Ươm những mầm xanh nơi hải đảo

Chúng tôi đến quần đảo Trường Sa vào những ngày tháng tư nắng nóng gay gắt, nhưng bù lại là sóng yên, biển lặng. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, vượt qua hàng trăm hải lý, các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn và Trường Sa Lớn lần lượt hiện ra trước mắt chúng tôi với sức sống mới nằm ngoài sự tưởng tượng của những người đi Trường Sa lần đầu. Hình ảnh các cháu bé mặc áo in hình cờ đỏ sao vàng hoặc trang phục hải quân xếp thành hàng dài vẫy tay chào đón mỗi khi đoàn lên đảo khiến chúng tôi nhận ra rằng, sức sống mới của quần đảo Trường Sa chính là đây - những mầm xanh được ươm tại nơi đầu sóng ngọn gió.

Các em học sinh ở đảo Song Tử Tây vui đón đoàn khách thăm đảo.


Điểm thu hút cánh nhà báo chúng tôi nhất chính là Nhà Văn hóa thị trấn Trường Sa - một tòa nhà khá khang trang và sạch sẽ lấp ló giữa những tán lá xanh biếc của cây phong ba và cây bàng vuông, vốn được coi là cây đặc hữu của quần đảo Trường Sa. Trong tiếng sóng vỗ rì rào của biển cả, tiếng cười đùa và ê a học bài của các em nhỏ như tiếp thêm sức sống cho vùng hải đảo xa xôi thiêng liêng của Tổ quốc. Ở đây, các em được giáo dục lòng yêu nước và ý thức về chủ quyền biển đảo ngay từ nhỏ qua những lời ca, tiếng hát và những bài thơ về quần đảo Trường Sa thân yêu - mảnh đất nơi các em được nuôi dưỡng và trưởng thành.

Các em thiếu nhi và người dân ở đảo Trường Sa Lớn đón khách đến thăm đảo.


Hiện ở các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn và Trường Sa Lớn mỗi đảo có 7 hộ dân cư sinh sống, cuộc sống của các gia đình đang ngày càng được cải thiện và đi vào ổn định. Phần đông các chị tham gia nấu ăn cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo, trong khi các anh đánh bắt hải sản. Sự xuất hiện của lớp măng non như thổi một luồng sinh khí mới cho những hòn đảo quanh năm đầy nắng và gió. Việc bé gái Nguyễn Ngọc Trường Xuân cất tiếng khóc chào đời ngay tại thị trấn Trường Sa vào đúng dịp này năm ngoái là một sự kiện ghi dấu ấn trong quá trình phát triển của cả quần đảo Trường Sa. Khi chúng tôi tới thăm đảo là lúc bé Trường Xuân chuẩn bị đón sinh nhật một tuổi. Gương mặt trẻ thơ gieo vào lòng chúng tôi một niềm tin bất diệt về sức sống mãnh liệt giữa nơi phong ba bão tố.

Giờ ra chơi của học sinh ở đảo Trường Sa Lớn.


Trong điều kiện xa đất liền, việc chăm sóc và nuôi dạy các cháu đã trở thành vấn đề quan trọng và được sự quan tâm đặc biệt của chính quyền thị trấn và các xã đảo. Các cháu sẽ học hết tiểu học, sau đó được đưa về đất liền để tiếp tục học chương trình trung học cơ sở. Do điều kiện khó khăn về giáo viên nên việc dạy học trên đảo đòi hỏi có phải sự bố trí hợp lý và hiệu quả. Tại đảo Sinh Tồn, việc dạy học được giao cho các cán bộ, chiến sĩ bởi trong số những người dân đang sinh sống ở đây không ai có thể đảm đương được công việc này.

Cô giáo Bùi Thị Nhung hạnh phúc bên đứa con nhỏ.


Trong khi đó, tình hình ở đảo Trường Sa Lớn thuận lợi hơn khi cô Bùi Thị Nhung (sinh năm 1981, đã từng làm giáo viên 6 năm tại Trường Tiểu học Suối Cát, thành phố Cam Ranh) xung phong ra đảo đứng lớp. Sau 4 năm gắn bó với đảo, Trường Sa Lớn đã trở thành quê hương thứ hai của cô. Với trái tim nhiệt huyết và tình thương vô bờ đối với con trẻ, cô đã ươm được nhiều lớp mầm xanh nơi hải đảo. Nhiều cháu sau khi học xong tiểu học trở về đất liền đã trở thành học sinh giỏi cấp huyện. Không ai có thể hình dung được rằng, một mình cô phải đảm đương toàn bộ việc giảng dạy các chương trình từ lớp 1 đến lớp 5. Để có thể cùng một lúc giảng bài cho tất cả các em thuộc các lứa tuổi và trình độ khác nhau, cô đã nghĩ ra cách bố trí các bàn học theo hình chữ nhật, mỗi dãy bàn dành cho một lớp để có thể đi vòng quanh giảng bài cho từng em. Thậm chí, khoảng trống giữa các bàn học còn được tận dụng để các em nhỏ tuổi chơi khi bố mẹ các em vắng nhà và gửi gắm cô trông nom. Với cô, khó khăn lớn nhất là việc chuẩn bị giáo án sao cho các em có thể tiếp thu bài nhanh nhất.

Nhìn đôi mắt ánh lên niềm vui của cô, chúng tôi hiểu rằng mọi khó khăn, nhọc nhằn ban đầu đã qua đi và giờ đây các em chính là niềm vui sống của cô nơi biển đảo xa xôi này. Đó cũng là động lực mạnh mẽ khiến cô có thể chỉ sau 3 tháng sinh bé Đặng Phương Nam đã một mình bồng con vượt qua ngàn trùng sóng gió theo tàu từ đất liền trở lại đảo để tiếp tục ươm những mầm xanh. Bé Phương Nam hiện đã hơn 1 tuổi. Nhìn khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc của vợ chồng cô, có thể cảm nhận được rằng Trường Sa đã gắn bó với cô đến nhường nào. Vùng biển đảo thân yêu đó đã trở thành một phần cuộc sống của cô. Tâm sự với chúng tôi, cô không giấu giếm khi bày tỏ nguyện vọng muốn được ở lại lâu dài trên đảo và được cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển của Trường Sa. Với cô, tương lai của các em nhỏ trên đảo là động lực lớn thôi thúc cô gắn bó với nơi đầu sóng ngọn gió này. Và đó cũng chính là sự thể hiện tình yêu Tổ quốc mộc mạc mà chân thực nhất.

Những khuôn mặt ngây thơ, trong sáng và tiếng cười trong trẻo của các em nhỏ giữa biển đảo quê hương như chứng thực một điều rằng, các em đã được nuôi dưỡng và lớn lên trong tình thương yêu vô bờ bến của quân và dân trên đảo, và hơn nữa là sự quan tâm đặc biệt từ đất liền. Từng cuốn sách giáo khoa, dụng cụ học tập và đồ chơi được các bạn nhỏ quyên góp gửi ra hải đảo xa xôi mang nặng tình yêu thương và những lời nhắn nhủ, động viên chân thành. Với các em, đó là những món quà vô giá bởi cuộc sống của các em vẫn còn nhiều thiếu thốn. Đâu phải ai cũng biết rằng có những lúc các em chỉ ước ao được ăn một chiếc bánh mì hay một chiếc bánh bao. Thế nhưng, đâu phải lúc nào cũng có tàu từ đất liền ra để thực hiện được ước mơ giản dị và nhỏ nhoi đó của các em.

Diện mạo của quần đảo Trường Sa hôm nay đã và đang thay da đổi thịt, song khó khăn, thách thức vẫn còn đó. Nhưng chính giữa muôn trùng sóng gió và bộn bề khó khăn, những mầm xanh được ươm nơi hải đảo sẽ tạo nên sức sống mới cho quần đảo Trường Sa, tiếp thêm sức mạnh và ý chí cho các cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Có thể các em sẽ không mãi gắn bó với mảnh đất thân yêu này, nhưng Trường Sa sẽ luôn là một dấu ấn quan trọng và là niềm tự hào của các em trong bước đường tương lai.

Bài và ảnh: Tuyết Nhung

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN