Chương trình Bảo vệ trẻ em 2011 - 2015 đã được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, chủ yếu ngân sách nhà nước sẽ tập trung cho những vùng khó khăn. Còn những nơi thuận lợi thì khuyến khích đầu tư từ ngân sách của địa phương. TS. BS Hoàng Văn Tiến (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) chia sẻ với Tin Tức một số thông tin xung quanh nội dung này.
Ông có nhận xét gì về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn?
Quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã tác động tích cực đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng bất bình đẳng giữa trẻ vùng nông thôn với trẻ thành thị, và nhất là trẻ em dân tộc ở vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa, nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.
Việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế do nhiều nguyên nhân. Một mặt, do khó khăn của việc tiếp cận thông tin; mặt khác, do tập quán ăn ở, sinh hoạt của một số gia đình ở những vùng này cũng có những đặc thù khác các vùng nên đã hạn chế trong việc quan tâm chăm sóc đối với trẻ em. Tình trạng trẻ bị tai nạn thương tích, bị bắt cóc bán qua biên giới, chết đuối... ở những vùng này dễ xảy ra.
Một vấn đề nữa là ở nhận thức của các bậc cha mẹ và chính quyền địa phương. Họ quan niệm lo được ăn, lo được mặc, khám chữa bệnh cho trẻ đã là tốt lắm rồi, còn vấn đề vui chơi của trẻ chưa thực sự cần. Với mặt bằng điều kiện kinh tế và dân trí của các vùng này, việc cha mẹ tạo điều kiện cho trẻ được chơi cũng khó.
Thời gian qua, trẻ em nghèo vùng khó khăn đã được quan tâm ra sao, thưa ông?
Đã có rất nhiều chính sách với đối tượng này. Một số chính sách nằm trong chính sách chung đối với các hộ nghèo, vùng nghèo. Còn cụ thể, đối với trẻ em con đồng bào dân tộc khó khăn, có chính sách đặc thù riêng. Ngoài việc khám chữa bệnh theo chế độ Bảo hiểm y tế, còn có những hỗ trợ từ bên ngoài: Cấp phát thuốc, hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ...; có điều, các hoạt động này vẫn chưa phổ biến. Trẻ nghèo mắc bệnh hiểm nghèo (ví dụ, bị bệnh tim bẩm sinh) cũng được nguồn ngân sách địa phương, hoặc các nguồn tài trợ hỗ trợ. Về giáo dục, trẻ được đi học không phải đóng tiền học phí hoặc được miễn giảm các khoản đóng góp của nhà trường, được hỗ trợ thêm đồ dùng học tập, sách vở, quần áo, thậm chí có những vùng như Quảng Nam còn hỗ trợ cả bữa ăn trường học hoặc hỗ trợ phương tiện đi học cho trẻ lang thang để kéo trẻ quay lại trường lớp... Bên cạnh đó, trẻ em ở các vùng này còn được ưu tiên cung cấp đồ chơi, đồ dùng học tập, sách vở hơn những vùng thuận lợi khác.
Tuy nhiên, nguồn lực tài chính chưa nhiều nên không đáp ứng đủ để cung cấp các dịch vụ cần thiết và có chất lượng cho trẻ em. Cần tiếp tục huy động sự đóng góp và tham gia của cộng đồng để cùng giải quyết vấn đề.
Được biết, Chính phủ đã thông qua Chương trình Bảo vệ trẻ em 2011 - 2015. Trong chương trình này, đối tượng trẻ em ở các huyện, xã nghèo được ưu tiên như thế nào?
Tiếp tục dành sự quan tâm đến trẻ em các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là chủ trương của Đảng, Nhà nước. Chủ trương này có thể thực hiện trực tiếp thông qua việc triển khai một số dự án cụ thể. Còn chính sách chung là thông qua Chương trình Bảo vệ trẻ em 2011 - 2015. Chủ yếu ngân sách nhà nước sẽ tập trung cho những vùng khó khăn. Còn những nơi thuận lợi, chúng ta khuyến khích các địa phương đầu tư từ ngân sách của địa phương.
Ngoài ưu tiên về kinh phí, đầu tư cải thiện chất lượng nguồn nhân lực làm công tác trẻ em cũng là một yếu tố quan trọng trong Chương trình quốc gia Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 - 2015. Trong 5 năm tới, sẽ củng cố, kiện toàn và đào tạo khoảng 90.000 cán bộ, cộng tác viên làm công tác trẻ em.
Chúng ta sẽ bố trí lại đội ngũ cộng tác viên thôn bản làm công tác trẻ em. Chúng ta đặt ra mục tiêu trung bình cứ 150 hộ gia đình bố trí một 1 cộng tác viên như thế. Với các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa, có thể 30 hộ gia đình bố trí 1 cộng tác viên. Như thế, thuận lợi hơn cho việc nắm bắt tình hình thực trạng trẻ em tại địa phương và tình hình thực hiện các chính sách đối với trẻ em, từ đó có các can thiệp sớm và kịp thời hơn.
Xin cảm ơn ông!
Mạnh Minh thực hiện