Chuyến xe khách duy nhất trong ngày đi Simacai xuất phát từ ga Phố Lu cuối cùng cũng chịu khởi hành sau hơn một giờ đồng hồ chạy vòng vòng đón khách. Tôi nhìn đồng hồ, lúc ấy đã gần 7 giờ sáng, chuyến tàu nhanh cuối cùng từ Hà Nội lên Lào Cai có dừng tại ga Phố Lu cũng vừa kéo còi chạy qua. Chiếc xe Hải Âu cũ kỹ chất lên mình bao nhiêu đồ đạc, toàn thứ nhu yếu phẩm của đồng bào vùng cao, cộng với gần ba chục người, ì ạch “bò” trên con đường hẹp, một bên là núi cao, một bên là vực sâu. Vậy mà anh chàng lái xe vui tính còn hồ hởi khoe với tôi trong câu chuyện nói cho quên đi nỗi sợ hãi mỗi đoạn cua tay áo, rằng đường bây giờ dễ đi rồi đấy chứ, ngày xưa lên Simacai chỉ có một cách là đi... ngựa, có khi kéo dài mấy ngày liền!
Ấn tượng Quan Thần Sán
Từ lâu, mọi người cứ nghĩ huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai) nằm ở độ cao gần 1.500m so với mặt nước biển bởi vì có đỉnh Phan xi phăng được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương” là cao nhất nước Việt; chứ ít ai chịu đi để mà biết Simacai còn “nhỉnh” hơn cả Sa Pa, và Quan Thần Sán có độ cao 1.600- 1.800m so với mặt nước biển quanh năm mây phủ trắng xóa. Bản Phìn còn cao hơn thế nữa, lúc nào cũng như đang trôi trong mây bồng bềnh với những vườn mận trắng la đà cành nâu, nụ biếc giống như những bức tranh thủy mặc Trung Hoa; đến độ anh lính biên phòng đóng quân ở Simacai đã gần chục năm, tình nguyện là người dẫn đường cho tôi, lên đây không biết bao nhiêu lần mà lần nào cũng cứ phải thốt lên: “Đẹp không bút nào tả xiết!”.
Simacai dù đẹp, khí hậu trong lành nhưng khách du lịch chưa biết đến nhiều bởi đường xá đi lại vô cùng hiểm trở, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, dịch vụ hầu như không có nên thỉnh thoảng người dân tộc bản địa mới thấy vài “ông Tây” cưỡi xe “Min khù khờ” chạy qua, người dính đầy bụi đỏ quạch, dừng lại ở quán phở giữa thị trấn ngồi húp xì xụp, cười phớ lớ như để quên đi nỗi vất vả sau chặng đường dài. Theo tìm hiểu của chúng tôi, huyện vùng cao Simacai có 13 xã với 90 thôn, bản đa số là đồng bào dân tộc Mông - chiếm 80%, 10% là người Nùng còn lại là đồng bào các dân tộc khác, nhưng không đáng kể; đa số đều đặc biệt khó khăn, thuộc diện trợ cấp 135 của Chính phủ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Simacai, ông Đỗ Minh Lương cho chúng tôi biết: “Simacai nằm ở vùng cao hiểm trở, có biên giới với Châu Vân Sơn của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Cả huyện chỉ có... hai nhà gạch, một là trạm hải quan từ thời Pháp thuộc, hai là trụ sở của đồn biên phòng. Giao thông khó khăn, hầu như không có tiến bộ kỹ thuật nào, tất cả chỉ trông chờ vào khoảng 1.000ha đất canh tác nên vấn đề lương thực luôn ở mức báo động đỏ. Không có nhà khoa học nào, nhà kỹ thuật nào, lại càng không có doanh nghiệp nào tìm đến nơi đây vì làm ăn không được cho nên dù đã “gồng mình” thì hiện nay huyện vẫn có đến 73,9% số dân thuộc diện đói nghèo”.
Điểm sáng bản Phìn
Con đường từ trụ sở UBND xã Quan Thần Sán đến bản Phìn chưa đầy 10 cây số mà chúng tôi phải đi mất gần 2 tiếng đồng hồ. Đến Cổng Trời phải dừng lại, nhắm mắt hít một hơi thật sâu mới... đủ can đảm đi tiếp. Một bên là vực sâu hun hút, một bên là núi cao sừng sững, con đường ở giữa hẹp chưa đầy 1m, nhỏ như một sợi chỉ, dốc liền dốc, bổ nháo bổ nhào, dài hơn 2km, trơn như mỡ. Ông Lý Seo Phử, cán bộ văn hóa xã dẫn đường cho chúng tôi luôn miệng động viên bằng cái giọng đầy lạc quan: “Trước đây không có đường nên bà con đi làm nương vất vả và nguy hiểm lắm. Từ khi có chương trình 135, bà con đóng góp công sức đào đất đá, dần dần hình thành nên con đường này. Nay Nhà nước cho mở rộng đường, xe máy đi được, ô tô rồi cũng sẽ vào được... bản Phìn sẽ không còn bị cô lập nữa!”.
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh bản, ông Trưởng bản Giàng Sẻo Hảng cho biết, cả bản có 13 hộ dân sống tập trung theo 3 sườn dốc. “Từ khi tái lập huyện năm 2000, dự án phi chính phủ đầu tiên đã mang đến cho người dân nơi đây một cuộc sống có chất lượng hơn và đang thay đổi từng ngày...”- ông Hảng hồ hởi nói. Chợt nhớ tới buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai, và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực phụ nữ dân tộc (TEW) trước khi lên với Simacai, chúng tôi được đồng chí Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc Trung tâm này cho biết: “Từ năm 2000 đến nay, chúng tôi đã phối hợp với UBND huyện Simacai, UBND xã Quan Thần Sán và nhân dân bản Phìn cũng như nhân dân các thôn, bản khác trong xã thực hiện dự án “Góp phần cải thiện điều kiện vật chất và tinh thần của người dân xã Quan Thần Sán”. Đây là dự án điểm của cả huyện cũng như cả tỉnh Lào Cai và của trung tâm. Cũng cần phải nhấn mạnh đây là dự án phi chính phủ đầu tiên ở Simacai kể từ khi tái lập huyện năm 2000!”. Để dự án triển khai được thành công, cán bộ TEW đã lên “ăn chực nằm chờ” với bà con ở đây nhằm mục đích tìm hiểu cuộc sống và lắng nghe nguyện vọng thiết thực của họ để rồi từ đó chú trọng tập trung vào bốn lĩnh vực: Nước sạch và vệ sinh môi trường; tiết kiệm tín dụng và chăn nuôi thú y; thuốc nam; quản lý bảo vệ rừng, thông qua xây dựng vườn ươm và trồng cây thảo quả.
Không cần đi hết một vòng quanh bản đã nhận thấy đời sống của đồng bào dân tộc ở đây đang thay đổi từng ngày. Từng mái nhà nép dưới những vườn mận bắt đầu mùa ra hoa sớm, sạch sẽ chứ không “tạp pí lù” và mất vệ sinh như những hình dung thường thấy về cuộc sống của người dân vùng cao. Nhà nào cũng có bể nước, vòi dẫn vào đến tận bếp. Cạnh bể nước cộng đồng là hai nhà tắm kín đáo, có bảng phân công vệ sinh từng hộ. Ông Lý Seo Phử cho biết, nước sinh hoạt ở xã Quan Thần Sán đều là nước tự chảy, dẫn theo đường ống từ núi về. “Tất cả các thôn, bản Phìn, Lao Chải, Sừ Pà Phìn, Sín Chải, Hồ Sáo Chải có tổng cộng 31 bể nước cộng đồng, tổng cộng trên 11 km đường ống dẫn nước và 133 bể nước gia đình. Quan trọng hơn chúng tôi đã thành lập được một ban quản lý công trình sau đầu tư của xã có tổ kỹ thuật đều là con em các dân tộc địa phương, được trang bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện, trình độ chuyên môn... sẵn sàng sửa chữa những hỏng hóc lớn; còn nhóm quản lý ở thôn vừa quản lý vận hành, vừa có trách nhiệm sửa chữa nếu xảy ra hỏng hóc nhỏ...”- ông Phử tự hào nói.
Thay lời kết
Trong bữa rượu tiếp chúng tôi tại nhà ông Trưởng bản Giàng Sẻo Hảng đêm hôm ấy có sự góp mặt của ông Lý Xuân Lầu, Chủ tịch UBND xã Quan Thần Sán. Mặc dù rượu đã ngà ngà, nhưng ông Lầu vẫn trả lời chúng tôi một cách rành mạch bằng cái giọng hào sảng, không giấu nổi vẻ tự hào trước những đổi thay trong cuộc sống của đồng bào người dân tộc nơi đây: “Từ chỗ đói nghèo, lạc hậu nay bản Phìn đã đủ ăn; 10/13 hộ có trâu, hộ nào cũng nuôi từ 3- 5 con lợn; đã có điện thắp sáng được dẫn từ xã Cán Cấu lên, 7 hộ mới sắm ti vi; tất cả trẻ em đều được đến lớp học do các thầy, cô giáo từ miền xuôi lên dạy chữ...”. Ngừng một lát để chúc rượu, ông Lầu tiếp tục: “Không những thế, bản Phìn hiện giờ đã có nhà văn hóa khang trang. Chúng tôi đã và đang cho khôi phục lại các loại hình nhạc cụ, dân vũ đạo cổ truyền của dân tộc Mông để một ngày gần đây sẽ đón khách du lịch...”.
Rượu rót tràn ra bát. Mọi người ríu rít nói cười, chúc rượu. Chia tay bản Phìn, tôi mang theo tâm trạng một niềm vui một nỗi buồn. Cái ngày các thiếu nữ dân tộc Mông đón chào khách du lịch đến bản bằng điệu múa sinh tiền uyển chuyển, khỏe khoắn và đích thân ông trưởng bản vừa thổi khèn, vừa nhảy múa đón khách sẽ không còn là viễn cảnh xa xôi. Nhưng khách đến “chơi nhà” rồi “có ở lại đây không” lại là chuyện khác, bản Phìn còn có biết bao nhiêu việc phải làm. Cũng giống như nỗi buồn khi ngồi nhờ các chiến sỹ biên phòng Simacai về lại Phố Lu để lên tàu về xuôi, dọc đường tôi vẫn bắt gặp cảnh những em bé còng lưng gùi những quẩy tấu cao quá đầu người bên trong chất đầy củi hoặc bông đót... áo một manh, quần một mảnh đi trong cái lạnh đầu mùa và dưới những cơn mưa hoa mận trắng!
Bài và ảnh: Linh Nguyễn