Đợt nắng nóng này đến sớm hơn mọi năm và dự kiến kéo dài sang tháng 4, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khoẻ và ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Những ngày gần đây, cứ mỗi khi bước ra khỏi nhà để đi làm vào buổi sáng, chị Hà Huỳnh Hồng Hạnh (ngụ quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) lại thấy ngộp thở bởi cái nóng oi bức, có khi chỉ mới gần 8 giờ sáng mà trời đã nắng chói chang. Giờ làm việc chính thức của chị thường bắt đầu lúc 8 giờ, nhưng những ngày gần đây chị đều đến sớm hơn 1 tiếng bởi nếu đi muộn hơn sẽ gặp nắng nóng rát da, rất khó chịu.
“Sáng sớm, tôi đi làm chưa thấy nắng nhưng đã thấy oi. Lúc nắng lên còn khó chịu gấp nhiều lần, vậy nên, tôi luôn tranh thủ đi làm sớm. Đến buổi trưa nếu không thật sự cần thiết, tôi và đồng nghiệp đều hạn chế ra ngoài vì nắng như thiêu đốt, nếu đi phải mặc áo khoác trùm kín người vì hở chỗ nào là rát chỗ đó. Những năm trước, thời tiết sau Tết vẫn còn khá dễ chịu, đến tầm tháng 4, tháng 5 mới bắt đầu nóng, nhưng năm nay thì nóng từ trước Tết đến giờ. Cái nóng khiến tôi lúc nào cũng mệt mỏi”, chị Hạnh chia sẻ.
Nhận xét về tình hình thời tiết khu vực TP Hồ Chí Minh trong những tháng đầu năm, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, trong tháng 1, nhiệt độ khá cao, nắng nóng 35 độ C xảy ra cục bộ ở khu vực trung tâm Thành phố; nhiệt độ thấp nhất cũng không quá thấp, chỉ một vài ngày hơi se lạnh vào lúc sáng sớm. Vào nửa đầu tháng 2, Thành phố đã có một đợt nắng nóng trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất ở khu vực trung tâm thành phố trên 36 độ C.
Trong tháng 1, TP Hồ Chí Minh hầu như không có mưa, chỉ một vài ngày có mưa nhỏ ở một vài nơi; tổng lượng mưa tháng thấp hơn trung bình nhiều năm, lượng mưa lớn nhất chỉ khoảng 9 mm tại huyện Hóc Môn vào ngày 8/1. Nửa đầu tháng 2/2024, Thành phố cũng không nơi nào có mưa, cho đến gần cuối tháng 2 mới có mưa rào cục bộ không đáng kể.
Bước vào những ngày cuối tháng 2, các tỉnh Đông Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh tiếp tục xảy ra nắng nóng diện rộng, thời tiết oi bức, nền nhiệt chạm ngưỡng 37 độ C theo số liệu đo được tại lều khí tượng. Nhiệt độ cảm nhận thực tế ở các đô thị còn cao hơn do phản xạ từ mặt đường, nhà cửa, bê tông. Đây là đợt nắng nóng đầu tiên của năm nay với mức nhiệt đạt ngưỡng này. Nắng xuất hiện từ sớm và kéo dài cả ngày, thời điểm nắng nóng gay gắt nhất trong khoảng từ 12 giờ đến 16 giờ mỗi ngày.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vục Nam Bộ, thông thường từ giữa tháng 2 hàng năm, khu vực Nam Bộ mới bắt đầu xuất hiện nắng nóng một vài nơi. Tuy nhiên, năm nay nắng nóng gay gắt đến sớm hơn mọi năm trên diện rộng do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. So với cùng thời điểm của hai đợt El Nino hoạt động mạnh gần đây (tháng 2/2016 và tháng 2/2020), năm nay, cường độ nắng mạnh hơn; nhiệt độ cao nhất trong tháng 2/2016 là 37 độ C, trong khi đến ngày 15/2 nhiệt độ cao nhất ghi nhận tại Biên Hòa là 38 độ C.
Dự báo, TP Hồ Chí Minh và khu vực Nam Bộ sắp tới sẽ tiếp tục có những đợt nắng nóng kéo dài trên diện rộng, tập trung nhiều trong tháng 3 - 4; mức độ sẽ gay gắt không thua kém năm 2023. Nhiệt độ trung bình trong 3 tháng (từ tháng 3 - 5/2024) sẽ cao hơn trung bình nhiều năm; trong đó nhiệt độ cao nhất trong mùa nắng nóng năm nay dự báo các tỉnh miền Đông Nam Bộ có thể lên tới khoảng 39 - 40 độ C. Mùa cao điểm nắng nóng tại Nam Bộ được dự báo rơi vào tháng 4, với số ngày nắng đạt 15-20 ngày trong tháng. Đến tháng 5 thì khu vực Nam Bộ sẽ bắt đầu vào mùa mưa. Tuy nhiên, trong tháng vẫn sẽ xuất hiện một vài đợt nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất 35-37 độ C.
Đài Khí tượng Thủy văn khu vục Nam Bộ cảnh báo, với cường độ nắng nóng dần mạnh hơn, ít mưa, thời gian nắng nóng kéo dài, độ ẩm không khí cao như hiện nay có khả năng cao sẽ xảy ra hạn hán tại các tỉnh Nam Bộ; xâm nhập mặn tăng, ranh mặn sẽ đi sâu vào nội đồng. Hiện ranh mặn 4‰ đã xâm nhập sâu nhất trên sông Sài Gòn khoảng 70 - 73km, độ mặn lớn nhất tại hầu hết các trạm đo được đều ở mức lớn hơn so với cùng kỳ năm 2023 và trung bình nhiều năm, gây nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân trong khu vực. Bên cạnh đó, thời tiết nóng còn khiến khu vực miền Tây đối mặt với nguy cơ sụt lún sạt lở đất, do nước trong các kênh rạch dần cạn kiệt; người dân cần có biện pháp phòng tránh để giảm thiệt hại.
Nắng nóng kéo dài, độ ẩm không khí thấp gây nguy cơ cháy nổ cao, nhất là trong thời điểm gần đến Rằm tháng Giêng có rất nhiều các hoạt động tâm linh, đốt nhang, hóa vàng mã..., người dân cần hết sức lưu ý an toàn phòng cháy. Nắng nóng gây ảnh hưởng sức khỏe, đặc biệt là đối với người làm việc ngoài trời như tài xế xe công nghệ. Người dân cần chú ý uống nhiều nước, nghỉ ngơi giữa giờ, không làm việc liên tục quá lâu trong điều kiện trời nắng nhiệt độ cao. Đối với các hộ gia đình, cần cẩn trọng trong việc chế biến và bảo quản thức ăn vì trời nắng nóng như hiện nay khiến thực phẩm dễ ôi thiu hơn bình thường.