Cùng đó, những người tham gia giao thông cũng vì tâm lý đám đông đã dừng đỗ ngay trên đường theo dõi vụ việc cháy, nổ. Hành vi xem các vụ việc xảy ra là quyền của mỗi người, nhưng gây ảnh hưởng đến lực lượng chức năng làm nhiệm vụ thì cần lên án, thậm chí xử lý theo pháp luật.
Theo Công an thành phố Hà Nội, thành phố vốn có mật độ dân số lớn, nhiều con phố nhỏ hẹp; trong khi quá trình tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn phải nhanh chóng, khẩn trương. Tuy nhiên, khi triển khai các phương án chữa cháy, lực lượng chức năng đã gặp phải những trở ngại như quá nhiều người đứng xem vụ việc, khiến giao thông bị rối loạn và cản trở xe chữa cháy tiếp cận hiện trường, cản trở lực lượng chức năng tiến hành xử lý các công việc liên quan.
Nhiều trường hợp tụ tập đông người quanh hiện trường đám cháy, tai nạn còn làm tiêu hao “thời gian vàng” có thể cứu chữa kịp thời các nạn nhân, gián tiếp gây ảnh hưởng tới tính mạng. Đó còn chưa kể việc tụ tập đông người cũng gây nguy hiểm cho chính bản thân những người đó.
Cũng theo Công an thành phố Hà Nội, không chỉ riêng về hỏa hoạn mà các sự việc khác như tai nạn giao thông, ẩu đả, án mạng, vây bắt tội phạm, xử lý vật liệu nổ… đều thu hút sự tập trung, chú ý của hàng trăm, hàng nghìn người dân. Trong số đông đó, người có ý thức thì thông báo cho cơ quan chức năng biết để giải quyết, hỗ trợ lực lượng chức năng giải quyết vụ việc, cấp cứu người bị nạn; nhưng một số ít người thay vì giúp đỡ người bị nạn, tạo điều kiện cho lực lượng chức năng làm việc, lại tập trung đông đúc để hiếu kỳ theo dõi sự việc rồi tranh thủ sử dụng thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng… ghi hình, quay clip, quay phim và phát trực tiếp lên internet để “câu like” “câu view”.
Để tăng số lượt tương tác cho trang cá nhân của mình, nhiều hình ảnh chưa được kiểm chứng, thông tin không chính xác liên quan bạo lực, tại nạn, cháy, nổ đưa ra vô tình ảnh hưởng đến nạn nhân, người nhà các nạn nhân của các sự cố, thậm chí gây khó khăn cho công tác điều tra xử lý của cơ quan chức năng…
Trước hiện tượng trên, Công an thành phố Hà Nội cho rằng, thay vì thói quen hiếu kỳ, mỗi người dân hãy cùng đóng góp sức lực của mình để tạo ra sức mạnh tổng hợp, chung tay cùng khống chế đám cháy. Hạn chế tối đa những hậu quả không may mắn do cháy, nổ gây ra. Khi phát hiện đám cháy, hay có mặt gần hiện trường xảy ra sự cố, mỗi người dân cần, lập tức hô hoán cho mọi người xung quanh tránh xa hiện trường. Nhấn vào chuông báo cháy, chuông báo tình trạng khẩn cấp xảy ra để mọi người nhanh chóng di tản. Điện báo cho cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ theo số điện thoại 114, sử dụng Ứng dụng BAO CHAY 114, điện báo Đội Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ - Công an quận hoặc Công an phường gần nhất. Kêu gọi người dân xung quanh tham gia chữa cháy giai đoạn ban đầu.
Đối với thanh niên, người trẻ tuổi, Công an thành phố Hà Nội đề nghị, tham gia chữa cháy, cứu người bị nạn, sử dụng các thiết bị chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được trang bị sẵn tại Điểm chữa cháy công cộng, Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy để chữa cháy cùng lực lượng chức năng theo khả năng, điều kiện của mình. Không chụp ảnh, ghi hình, quay phim phát tán nội dung, hình ảnh khi chưa có thông tin chính xác.
Trong cứu người bị nạn, Công an thành phố đề nghị, trường hợp có khả năng thoát được đám cháy, di chuyển các tài sản, hàng hóa lưu động và các chất dễ cháy ra nơi an toàn (nếu không đủ sức hay tình hình quá nguy hiểm để cứu người, hãy tránh xa đám cháy để đơn vị chuyên nghiệp thực hiện cứu người. Việc rời khỏi khu vực nguy hiểm cũng giúp bảo vệ chính mình và hạn chế thiệt hại nhân mạng tới mức tối đa). Không tập trung đông người gây tắc nghẽn giao thông và cản trở phương tiện chữa cháy.
Cùng với đó, hỗ trợ các lực lượng, cơ quan chức năng xử lý sự cố: giải tán đám đông; di chuyển các phương tiện giao thông, rào chắn, khối tấm, các vật cản, đồ và chất dễ cháy (nổ),... rời xa khu vực cháy, nổ. Phối hợp lực lượng an ninh giải tán người tham gia giao thông dừng đỗ hiếu kỳ gây cản trở quá trình chữa cháy; ngăn cản các phương tiện không đi vào cung đường khu vực xảy ra cháy (giúp lực lượng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tiếp cận hiện trường nhanh chóng).
Các hộ gia đình, Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy gần khu vực đang cháy triển khai phương tiện, lực lượng tại chỗ tham gia chữa cháy. Trong trường hợp tình trạng cháy chưa nguy hiểm, bùng phát rộng, hãy thử những biện pháp chữa cháy đầu tiên. Nếu có đủ sức, hãy nhanh chóng dùng vòi chữa cháy, lăng trụ phun nước gần nhất để dập lửa. Với thiết kế và áp lực nước đặc biệt, vòi phun chuyên dụng sẽ giúp bạn dập lửa rất nhanh và an toàn.