi cấp GCN lần đầu thì những trường hợp mà hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có nguồn gốc ông cha để lại thì cũng cho miễn lệ phí trước bạ như trường hợp được nhận thừa kế", ông Phi chia sẻ.


Chủ đầu tư chậm thực hiện

 

Theo thống kê của các địa phương, tình trạng tồn đọng cấp GCN lớn nhất hiện nay là ở đất dự án nhà ở tại các thành phố, mà nguyên nhân chủ yếu là từ phía chủ đầu tư chưa thực hiện đúng các quy định.


Hà Nội là một trong những địa phương còn số GCN tồn đọng nhiều nhất. Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở TNMT Hà Nội, trên địa bàn Hà Nội, hiện có 223 dự án phát triển nhà ở, tương ứng với khoảng 220.000 căn hộ gồm cả thấp và cao tầng. Đến nay đã bàn giao cho người mua nhà khoảng 120.000 căn hộ và cấp giấy 30.000 căn. Còn khoảng 80.000 căn chưa được thực hiện cấp giấy."Vướng mắc trong cấp GCN tại Hà Nội chủ yếu tập trung vào các khu dân cư, nhà ở, còn ở khu nông thôn đã cơ bản hoàn thành. Một số chủ đầu tư cho đến giờ phút này không chịu phối hợp. Sau khi có Thông báo 327 của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Sở đã thông báo tất cả các chủ đầu tư kê khai nhưng chỉ có khoảng 110 doanh nghiệp liên hệ, số chủ đầu tư nộp hồ sơ rất ít", ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết.


Để giải quyết tình trạng này, Sở TNMT Hà Nội kiên quyết thực hiện những biện pháp mạnh và đồng bộ. "80.000 GCN tồn đọng là nằm trong diện chủ đầu tư có sai pham, một là nợ nghĩa vụ tài chính; hai là xây dựng không đúng quy hoạch, xây dựng sai mật độ; và có sự chuyển đổi chủ đầu tư. Sau khi chúng tôi thông báo đến lần thứ 3, nếu chủ đầu tư không thực hiện kê khai thì Sở sẽ thực hiện công tác thanh tra, xử lý, xử phạt theo quy định của Luật Thủ đô, Nghị định 105. Sở sẽ giải quyết tách bạch giữa lỗi và trách nhiệm của chủ đầu tư đối với Nhà nước thì Nhà nước xử lý, còn nếu là lỗi của người dân thì người dân phải chịu trách nhiệm. Người dân không có lỗi thì sẽ thực hiện việc kê khai và cấp giấy. Có thể cấp thẳng cho người dân thông qua các cơ quan địa phương hoặc chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ kê khai để cấp giấy cho người dân", ông Nghĩa nhấn mạnh.

 

Sẽ xử lý cán bộ nhũng nhiễu dân Trước thông tin tại một số địa phương người dân nộp hồ sơ xin cấp GCN phải có phí "lót tay" cho cán bộ, ông Lê Văn Lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai, Bộ TNMT thừa nhận tình trạng đã xảy ra một số nơi, đặc biệt ở thành phố, do một số cán bộ thoái hóa, năng lực yếu, chưa thực hiện hết trách nhiệm công chức, gây phiền hà, tiếp tay cho cò mồi và trung gian. Bộ TNMT tập trung chỉ đạo các địa phương, đặc biệt các quận, huyện nơi thực hiện trung tâm giao dịch hành chính một cửa. Công khai hóa bộ hồ sơ thủ tục, quy trình thực hiện và cử cán bộ trực tiếp tiếp nhận, có thời gian giao nhận và trả. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra. Bộ có kế hoạch thanh tra công tác cấp GCN diện rộng triển khai ở các tỉnh và thành phố. Cuối năm sẽ có tổng hợp báo cáo và xử lý vi phạm.



Thu Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN