Mô hình này sẽ giúp địa phương phát hiện sớm nhất, nhanh nhất ca bệnh nghi ngờ để có biện pháp xét nghiệm khẳng định, khoanh vùng và dập dịch; đồng thời cũng làm giảm tải cho ngành Y tế trước áp lực xét nghiệm diện rộng.
Theo Sở Y tế thành phố, việc triển khai hướng dẫn đúng quy trình, thao tác kỹ thuật lấy mẫu sẽ giúp người dân tự hoàn thiện bản thân và cho gia đình một cách tốt nhất, qua đó cho kết quả xét nghiệm đúng. Ngược lại, nếu không thực hiện đúng kỹ thuật sẽ dẫn đến kết quả không chính xác hoặc sai.
Kết quả test nhanh chỉ là tương đối, khoảng 80 - 90%. Tuy nhiên, dương tính giả có thể chỉ gây hoang mang, lo lắng, sau khi xét nghiệm khẳng định sẽ có kết quả chính xác; nhưng nếu là âm tính giả thì việc bỏ lọt ca bệnh sẽ rất nguy hiểm cho cộng đồng.
Tham gia hỗ trợ ngành Y tế thành phố từ ngày 29/5 đến nay, sinh viên năm 3 Đinh Ngọc Hữu Đạt, chuyên ngành y học dự phòng, trường Đại học Nguyễn Tất Thành hướng dẫn người dân tự test nhanh tại nhà cần chuẩn bị trước đồng hồ để canh giờ, dung dịch khử khuẩn, thùng rác có nắp đậy. Để thực hiện lấy mẫu test nhanh, người nhà cần chuẩn bị các dụng cụ, vật tư có trong một bộ test nhanh gồm khay thử, nắp lọc, ống nghiệm chứa dịch tách chiết, tăm bông lấy mẫu vô trùng.
Khi thực hiện lấy mẫu, cần lưu ý người được test nhanh phải ngồi thẳng lưng, đầu nghiêng về sau góc 70 độ. Sau đó từ từ đưa đầu que tăm bông vô trùng vào lỗ mũi và đẩy dọc vào trong dàn mũi cho tới khi thấy có điểm gờ xuống trong khoang mũi. Sau đó xoay que tăm bông vô trùng 3 lần và giữ nguyên khoảng 5 - 10 giây để đầu que hấp thụ tối đa mẫu bệnh phẩm; rồi nhẹ nhàng xoay và rút que mẫu ra khỏi mũi.
Tiếp theo, nhúng đầu que mẫu vào ống chiết có môi trường; xoay và miết đầu que vào thành và đáy ống bóp 10 lần, để đầu que ngâm trong dung dịch 45 - 60 phút; bóp cho hai thành ống ép vào đầu que, từ từ xoay que và ép đầu que khi rút que ra khỏi ống để thu được càng nhiều dung dịch càng tốt rồi hủy que mẫu đã sử dụng bằng dung dịch khử khuẩn.
Sau đó đây nắp ống chiết có môi trường rồi lắc mạnh theo chiều ngang 10 lần để trộn đều mẫu; nhỏ 3 giọt mẫu chiết từ ống vào ô nhận mẫu của khay thử. Chờ khoảng 15 phút, nếu ô nhận mẫu không lên vạch nghĩa là quá trình lấy mẫu và xét nghiệm đã bị lỗi; lên 1 vạch là âm tính; lên 2 vạch là dương tính và ngay lập tức báo cho cơ sở y tế gần nhất để được làm xét nghiệm khẳng định.
“Khó nhất là công đoạn đưa đầu que tăm bông vô trùng vào lỗ mũi đủ sâu để đầu que hấp thụ tối đa mẫu bệnh phẩm mới cho kết quả chính xác”, Hữu Đạt chia sẻ.
Ngay sau quan sát, anh Phan Đình Hoàng Phương ngụ tại hẻm 466 Lê Văn Sỹ đã thực nghiệm lại toàn bộ quy trình, thao tác lấy mẫu xét nghiệm cho người nhà của mình. Tuy chưa thật sự hoàn thiện việc lấy lẫu xét nghiệm COVID-19, nhưng anh Phương tin tưởng về cách làm tại nhà sẽ giúp bản thân và gia đình yên tâm hơn, chủ động biết có bị nhiễm COVID-19 hay không để từ đó có giải pháp cách ly kịp thời và thông báo đến cơ sở y tế tại địa phương, tránh lây lan cho gia đình và trong cộng đồng.
Theo bà Phạm Thị Bích Hạnh, Trưởng khoa xét nghiệm, Trung tâm y tế Quận 3, việc thí điểm hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại nhà không chỉ có vai trò quan trọng trong việc chủ động, khẩn trương phát hiện COVID- 19 ở hộ gia đình mà còn giúp công tác khoanh vùng kịp thời và có phương án phòng, chống dịch đảm bảo hiệu quả.
Tuy nhiên, để thực hiện lấy mẫu test nhanh, người dân cần chú ý đảm bảo đúng quy trình, kỹ thuật để mẫu xét nghiệm được chính xác nhất, tránh tình trạng sai kết quả và bỏ lọt ca dương tính trong cộng đồng.
Bà Hạnh cho biết, trước mắt, ngành Y tế Quận 3 khi nhận được các bộ test nhanh từ thành phố sẽ chuyển ngay đến các phường và thực hiện tập trung ở nhưng nơi nghi vấn có dầu hiệu dịch tể như khu vực vùng đỏ, vùng cam, vùng vàng theo yêu cầu của địa phương. Đặc biệt, khi cấp phát các bộ test, các hộ dân sẽ tự lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 và báo ngay kết quả cho người cấp phát để thuận tiên cho việc theo dõi và quản lý....