Tuổi trẻ Bộ đội Biên phòng hành trình về nguồn tại chiến khu Rừng Sác. Ảnh: Phan Huấn
Trong hành trình, cán bộ, chiến sĩ trẻ đã tham quan, trải nghiệm thực tế tại các khu phục dựng như đài quan sát, nhà quân nhu, nhà thông tin, xưởng quân giới… giúp hình dung sinh động về đời sống chiến đấu gian khổ của các chiến sĩ đặc công trong kháng chiến.
Tại tượng đài Đặc công Rừng Sác, đoàn đã dâng hương, dâng hoa và ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Đây là dịp tưởng nhớ, tri ân sâu sắc những thương binh, bệnh binh, anh hùng liệt sĩ đã không tiếc máu xương vì nền độc lập, tự do của dân tộc.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tham quan, trải nghiệm thực tế tại các khu phục dựng như đài quan sát, nhà quân nhu, nhà thông tin, xưởng quân giới…Ảnh: Phan Huấn
Chương trình góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, bồi đắp lý tưởng cách mạng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ Bộ đội Biên phòng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là dịp thắt chặt mối liên kết giữa các thế hệ, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
Chiến khu Rừng Sác là khu căn cứ cách mạng đặc biệt nằm ở vùng sình lầy rừng ngập mặn thuộc xã Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh). Trong kháng chiến chống Mỹ, nơi đây là “địa bàn lửa”, từng là căn cứ hoạt động của Đoàn 10 đặc công Rừng Sác (thuộc Lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định). Với địa hình hiểm trở và tinh thần chiến đấu quả cảm, các chiến sĩ đặc công đã thực hiện nhiều trận đánh nổi tiếng vào đầu não, kho tàng, bến cảng của địch, gây cho đối phương nhiều tổn thất nặng nề.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng ôn lại truyền thống cách mạng. Ảnh: Phan Huấn
Ngày nay, Khu di tích Chiến khu Rừng Sác là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước và tinh thần kiên cường cho thế hệ trẻ.