Trục lợi từ dự án thủy lợi nghìn tỷ

Một dự án thủy lợi có tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng sắp được triển khai tại một trong những khu vực khô hạn gay gắt nhất của tỉnh Đắk Nông.

Chú thích ảnh
Nhiều ngôi nhà tạm được dựng lên trước thời điểm Nhà nước tiến hành kiểm kê, đền bù. Ảnh: TTXVN phát

Đây là công trình được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện để hàng nghìn hộ dân ổn định sản xuất, sinh hoạt và tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội vùng. Tuy nhiên, điều đáng phê phán là nhiều hộ dân đang tạo lập tài sản trái phép tại vùng dự án với mục đích "trục lợi" từ bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Bà Nguyễn Thị Chót, một người dân cư trú lâu năm tại xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông cho biết, mấy năm nay, nông dân Đắk Gằn và một số khu vực lân cận chủ yếu chuyên canh xoài. Đây là vùng đất có lượng mưa ít, nhiệt độ trung bình hàng năm cao nhưng khí hậu, thổ nhưỡng nhìn chung rất phù hợp với xoài và một số loại cây ăn trái. Cái khó nhất của nông dân là nguồn nước để tưới cho cây trồng. Nhiều hộ gia đình phải chi ra hàng trăm triệu đồng để khoan giếng nhưng nguồn nước vẫn không đủ hoặc không ổn định. Khi nghe tin nhà nước đầu tư công trình thủy lợi quy mô lớn tại đây, người dân rất vui mừng, kỳ vọng công trình sẽ giải quyết căn bản nguồn nước tưới.

Tuy nhiên, hiện nay, theo báo cáo của ngành chức năng, trong vùng dự án đang có nhiều hộ dân cố tình dựng nhà trái phép với quy mô hàng trăm mét vuông mỗi căn để được kiểm kê, đền bù khi nhà nước tiến hành giải phóng mặt bằng. Nhiều hộ cũng thuê mướn, triển khai khoan thêm nhiều giếng trái phép nhằm mục đích tương tự. Theo thống kê sơ bộ của chính quyền 2 xã Đắk Gằn và Đắk R’la, trong khu vực dự kiến là lòng hồ thủy lợi Đắk Gang có 10 căn nhà vừa được người dân dựng lên, cùng với đó là hàng chục giếng khoan.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, đơn vị được giao làm chủ đầu tư, hồ thủy lợi Đắk Gang nằm trên địa bàn hai huyện Đắk Mil và Cư Jút, tỉnh Đắk Nông là công trình thủy lợi trọng điểm. Diện tích dự kiến thu hồi để triển khai dự án khoảng 230ha. Để đảm bảo cho giải phóng mặt bằng sau này diễn ra thuận lợi, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với chính quyền 2 xã Đắk Gằn và Đắk R’la ghi hình toàn bộ hiện trạng khu vực sẽ xây dựng công trình Hồ thủy lợi Đắk Gang. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng khi triển khai dự án sau này.

Mới đây, trong quá trình kiểm tra, đánh giá hiện trạng sử đụng đất để hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị chủ đầu tư đã phát hiện nhiều hộ dân làm nhà, khoan giếng trái phép. Đơn vị đã có văn bản đề nghị UBND huyện Đắk Mil chỉ đạo các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động, đồng thời xử lý các trường hợp sử dụng đất sai mục đích.

Theo UBND huyện Đắk Mil, đơn vị đã chỉ đạo các xã Đắk R’La, Đắk Gằn tăng cường vận động, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân trong giải phóng mặt bằng. Đồng thời, UBND huyện Đắk Mil cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý nghiêm hành vi sử dụng đất sai mục đích đối với các hộ dân cố tình làm nhà trên đất nông nghiệp; xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước đối với các hộ dân có hành vi khoan giếng. 

"Đối với hành vi sử dụng đất sai mục đích đã bị xử lý vi phạm hành chính mà vẫn tái phạm thì tham mưu UBND huyện thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai" – công văn của UBND huyện Đắk Mil nêu rõ.

UBND huyện Đắk Mil yêu cầu Chủ tịch UBND hai xã Đắk R’La, Đắk Gằn phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện nếu để xảy ra các hành vi vi phạm mà không xử lý, ngăn chặn đúng quy định.

Ông Lê Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil cũng đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông sớm phối hợp với UBND huyện Đắk Mil để bàn giao mốc giới trong phạm vi giải phóng mặt bằng thi công dự án Hồ thủy lợi Đắk Gang, tạo điều kiện cho việc quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, kịp thời phát hiện xử các trường hợp xây dựng trái phép trong phạm vi công trình.

Trước đó, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào cuối tháng 3 vừa qua, ông Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cũng đã chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil phải sớm có các giải pháp kịp thời, hiệu quả để ngăn chặn tình trạng xây dựng trái phép trong vùng dự án. Đồng thời, các đơn vị liên quan phải tiến hành ngay việc ghi nhận hiện trạng và giữ nguyên hiện trạng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đền bù, giải phóng mặt bằng khi dự án chính thức được triển khai.

Theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hồ thủy lợi Đắk Gang có tổng mức đầu tư dự kiến là 982 tỷ đồng; trong đó, hợp phần xây dựng hơn 750 tỷ đồng, còn lại là dành cho công tác giải phóng mặt bằng. Công trình có dung tích thiết kế khoảng 11,5 triệu m3, cung cấp nước tưới cho hơn 1.800 ha đất trồng lúa, hoa màu, cây công nghiệp, và tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho khoảng 8.000 người dân hai huyện Cư Jút và Đắk Mil.

Hưng Thịnh (TTXVN)
Sai từ khâu khảo sát địa chất, công trình thủy lợi phải 5 lần gia hạn
Sai từ khâu khảo sát địa chất, công trình thủy lợi phải 5 lần gia hạn

Thanh tra tỉnh Đắk Nông vừa ban hành Kết luận thanh tra việc quản lý đầu tư xây dựng công trình thủy lợi Suối Đá (xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông). Đây là công trình dự kiến hoàn thành từ cuối năm 2019 nhưng đến nay vẫn đang ngổn ngang sau 5 lần gia hạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN