Chia sẻ trên được đưa ra tại Buổi giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh đối với các sở, ngành chức năng về công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố, chiều 14/10.
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng Nhân dân TP Hồ Chí Minh đánh giá, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại TP Hồ Chí Minh thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Trong đó, các quy trình kiểm soát thực phẩm không đảm bảo đã được đưa vào quy chuẩn; sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương đã được tăng cường. Nhiều đơn vị đã có các sáng kiến, giải pháp mới để giải quyết những khó khăn, tồn tại trong công tác kiểm soát an toàn thực phẩm. Thành phố có nhiều mô hình hay như chuỗi an toàn thực phẩm, chợ an toàn thực phẩm, truy xuất thực phẩm, chuỗi liên kết vùng…
Tuy nhiên, yêu cầu về an toàn thực phẩm và sức khỏe của người dân Thành phố cần được đặt lên hàng đầu. Với việc thành lập Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, mọi vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm đều cần được đơn vị này chịu trách nhiệm. Sở phải đảm bảo các quy trình kiểm soát nguồn hàng, từ giai đoạn sơ chế tại nguồn đến khâu vận chuyển và kiểm tra tại các trạm kiểm soát đều phải chặt chẽ, không được để sót, lọt thực phẩm không đảm bảo đến người tiêu dùng.
Theo Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, Hội đồng nhân dân Thành phố, hiện thực phẩm tại các chợ đầu mối cơ bản đã được kiểm soát nhưng trong tương lai, nguồn hàng tại các chợ đầu mối cần được kiểm soát chặt chẽ hơn, đảm bảo chất lượng trước khi phân phối đến các địa điểm bán hàng khác, giúp người tiêu dùng có thể yên tâm khi mua sắm. Ngoài ra, vấn đề kinh doanh tự phát quanh các chợ và khu công nghiệp, hàng rong cũng cần được tập trung giải quyết trong thời gian tới nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm và trật tự đô thị
Ông Lê Minh Hải, Phó Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh báo cáo, hiện Sở phụ trách công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại 3 chợ đầu mối – nơi cung ứng khoảng 70-80% thực phẩm cho người dân Thành phố. Thời gian qua, đơn vị này đã thực hiện tốt việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng an toàn đối với thực phẩm về chợ đầu mối mỗi đêm. Bên cạnh đó, Sở An toàn thực phẩm cũng phối hợp với các quận, huyện để thanh, kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tránh bỏ sót các trường hợp vi phạm pháp luật. Ngoài ra, Sở tiếp tục tập trung truy xuất nguồn gốc thịt heo, trứng gia cầm; phối hợp với các tỉnh, thành bạn và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trong việc đảm bảo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho người dân Thành phố.
Trả lời về công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với hàng rong trên đường phố, xung quanh các cổng trường, ông Lê Minh Hải cho biết, hiện nay theo Quyết định 19/2018/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp liên ngành trong hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm, đối tượng bán hàng rong được giao cho quận, huyện quản lý, không thuộc trách nhiệm của Sở An toàn thực phẩm. Với đặc thù di chuyển khắp nơi, không có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, việc kiểm soát đối tượng này gặp nhiều khó khăn.
Cũng liên quan đến vấn đề thực phẩm hàng rong trước cổng trường, đại diện Sở Giáo dục – Đào tạo TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, tình trạng hàng rong xung quanh các trường học vẫn còn phổ biến và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm, việc buôn bán hàng rong cũng là thách thức trong công tác truy tìm nguyên nhân khi có các vụ việc ngộ độc thực phẩm xảy ra. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh dẫn chứng, các vụ ngộ độc do Botulinum xảy ra trên địa bàn Thành phố đầu năm 2024 vừa qua là do mua thực phẩm từ bán hàng rong, điểm bán nhỏ lẻ, nên khi vụ việc xảy ra thì việc truy vết nguồn gốc thực phẩm để điều tra nguyên nhân gặp rất nhiều khó khăn.