Tìm "thuốc" hạn chế tai biến y tế - Phải xử lý mạnh tay với vi phạm

Xung quanh vấn đề tai biến trong ngành y tế thời gian gần đây, phóng viên báo Tin Tức đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Tiên (ảnh), Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.

 

 

Gần đây dư luận rất bức xúc về sự gia tăng của các tai biến, sai sót trong ngành y tế, theo ông đâu là nguyên nhân?


Nói các vụ tai biến trong ngành y tế vừa qua gia tăng thì chưa chính xác. Đơn cử như tình trạng tử vong của sản phụ. Việt Nam là nước đạt mục tiêu thiên niên kỷ về vấn đề này. Tỷ lệ tử vong sản phụ là 60/100.000 ca đẻ, trong khi một số nước xung quanh ta như Indonesia tỷ lệ này cao gấp 4 lần Việt Nam. Vì vậy, báo chí mới chỉ nêu trường hợp cụ thể mà chưa tính tỷ lệ toàn quốc, làm người đọc khó xét đoán.

 

Bệnh nhân chờ lấy kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện đa khoa Hoài Đức (Hà Nội). Dương Ngọc - TTXVN


Báo chí vừa qua cũng nêu trường hợp tử vong do y đức. Đây là vấn đề quan trọng, bởi 9/10 vụ vi phạm trong ngành y là do y đức. Các vụ vi phạm do y đức đáng lên án như vụ sản phụ đến đẻ nhưng bác sĩ lại bảo đang bận bóng chuyền là không thể chấp nhận được. Hoặc gần đây là bệnh nhân tại bệnh viện đa khoa Hà Đông lạy bác sĩ nhưng bác sĩ không xử lý là việc đáng lên án; rồi trường hợp bệnh nhân bị điện giật đến Bệnh viện Bạch Mai bị trả lại đã thốt lên: “Tại sao bác sĩ lại muốn em chết”, khi chuyển sang viện khác đã cứu được… Đó là hành vi đáng lên án và ngành y tế cần mạnh tay xử lý. Nếu không xử lý mạnh tay mà để Hội đồng chuyên môn trong bệnh viện họp rồi xuê xoa đi, không có cơ quan độc lập, tư pháp xử lý, thì những bác sĩ khác sẽ coi thường và dẫn đến “nhờn thuốc”. Những người quản lý y tế cũng cần quan tâm vấn đề này.

 

Thưa ông, tuyến trên quá tải trong khi tuyến dưới vắng bệnh nhân, đây có phải là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng sai sót và tai biến trong ngành y?


Luân chuyển bác sĩ từ tuyến trên về tuyến dưới đã góp phần hỗ trợ nâng cao kỹ thuật, nhưng việc giảm tải không phải là vấn đề chính. Quá tải do nhiều nguyên nhân, từ “lực đẩy” và “lực hút”. Lực đẩy do cơ sở y tế tuyến xã, huyện, tỉnh kém cho nên bệnh nhân đẩy lên tuyến trên điều trị, đồng thời người dân cũng quan tâm đến sức khỏe và họ quan tâm đến việc chữa bệnh của mình.


Nguyên nhân từ lực hút là do cơ chế của chúng ta, Nhà nước cho phép đẩy mạnh xã hội hóa y tế và tạo điều kiện tự chủ cho bệnh viện các tuyến, đặc biệt là các tuyến Trung ương, nên các bệnh viện tìm cách thu hút bệnh nhân bằng nhiều dịch vụ thuận tiện, dù có bảo hiểm y tế hay không có bảo hiểm y tế đến khám chữa bệnh, kể cả phòng dịch vụ cao cấp hàng triệu đồng cho những bệnh nhân có điều kiện.


Các bệnh viện tuyến trên khó từ chối khi mà người bệnh đến khám bệnh trả tiền dù bệnh đó tuyến huyện có thể khám được. Có lẽ sau này chúng ta phải chấn chỉnh để tuyến trên không phải trong tình trạng được ví “dùng dao mổ trâu giết gà”, tức là dùng kỹ thuật hiện đại tuyến trên chữa bệnh thông thường.


Bên cạnh đó, chúng ta có cơ chế bảo hiểm y tế chi trả cho tuyến trên, nên bệnh nhân đến khám ngoại trú nhiều, gây quá tải.


Đồng thời cũng do cách tổ chức của bệnh viện. Một số bệnh viện được đầu tư về công nghệ thông tin, kỹ thuật và khám thứ tự, nhanh chóng. Trong khi đó, một số bệnh viên chưa làm được việc này. Ví dụ như Bệnh viện đa khoa Phú Thọ được đầu tư công nghệ thông tin, khu dịch vụ rất thuận tiện, nên bệnh nhân đến đông không phải chuyển tuyến về Trung ương và bệnh nhân các tỉnh xung quanh đến đây khám cũng đông. Quan trọng là do họ tổ chức rõ ràng, xây dựng khu dịch vụ, hạch toán riêng, đầu tư công nghệ thông tin. Do đó, Chính phủ cũng nên cho bệnh viện được vay tiền tổ chức cơ sở khám chữa bệnh dịch vụ, vì thực tế khu dịch vụ tại Bệnh viện Phú Thọ là tiền vay ngân hàng xây dựng.


Tình trạng quá tải thực ra chỉ diễn ra ở một số bệnh viện Trung ương, một số tỉnh phát triển… Nói vì quá tải mà xảy ra tai biến thì chưa đúng. Quá tải có thể dẫn đến chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh thấp, khám chữa bệnh qua loa. Các nước quy định 1 ngày khám chữa bệnh cho 15 - 20 ca, trong khi chúng ta 1 ngày khám 100 ca thì mỗi bệnh nhân được khám 1 - 2 phút, bác sĩ thì ỷ lại kết quả xét nghiệm, phi lâm sàng, mà không dựa vào thực tế lâm sàng và tư vấn cho bệnh nhân, vì thế làm phát sinh tiêu cực.

 

Đối với vấn đề y đức, ngoài xử phạt nghiêm theo ông còn giải pháp nào, thưa ông?


Chúng tôi nghĩ răn đe là quan trọng, bên cạnh đó là tuyên truyền giáo dục, nâng cao y đức. Bên cạnh đó, vấn đề tiền lương với cán bộ ngành y tế là vấn đề lớn, Nhà nước có chính sách với lương, trực đã khá cao, nhiều bệnh viện đã tự tổ chức khâu dịch vụ để tăng thu nhập cho bác sĩ. Một số bệnh viện khoán thu cho các khoa để tăng thêm thu nhập. Đó cũng là nguyên nhân tác động đến thái độ bác sĩ và xảy ra tiêu cực. Về lâu về dài, Nhà nước đã tạo điều kiện cho 70% dân số có bảo hiểm y tế và tương lai là 80 - 90% có bảo hiểm y tế. Đồng thời giá dịch vụ y tế tăng lên phù hợp theo nguyên tắc tính đủ. Nhà nước không cấp tiền cho bệnh viện mà chỉ cấp tiền cho người dân mua bảo hiểm y tế và bảo hiểm y tế đảm bảo chi trả đúng, đủ cho bệnh viện về các khoản, để từ đó bệnh viện tự trang trải được chi phí, dần hạn chế tiêu cực.


Xin cám ơn ông!


Xuân Minh (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN