Tủ sách Đinh Hữu Dư: Đưa tri thức về vùng khó khăn ở Gia Lai

Với kinh phí hơn 100 triệu đồng, Chương trình "Tủ sách Đinh Hữu Dư" của Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã đến với 4 điểm trường khó khăn của học sinh vùng sâu, vùng xa huyện Krông Pa (Gia Lai) vào giữa tháng 4/2021.

Chú thích ảnh
Tủ sách Đinh Hữu Dư tại Gia Lai với hơn 3.500 cuốn sách, truyện cho học sinh vùng khó khăn tại huyện Krông Pa (Gia Lai). 

Chương trình là hoạt động thường niên, viết tiếp ước mơ còn dang dở của phóng viên Đinh Hữu Dư (anh hy sinh trong lần tác nghiệp mưa lũ tại Yên Bái vào năm 2017), vừa góp phần "tăng cường tiếng Việt trong vùng học sinh dân tộc thiểu số" theo mục tiêu Đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Phóng viên TTXVN tại tỉnh Gia Lai đã phối hợp hài hòa giữa hai mục tiêu trên của chương trình khi đăng ký xây dựng tủ sách Đinh Hữu Dư tại 4 điểm trường tiểu học vùng đặc biệt khó khăn của huyện Krông Pa: điểm trường Ia Jip, Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn (xã Chư Drăng); điểm trường Chư Jú và Puh Chik, Trường Tiểu học Trưng Vương (xã Ia Rsai); Trường Tiểu học xã Đất Bằng.

Với hơn 3.500 cuốn sách, truyện phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi, chương trình đã cơ bản giải được cơn "khát" truyện của hơn 1.000 học sinh nghèo người dân tộc Jrai hiếu học nơi đây.

Chú thích ảnh
Các em học sinh các điểm trường khó khăn của huyện Krông Pa (Gia Lai) đọc sách từ "Tủ sách Đinh Hữu Dư".

Theo cô Đoàn Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa, học sinh của trường đã được tiếp cận tiếng Việt thông qua nhiều môn học. Tuy nhiên, điểm trường Ia Jip cách xa điểm trường chính, điều kiện vật chất thiếu thốn, không có mạng internet cũng như nguồn truyện nghèo nàn, để luân chuyển sách, truyện giữa các điểm trường, thầy, cô phải đi rất xa, do đó, các học sinh chịu nhiều thiệt thòi.

Việc đọc sách, truyện sẽ làm các em tiếp xúc với con chữ nhiều hơn, từ đó nâng cao khả năng đọc, viết tiếng Việt. Qua các mô hình thư viện hiện có tại điểm trường chính góp phần tăng khả năng tiếp thu bài giảng, chất lượng học sinh ngày một nâng lên. Việc Đoàn Thanh niên TTXVN khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã về trường khảo sát, tổ chức trao tặng tủ sách cho các em là niềm hạnh phúc của hàng trăm học sinh hiếu học. Từ nay, các em sẽ không còn "khát" truyện và được chuyền tay nhau những tập sách, cuốn truyện bổ ích.

Em Ksor H'Đưa, lớp 4, điểm trường Ia Jip, Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn cho biết, em và các bạn rất vui khi được các cô, chú phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đến tặng sách và đồ chơi. Sách, truyện trong thư viện đã rất cũ vì các em đã đọc đi đọc lại nhiều lần. Nay có thêm nhiều truyện mới, em và các bạn sẽ đến trường thường xuyên hơn.

Chú thích ảnh
 Niềm vui của học sinh các điểm trường khó khăn tại huyện Krông Pa (Gia Lai) khi đón nhận những cuốn sách, tập truyện do Đoàn thanh niên TTXVN khu vực Miền Trung - Tây Nguyên trao tặng.

Tại điểm trường Chư Jú và Puh Chik, Trường Tiểu học Trưng Vương, xã Ia Rsai, huyện Krông Pa, hơn 500 học sinh vui mừng, phấn khởi vì lần đầu tiên các em thấy trường có nhiều sách, truyện. Hiện nay, trước giờ vào lớp hay giờ ra chơi, các em đều ngồi đọc sách trong thư viện. 

Em Ksor H'Hằng, lớp 5, điểm trường Chư Jú vui mừng cho biết em rất thích truyện tranh nhưng điều kiện gia đình không có tiền để mua, nhà trường có mấy cuốn nhưng em đã đọc hết. Khi các cô, chú từ TTXVN mang sách về, em cho hay đây là lần đầu thấy có nhiều truyện như thế. Mùa mưa sắp tới, ngồi trong lớp học, các em có thể đọc truyện trong giờ ra chơi. Qua một tuần đọc truyện, Ksor H'Hằng đã đọc bài trôi chảy hơn và tiếp thu bài giảng của cô giáo tốt hơn trước.

Để tăng cường khả năng tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn, ngành giáo dục tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều phương pháp, đặc biệt là phát triển, nhân rộng các mô hình thư viện tại nhà trường như mô hình thư viện thân thiện, thư viện trung tâm, thư viện cầu thang, thư viện góc lớp. Tuy nhiên, do kinh phí cho thư viện tại các điểm trường vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế nên nguồn sách chỉ được đầu tư một lần, ít được bổ sung, đổi mới hằng năm. Ngoài những điểm trường chính, thuận lợi được đầu tư các mô hình thư viện trên, tại các điểm trường lẻ, hệ thống thư viện vẫn chưa được đầu tư do nguồn kinh phí còn hạn chế. Đó cũng là một trong những hạn chế chưa thực sự thu hút học sinh tìm đến thư viện.

Anh Lê Phạm Xuân Quý, Phó Bí thư Đoàn cơ sở cơ quan TTXVN khu vực miền Trung - Tây Nguyên cho hay, chương trình "Tủ sách Đinh Hữu Dư" của Đoàn Thanh niên TTXVN khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã mang hàng nghìn cuốn sách, tập truyện về với học sinh vùng khó khăn tại Gia Lai. Chương trình với mục đích viết tiếp ước mơ còn dang dở của đồng nghiệp Đinh Hữu Dư cũng như hỗ trợ phần nào sự thiếu hụt sách, truyện tại các điểm trường vùng sâu, vùng xa, kích thích ham muốn đọc sách truyện từ bé cho học sinh. Hy vọng, chương trình sẽ có sức lan tỏa đến nhiều tỉnh thành trong khu vực cũng như trên cả nước để các học sinh dân tộc thiểu số có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với tiếng Việt.

Chương trình thực sự thành công bởi những người thụ hưởng hào hứng đón nhận và ý nghĩa chương trình được lan tỏa, chắp cánh ước mơ tương lai cho học sinh từ những vùng khó khăn, thiếu thốn. Không dừng lại ở đây, cơ quan thường trú TTXVN tại tỉnh Gia Lai sẽ viết tiếp ước mơ còn dang dở của phóng viên Đinh Hữu Dư đến nhiều điểm trường khó khăn khác, để các em học sinh vùng dân tộc thiểu số được tiếp cận gần hơn với sự phát triển của xã hội.

Đây cũng là một bước đệm để góp phần giúp các em nâng cao tri thức, thực hiện những ước mơ hoài bão trong tương lai.

Tin, ảnh: Hồng Điệp (TTXVN)
 Trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư cho các điểm trường khó khăn ở Gia Lai
Trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư cho các điểm trường khó khăn ở Gia Lai

Ngày 16/4, Đoàn Thanh niên cơ sở thuộc Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) khu vực Miền Trung - Tây Nguyên và Cơ quan thường trú TTTXVN tại Gia Lai đã tổ chức Lễ trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư cho 4 điểm trường, trường tiểu học khó khăn của huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN