Hơn 2 tháng siết chặt kiểm soát tải trọng đã giúp giảm hẳn số xe chở hàng quá tải chạy trên đường. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp tiếp tục đứng trước bài toán giải phóng hàng ùn nghẽn tại các cảng.
Kiểm tra tải trọng xe trên đường Nguyễn Văn Linh, quận 7, TP Hồ Chí Minh |
Ông Trịnh Thế Cường, Trưởng Phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải - Cục Hàng hải Việt Nam cho biết: Tốc độ giải phóng hàng trên tàu tại các cảng biển diễn ra chậm hơn so với thời gian trước do thiếu xe quay vòng vào cảng để bốc dỡ hàng do phải hạ tải khối lượng hàng hóa vượt quá tải trọng so với quy định, nhiều thiết bị nguyên khối phục vụ công trình lớn.
Cũng theo ông Trịnh Thế Cường, nhiều nơi tàu trở thành kho chứa do hàng không được bốc dỡ kịp. Thậm chí, các cảng đã đẩy nhanh thủ tục hành chính cũng như tận dụng mọi diện tích kho bãi nhưng tốc độ giải phóng hàng hóa vẫn không được cải thiện là bao. Bình thường, một chuyến tàu cần 3 ngày hạ tải thì nay lên đến 5 - 7 ngày, kéo theo chi phí lưu kho mà doanh nghiệp phải trả cũng tăng lên.
Đại diện Cảng Sài Gòn cho biết: Hàng tồn tùy theo “mùa”, ngày thường cảng Sài Gòn bốc dỡ 1.500 - 2.000 tấn/ngày thì vào “mùa” lên đến 4.000 - 5.000 tấn/ngày. Bên cạnh đó, do tải trọng được kiểm soát chặt chẽ nên lượng xe quay vòng không đáp ứng kịp, dẫn đến tồn hàng.
Không chỉ khó khăn do nghẽn hàng tại cảng, ông Bùi Viết Hoài, Phó Tổng giám đốc Vinalines còn cho biết, khi kiểm tra tải trọng và buộc hạ tải, các đơn vị chức năng đã gặp sự phản ứng của nhiều tài xế, nhất là hàng container kẹp chì, hàng xuất khẩu, hàng nguyên khối. Ông Hoài đề nghị, các cơ quan Nhà nước cần ban hành các thông tư, quy định pháp lý để tránh phản ứng của tài xế, chủ hàng đồng thời kết nối nhanh đường sắt với cảng biển để có thể đẩy nhanh tiến độ lưu thông hàng hóa.
Một khó khăn nữa cũng được ông Lê Tuấn Anh - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn nêu ra là cảng đang còn tồn đọng khoảng 80 - 100 container hàng nặng. Các doanh nghiệp đang vất vả xin chỉ thị cho từng lô hàng siêu trường, siêu trọng. Do vậy, theo ông Lê Tuấn Anh, các Bộ ngành cần phối hợp hướng dẫn doanh nghiệp giải phóng hàng nhanh ở cảng, bố trí các trạm cân, chốt kiểm tra tải trọng khoa học hơn, đảm bảo diện tích để xe container ra vào thuận tiện, tránh gây ùn tắc giao thông.
Nhìn nhận về hàng siêu trường, siêu trọng, ông Trần Quốc Lẫm, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải Điện quốc gia cho rằng, không nên xem hàng siêu trường siêu trọng là hàng quá tải. Các thiết bị, máy móc của ngành điện phục vụ các dự án, các công trình thường có khối lượng rất lớn, đơn cử như máy biến áp đơn pha 500 KV không dầu đã nặng 140 tấn. Ông Trần Quốc Lẫm đề nghị, việc cấp giấy phép lưu hành vận chuyển phải được tiến hành công khai, minh bạch vì theo quy định nếu hồ sơ đầy đủ thì lực lượng chức năng sẽ chỉ mất 2 ngày để cấp giấy phép. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, doanh nghiệp phải mất đến 25 ngày mới có được loại giấy tờ này, chưa kể phải “gánh” các phiền hà khác khi khối lượng hàng hóa này lưu thông trên nhiều địa bàn.
Giảm xe quá tải lưu thông trên đường Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ khẳng định, việc kiểm soát tải trọng xe là một chủ trương lớn của Chính phủ. Các bộ ngành và địa phương liên quan phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ và liên tục. Việc làm này có tác động rất lớn đến xã hội, bởi xe quá tải ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống hạ tầng giao thông. Sau hơn hai tháng siết chặt kiểm tra kiểm soát tải trọng xe cho thấy, xe quá tải trên đường đã giảm hẳn so với trước đó. Số xe được kiểm soát đã giảm dần, hiện nay chỉ còn khoảng 15% số xe. Có tuần giảm xuống còn 10 - 11%. Bộ Giao thông Vận tải đã trực tiếp gặp gỡ doanh nghiệp, chủ đầu tư hoạt động trong lĩnh vực vận tải để trao đổi, ra quy định xử lý người đứng đầu cảng biển, nhà ga, các chủ đầu tư doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT nếu xếp hàng lên xe quá tải trọng. Bên cạnh đó, Bộ giao nhiệm vụ, tiến độ cụ thể cho từng cơ quan đơn vị trong việc triển khai, giám sát, sửa đổi những quy định bất cập, tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc thực hiện chủ trương này. |
Trần Xuân Tình - Quang Toàn.