Tiếp tục thí điểm chia sẻ lợi ích phát triển rừng đặc dụng

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý cho phép 3 Vườn quốc gia (Xuân Thủy, Bạch Mã và Hoàng Liên) được tiếp tục thực hiện mô hình thí điểm chia sẻ lợi ích trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng theo Quyết định số 126/QĐ-TTg ngày 2/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ đến hết ngày 31/12/2015.


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý cho phép 3 Vườn quốc gia (Xuân Thủy, Bạch Mã và Hoàng Liên) được tiếp tục thực hiện mô hình thí điểm chia sẻ lợi ích trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng theo Quyết định số 126/QĐ-TTg ngày 2/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ đến hết ngày 31/12/2015.

Thí điểm chia sẻ lợi ích trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên, huyện Sa Pa (Lào Cai). Ảnh: Lục Văn Toán- TTXVN


Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp lồng ghép với chính sách khoán bảo vệ rừng đặc dụng, phát triển sinh kế, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để tăng cường công tác quản lý rừng, đồng thời góp phần ổn định đời sống của người dân sống trong và vùng đệm của các khu rừng đặc dụng. 

Theo Quyết định 126/QĐ-TTg ngày 02/2/2012 về việc thí điểm chia sẻ lợi ích trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng, mục đích của việc thí điểm là tạo cơ sở cho việc xây dựng khung pháp lý về chính sách chia sẻ lợi ích, quyền và nghĩa vụ của Ban quản lý các khu rừng đặc dụng với cộng đồng địa phương theo nguyên tắc đồng quản lý nhằm quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân sống ở trong khu rừng đặc dụng và vùng đệm khu rừng đặc dụng.

Hội đồng quản lý gồm: Đại diện của Ban quản lý khu rừng đặc dụng, cộng đồng dân cư thôn, Hạt Kiểm lâm khu rừng đặc dụng hoặc Hạt Kiểm lâm huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện chính sách thí điểm cơ chế chia sẻ lợi ích trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng.

Cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân có quyền được khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên, nuôi trồng các loài động vật, thực vật tại danh mục các loài được phép khai thác, sử dụng, nuôi trồng được quy định trong thỏa thuận; tham gia, thực hiện thỏa thuận và đề xuất ý kiến với Hội đồng quản lý; được bồi dưỡng các kiến thức về bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững rừng đặc dụng.

Bên cạnh đó, cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân có nghĩa vụ thực hiện đúng phương án, thỏa thuận chia sẻ lợi ích; các biện pháp bảo vệ rừng và phát triển rừng đặc dụng theo quy định của  pháp luật; thông báo kịp thời cho Ban quản lý khu rừng đặc dụng những hành vi vi phạm, thông tin về nguồn tài nguyên, những loài phát hiện mới; thông tin kịp thời, ngăn chặn hoặc tham gia việc ngăn chặn những đối tượng có hành vi xâm hại, khai thác trái pháp luật tài nguyên rừng đặc dụng.




H.V
Bảo vệ rừng gắn với giảm nghèo đồng bào dân tộc thiểu số
Bảo vệ rừng gắn với giảm nghèo đồng bào dân tộc thiểu số

Chính phủ vừa ban hành Nghị định về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN