Theo đó, để thành lập Tổ bầu cử, UBND cấp xã sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng Nhân dân (HĐND) và Ban Thường trực Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập ở mỗi khu vực bỏ phiếu một Tổ bầu cử từ 10 – 21 thành viên gồm: Đại diện UBND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, một số cơ quan, tổ chức liên quan, đại diện cử tri ở địa phương.
Đối với các đơn vị vũ trang nhân dân được xác định là khu vực bỏ phiếu riêng, được thành lập một Tổ bầu cử có từ 5 – 9 thành viên gồm Tổ trưởng, Thư ký và các Ủy viên là đại diện chỉ huy đơn vị và đại diện quân nhân của đơn vị vũ trang nhân dân đó. Trong trường hợp đơn vị vũ trang nhân dân và địa phương có chung một khu vực bỏ phiếu thì UBND cấp xã sau khi thống nhất với Thường trực HĐND, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và chỉ huy đơn vị vũ trang nhân dân quyết định thành lập Tổ bầu cử có từ 11 - 21 thành viên gồm Tổ trưởng, Thư ký và các Ủy viên là đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đại diện cử tri ở địa phương, đại diện chỉ huy đơn vị và đại diện quân nhân của đơn vị vũ trang nhân dân đó. Thời gian thành lập Tổ bầu cử tại các đơn vị, quận huyện chậm nhất là ngày 27/3.
Đối với việc lập danh sách cử tri do UBND phường - xã - thị trấn, Chỉ huy đơn vị vũ trang nhân dân cần thực hiện theo từng khu vực bỏ phiếu. Mỗi công dân không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, đủ 18 tuổi trở lên và không thuộc các trường hợp không được ghi tên vào danh sách cử tri theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thì được ghi tên vào danh sách cử tri tại phường xã - thị trấn nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú để thực hiện quyền bầu cử tại nơi đó.
Sau khi hoàn tất các thủ tục, danh sách cử tri phải được niêm yết công khai tại trụ sở UBND phường, xã, thị trấn và tại những nơi công cộng của khu vực bỏ phiếu chậm nhất 40 ngày trước ngày bầu cử, tức là chậm nhất đến ngày 13/4 để các cử tri nắm rõ.
Theo Ủy ban bầu cử TP Hồ Chí Minh, trong quá trình lập và niêm yết danh sách cử tri, bản danh sách cử tri không chừa dòng như khi làm nháp mà được lập liên tục hết hộ này tiếp liền theo hộ khác; đánh số thứ tự trong danh sách cử tri chung cho toàn phường, xã, thị trấn (không lấy số thứ tự riêng cho từng khu vực bỏ phiếu). Số thứ tự trong danh sách cử tri cũng chính là số thứ tự trên Thẻ cử tri.
Đối với nơi niêm yết danh sách cử tri cần rộng rãi, được trang trí để dễ nhận biết, thuận tiện cho nhân dân đến kiểm tra danh sách và có sổ ghi ý kiến của cử tri, cũng như phải thông báo đến nhân dân biết; phải có người trực thường xuyên để bảo vệ danh sách, tiếp nhận ý kiến đóng góp và các khiếu nại của nhân dân.
Hiện nay, do việc thành lập Tổ bầu cử, lập và niêm yết danh sách cử tri là một công tác quan trọng, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, phường, xã, thị trấn cần tổ chức cho cán bộ có kinh nghiệm trong công tác này nắm chắc những nguyên tắc, quy định, cách làm và lịch công tác; đồng thời phổ biến cho nhân dân hiểu rõ những điểm chính trong hướng dẫn để phối hợp thực hiện tốt nhằm làm cho việc lập và niêm yết danh sách cử tri được tiến hành chu đáo, chính xác, đúng thời gian, đúng pháp luật.