Tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

Chiều qua 8/3, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống cúm gia cầm đã họp khẩn về công tác phòng chống cúm gia cầm, lở mồm long móng và bệnh tai xanh. Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), diễn biến dịch bệnh đang rất phức tạp, nhiều địa phương giấu dịch, trong khi đó vắcxin để chống dịch đang thiếu.

Nhiều tỉnh giấu dịch bệnh

Theo Cục Thú y, tính đến ngày 8/3, cả nước có 7 tỉnh có dịch cúm gia cầm (H5N1), 25 tỉnh có dịch lở mồm long móng (LMLM) và 1 tỉnh có dịch tai xanh là Hà Tĩnh. Dịch bệnh trên gia súc, gia cầm bùng phát rất nhanh, từ giữa tháng 2/2011 tới nay, đã có 7 tỉnh có dịch với trên 10.000 gia cầm mắc bệnh và bị tiêu hủy. Hiện nay, tuy dịch cúm gia cầm chỉ còn 3 tỉnh chưa qua 21 ngày nhưng không có nghĩa là dịch đã lắng xuống.

Điểm kiểm dịch khoanh vùng dịch tại xã Thanh Long, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn). Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Dịch bệnh nghiêm trọng nhất là bệnh LMLM, chỉ trong 1 tháng qua, dịch đã lan thêm 14 tỉnh, thành phố. Hiện có 25 tỉnh phát dịch, với tổng số trên 66.000 gia súc mắc bệnh, trong đó 16.000 con bị tiêu hủy.

Ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNN, cho biết, điều đáng lo nhất là một số địa phương không làm tốt công tác giám sát, phát hiện dịch chậm, thậm chí còn giấu dịch nên đã làm dịch lây lan như tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn. Có 4 tỉnh là Bình Dương, Bắc Giang, Lai Châu, Bình Định cũng có dấu hiệu bùng phát dịch LMLM nhưng chưa công bố.

Theo ông Năm, từ ngày 23/1 – 26/2/2011, tại Trạm Kiểm dịch huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) đã bắt được 4 xe máy chở 15 con lợn có triệu chứng bệnh LMLM vận chuyển từ Lạng Giang, Lục Nam và Bố Hạ (Bắc Giang). Số lợn trên đều không có giấy kiểm dịch. Tại Lạng Sơn, tính đến ngày 4/3, dịch LMLM đã lây lan ra 145/243 xã của 11 huyện, TP của tỉnh. Đã có trên 6.900 gia súc mắc bệnh, trong đó trâu bò trên 6.600 con.

Một lo ngại khác là hiện nay là chủng virút đang thay đổi, nhất là dịch LMLM có độ lây lan cao hơn không chỉ ở trâu bò mà còn trên đàn lợn. Hiện đã có trên 38.000 trâu, bò mắc bệnh LMLM, trong đó tỷ lệ chết khoảng 5%. Độ khuếch tán virút của lợn cao gấp 400 lần so với trâu bò trong phạm vi 60 km trên đất liền và 300 km trên biển. Điều này có nguy cơ gây đe dọa tới ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn. Hơn nữa, tỷ lệ chết của lợn do nhiễm LMLM là 75%.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, công tác phòng chống dịch trên gia súc gia cầm hiện nay cần phải như “chống lửa”. Bộ trưởng yêu cầu Cục Thú y và Viện Thú y nhanh chóng tổ chức phân tích cụ thể độc lực, độ kháng nguyên của các chủng virút gây bệnh và phân tích các mẫu vắcxin để tìm loại thích hợp.

Thiếu vắcxin phòng bệnh

Theo phản ánh của các địa phương như: Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hà Nam, Lạng Sơn, Nam Định, Kon Tum..., lượng vắcxin để tiêm phòng cho gia súc, gia cầm đã gần hết và chưa được cấp thêm. Điều này khiến dịch bệnh phát triển bởi số gia súc gia cầm mới không được tiêm phòng kịp thời.

Cán bộ thú y huyện Tư Nghĩa kiểm tra đàn bò của một hộ chăn nuôi ở xã Nghĩa Phương huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi). Ảnh: Thanh Long-TTXVN


Giải đáp vấn đề trên, ông Hoàng Văn Năm cho hay, năm nay vắcxin phòng dịch nhập về muộn hơn so với mọi năm do Việt Nam chưa chủ động được nguồn cung. Hơn nữa, hiện cũng có nhiều nước khác đang phát dịch trên gia súc gia cầm nên cung không đáp ứng đủ cầu và giá thành tăng lên nhiều.

Để hạn chế việc lây lan của dịch bệnh, Cục Thú y khuyến cáo, đây là thời điểm dịch bệnh bùng phát nhanh nhất, do đó các địa phương cần tăng cường công tác giám sát, xử lý sớm các ổ dịch mới phát sinh, không để dịch lây lan diện rộng. Cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin kịp thời đến người dân để họ không giấu dịch, không bán chạy gia súc, gia cầm mắc bệnh.

Trước tình trạng vắcxin trong nước chỉ còn 1 triệu liều, không đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo, trước mắt, gấp rút đưa số vắcxin này về các địa phương, đồng thời tiến hành ngay việc tìm nguồn vắcxin để nhập, phục vụ công tác phòng, chống và dập dịch. Trong lúc này, các ngành, địa phương bằng nỗ lực cao nhất, huy động cả hệ thống chính trị để chống dịch. Phải quyết liệt, khẩn trương bằng các hành động thiết thực, cụ thể.

Về tình trạng bán chạy lợn bệnh, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, gia súc mắc bệnh LMLM nếu được nấu chín cẩn thận có thể sử dụng được, không nhất thiết phải tiêu hủy, vừa lãng phí lại gây ra tình trạng khó kiểm soát, quan trọng là phải hướng dẫn người dân giết mổ hợp vệ sinh. Cục Thú y phải soạn ngay công điện hướng dẫn địa phương giết mổ gia súc LMLM đúng quy trình để tránh làm cho dịch bệnh lây lan.

Hữu Vinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN