Theo thống kê của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm, Thành phố Hồ Chí Minh có 676 cán bộ, công chức thôi việc và 5.501 viên chức thôi việc theo nguyện vọng. Viên chức thôi việc nhiều nhất là trong khối giáo dục với 2.436 trường hợp, y tế là 2.145 trường hợp; trong khi các lĩnh vực sự nghiệp khác chỉ có 920 trường hợp.
Về nguyên nhân, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, qua theo dõi có thể rút ra một số nguyên nhân chính tác động đến việc cán bộ, công chức, viên chức thôi việc bao gồm: chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ; cơ hội thăng tiến và áp lực.
Quan sát thực tế từ các cơ quan nhà nước tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, áp lực công việc là một trong những nguyên nhân dẫn đến số lượng lớn nhân sự từ khu vực công thôi việc. Căng thẳng, áp lực công việc chủ yếu đến từ việc quá tải công việc, đặc biệt là những người công tác trong lĩnh vực y tế, giáo dục và ở phường xã, thị trấn trong đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua. Khối lượng công việc tăng cao đã gây ra những ảnh hưởng nhất định về mặt tâm lý và xã hội đối với nhóm đối tượng này nói riêng và nhân sự của khu vực công nói chung.
Hiện nay, bên cạnh thực hiện chế độ tiền lương theo quy định hiện hành, Thành phố Hồ Chí Minh còn triển khai thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức căn cứ vào kết quả đánh giá thực hiện nhiệm vụ hàng quý theo Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND của HĐND Thành phố (thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội).
Tuy nhiên, theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, dù đã có chính sách đãi ngộ để cải thiện thu nhập nhưng tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc trong thời gian qua vẫn chưa được kéo giảm. Các chính sách đãi ngộ tiền lương hiện tại vẫn chưa thực sự thỏa đáng, chưa đáp ứng được điều kiện sống cũng như chưa đủ sức để tạo động lực cho họ làm việc, cống hiến. “Nhất là trong bối cảnh các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ngoài khu vực công đưa ra các chế độ đãi ngộ tiền lương rất hấp dẫn và do đó có sự cạnh tranh, thu hút nguồn nhân lực trình độ cao từ khu vực công”, UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Đối với cơ hội thăng tiến, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện vẫn còn một số hạn chế. Một số cơ quan, đơn vị còn có tư tưởng về bệnh “kinh nghiệm”, việc tuyển chọn thiếu cạnh tranh, chưa tạo được động lực cho người trẻ rèn luyện, phấn đấu; cơ chế bổ nhiệm, giới thiệu nhân sự, tiêu chí đánh giá cán bộ vẫn còn hạn chế; chưa phát hiện, trọng dụng được hết những người có tài năng, phẩm chất đạo đức tốt. Ngoài ra, Bộ luật Lao động 2019 tăng thêm tuổi nghỉ hưu, cũng tác động đến nhu cầu bổ nhiệm nhân sự, cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức.
Về giải pháp trong thời gian tới, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đã có báo cáo Ban Cán sự đảng UBND Thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố. Đề án sẽ tạo ra thay đổi căn bản trong cách tuyển chọn lãnh đạo theo hướng công khai, minh bạch hơn; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để những cá nhân đủ điều kiện có cơ hội được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trong thời gian tới.
Cùng với đó, UBND thành phố sẽ triển khai, đẩy mạnh công tác luân chuyển, đưa lãnh đạo, quản lý về cơ sở và ngược lại để rèn luyện, nâng cao năng lực thực tiễn. Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu trước tuổi theo nguyện vọng.
Để góp phần giảm căng thẳng, áp lực trong công việc do quá tải công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất Bộ Nội vụ đề xuất cấp có thẩm quyền tăng biên chế cho thành phố để phù hợp với thực tiễn khối lượng công việc và đặc thù của khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.