TP Hồ Chí Minh đưa ra hai kịch bản cho người lao động trong mùa dịch bệnh COVID-19

Theo Sở Lao động -Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến 327.960 lao động phải nghỉ việc.Trong mùa dịch COVID-19, TP Hồ Chí Minh có hai kịch bản cho người lao động.

Chú thích ảnh
Ngành dịch vụ lưu trú, khách sạn là ngành đang bị tác động mạnh nhất trong mùa dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn TP Hồ Chí Minh đã có 327.960 lao động nghỉ việc do tác động của dịch bệnh COVID-19. Số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng gia tăng, tính đến nay đã có 90.041 hồ sơ. Ngoài ra, qua khảo sát nhanh của ngành cho thấy, có 13.933 doanh nghiệp chịu ảnh hưởng vì dịch bệnh COVID-19 (chiếm 85 %) trong tổng số hơn 16.300 doanh nghiệp được khảo sát. Hiện nay, Sở đã báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND TP Hồ Chí Minh về dự báo tình hình lao động 6 tháng cuối năm và phương án ứng phó với tình hình lao động việc làm tại thành phố trong thời gian tới.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, nhu cầu nhân lực trong những tháng còn lại của năm 2020 tại TP Hồ Chí Minh sẽ có 2 kịch bản cho người lao động. Thứ nhất là tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, tác động đến tăng trưởng kinh tế - xã hội. Các lĩnh vực chịu tác động lớn nhất là: ngành dịch vụ (lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải…), công nghiệp - xây dựng (ngành dệt may, giày da, gỗ nội thất, chế biến, xây dựng…). Khi đó, tỷ lệ lao động mất việc sẽ gia tăng do doanh nghiệp gặp khó khăn, cắt giảm nhân sự, dẫn đến nhu cầu tuyển dụng cũng giảm theo và lúc này, doanh nghiệp chỉ cần khoảng 105.000 - 115.000 lao động.

Thứ hai là tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tích cực với việc kiểm soát tốt dịch tễ, doanh nghiệp sẽ khởi sắc trong những tháng cuối năm, đặc biệt là thời điểm gia tăng hoạt động sản xuất - kinh doanh phục vụ lễ, Tết. Điều này, sẽ giúp doanh nghiệp hạn chế tình trạng lao động ngừng việc, mất việc và nhu cầu nhân lực sẽ tăng lên, theo đó doanh nghiệp cần khoảng 115.000 - 135.000 lao động.

“Để hỗ trợ người lao động trong tình hình dịch bệnh diễn biến tiêu cực, hiện Sở chủ động thành lập 3 tổ công tác để cùng phối hợp với Ban quản lý khu chế xuất - khu công nghiệp, UBND quận - huyện nắm bắt và giải quyết tình hình khó khăn của người lao động. Những tổ công tác này có trách nhiệm tham vấn, đưa ra giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp vừa đảm bảo công tác chống dịch vừa phục hồi sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm cho người lao động, thực hiện tốt chính sách, pháp luật lao động cho người lao động”, ông Lê Minh Tấn nói.

Theo ông Lê Minh Tấn, trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn phải cho nhiều lao động thôi việc, tổ công tác sẽ tổ chức gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp về những khó khăn, tình hình sử dụng lao động, phương án cắt giảm lao động cũng như nguyện vọng của người lao động để tham vấn giải pháp phù hợp. Đặc biệt, tổ công tác sẽ khuyến nghị chủ doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ có lợi hơn cho người lao động cũng như: ưu tiên đảm bảo việc làm đối với người lao động yếu thế, lao động lớn tuổi, lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ hoặc lao động đang gặp khó khăn...

 

Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Thủ tục chuyển hưởng trợ cấp thất nghiệp từ Hà Nội về tỉnh như thế nào?
Thủ tục chuyển hưởng trợ cấp thất nghiệp từ Hà Nội về tỉnh như thế nào?

Bạn đọc hỏi: Tôi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Hà Nội, nhưng gia đình tôi sắp chuyển về quê tại Thanh Hóa, vậy thủ tục chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp được thực hiện thế nào?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN