Ngay khi chương trình được triển khai, những chiến sĩ từng tham gia chiến đấu ở khắp các chiến trường Bắc, Trung, Nam và Campuchia đã phấn khởi đến các Trung tâm tiêm chủng VNVC để tiêm vaccine cúm miễn phí.
Các cựu chiến binh chia sẻ, chiến tranh đã để lại trong họ những vết thương không chỉ về thể xác mà còn cả tinh thần. Tuổi cao, sức yếu, nhiều người mắc các bệnh lý nền như đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính, tim mạch... khiến họ thường xuyên bị sốt, ho mỗi khi thời tiết thay đổi.
Tại các điểm tiêm chủng, không khí xúc động lan tỏa khi các cựu chiến binh tay bắt mặt mừng, kể lại những kỷ niệm chiến trường năm xưa. Ảnh: P.L
Tại các điểm tiêm chủng, không khí xúc động lan tỏa khi các cựu chiến binh tay bắt mặt mừng, kể lại những kỷ niệm chiến trường năm xưa. Có người còn lành lặn, có người mang thương tật, nhưng tất cả đều chung một niềm tự hào và lòng biết ơn khi được trở về với gia đình, bởi nhiều đồng đội của họ đã mãi mãi ngã xuống ở tuổi thanh xuân và chứng kiến sự đổi thay của đất nước. Nhiều cựu chiến binh cũng bày tỏ xúc động khi lần đầu tiên được tiêm vaccine cúm, căn bệnh mà trước nay vẫn thường nghĩ là “vặt vãnh”.
Bà Nguyễn Thị Nghi (77 tuổi) vừa vui vừa xúc động khi gặp lại các đồng đội tại VNVC thành phố Thủ Đức. Ảnh:PL
Gặp các đồng đội tại VNVC thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) bà Nguyễn Thị Nghi (77 tuổi) vừa vui vừa xúc động nhớ lại giai đoạn tham gia phục vụ hậu cần tại Đơn vị Tự vệ, Quân khu Thủ Đô (Bộ Tư Lệnh Thủ đô Hà Nội). Dù không trực tiếp cầm súng chiến đấu, nhưng bà đã phục vụ rất nhiều trận đánh như từ 12 ngày đêm trận “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972, đến chiến tranh biên giới phía Bắc.
"Những trận đánh ác liệt, bà và các đồng đội nằm dưới hầm, bom B52 rải trên mặt đất. Thế nhưng, thời điểm đó ai cũng có chung một suy nghĩ đó là sống ngày nào là chiến đấu bảo vệ đất nước đến hơi thở cuối cùng. Khi đất nước bị xâm lược, được góp sức mình vào việc bảo vệ Tổ quốc, đánh tan quân xâm lược, giải phóng đất nước là một niềm vinh hạnh, tự hào của tuổi trẻ”, bà Nghi chia sẻ.
Ông Dương Văn Hồng, Bộ đội hậu cần, thuộc Quân khu 5, Bộ Tư lệnh Quân Khu (Đà Nẵng), từng phục vụ hậu cần cho Bộ tư lệnh Tham mưu ở chiến trường Campuchia đang được tiêm vaccine cúm miễn phí.
Cựu chiến binh Lê Hữu Thắng (73 tuổi, quê Thanh Hóa, lính bộ binh Sư đoàn 3 Sao Vàng, Quân khu 5) từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh và chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Ông Lê Hữu Thắng chia sẻ, nhiều đồng đội của ông đã ngã xuống, đặc biệt trong trận đánh chiếm cầu Cỏ May, “cửa ngõ” đi vào thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Hằng năm, cứ đến ngày 27/7 ông đều tới thăm viếng, thắp hương tưởng nhớ những đồng đội đã hi sinh tại đây. Ngoài chứng kiến nhiều cái chết do bom, đạn, ông còn tận mắt nhìn đồng đội hy sinh do bệnh tật, bởi trang thiết bị y tế lúc đó thiếu thốn, đơn sơ.
“Chương trình tiêm vaccine miễn phí rất thiết thực và ý nghĩa. Khi đến đây, chúng tôi được tiếp đón rất nhiệt tình, anh em cũng có dịp gặp lại nhau hàn huyên đôi chút nên rất vui vẻ. Ngoài tiêm vaccine cúm, chúng tôi còn có cơ hội tìm hiểu thêm về các loại vaccine khác bảo vệ sức khỏe khi già đi và mắc nhiều bệnh tật cùng lúc do tuổi tác, di chứng chiến tranh”, ông Lê Hữu Thắng nói.
Ông Đoàn Văn Phú (ngoài cùng bên phải) từng hoạt động tại phòng Quân y miền Đông Nam Bộ, đóng tại Tây Ninh, thông qua VNVC mong muốn tìm 2 người đồng đội cùng đơn vị. Ảnh: PL.
Còn ông Đoàn Văn Phú (sinh năm 1949, quê Ninh Bình) từng hoạt động tại phòng Quân y miền Đông Nam Bộ, đóng tại Tây Ninh. Vào khoảng 10 giờ ngày 30/4/1975, đơn vị của ông tiếp quản Tổng Y viện Cộng Hòa, hiện là Bệnh viện Quân Y 175.
“Đến nay, tròn 50 năm hoà bình, tôi luôn đau đáu mong có thể tìm lại những đồng đội thân thiết khi xưa. Thông qua trung tâm VNVC, tôi muốn tìm 2 người đồng đội thất lạc là ông Phạm Tiến Triển (không rõ độ tuổi, quê Hoà Bình) và ông Nguyễn Văn Đức (khoảng 80 tuổi, quê Thanh Hoá) cùng thuộc đơn vị xưởng X5, phòng Quân y miền Đông Nam Bộ, đóng tại Cầu Trắng, huyện Lộc Ninh, Tây Ninh”, ông Phú nhắn nhủ.
Ông Trinh Văn Thơm được xác định tỷ lệ thương tật lên tới 61% khi tham gia đánh đuổi giặc PolPot trên chiến trường Campuchia. Ảnh: PL
Tham gia đánh đuổi giặc PolPot trên chiến trường Campuchia những năm 1977 - 1978, ông Trịnh Văn Thơm (69 tuổi, sinh sống tại thành phố Thủ Đức) nhớ lại một lần phục kích, vô số đồng đội hi sinh, ông bị thương nặng vùng bụng và gãy xương hàm. “Tôi bị đổ ruột ra ngoài, dùng áo quấn bụng lại, cắn chặt răng bò về căn cứ thì bất tỉnh giữa chiến trường và phải chuyển ra tận Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trải qua rất nhiều ca phẫu thuật”, ông Thơm kể lại. Ông Thơm được xác định tỷ lệ thương tật lên tới 61%.
Cùng có mặt tại Trung tâm tiêm chủng VNVC, câu chuyện của vợ chồng bà Vũ Thị Hồng Nga (64 tuổi, ngụ phường An Phú, thành phố Thủ Đức) và ông Lưu Đức Thọ (63 tuổi) mang ý nghĩa về một thế hệ tiếp nối gìn giữ nền hoà bình, độc lập của dân tộc. Hai người trước đây cùng là bộ đội biên phòng tại TP Hồ Chí Minh, gặp nhau tại đơn vị rồi nên duyên. Ảnh: P.L
Ở tuổi 61, ông Bùi Công Tuyển, cựu chiến binh thuộc Đoàn A5, Bộ Tư lệnh Đặc Công, vẫn mang trên mình những vết thương không thể lành, hậu quả từ một trận đánh khốc liệt năm xưa. Mắt trái bị hỏng hoàn toàn, chân phải chấn thương nặng buộc ông phải di chuyển bằng nạng, mỗi khi thời tiết thay đổi, toàn thân đau nhức âm ỉ.
Ký ức về trận đánh năm 1984 trong cuộc chiến tranh biên giới Việt Nam - Campuchia vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí ông Tuyển. Ông kể, trong một nhiệm vụ phối hợp với đơn vị phá căn cứ hậu cần của quân PolPot, tiểu đội của ông với khoảng 500 lính đặc công đã tiến sâu vào khu vực đóng quân của địch. Không may, trong lúc hành quân, đội hình vướng phải bãi mìn, hàng loạt tiếng nổ vang lên dữ dội. Trận nổ kinh hoàng ấy khiến 15 đồng chí hy sinh, hàng chục người khác bị thương nặng, trong đó có ông.
Các cựu chiến binh được khám sàng lọc, đảm bảo sức khỏe trước khi tiêm. Đa phần các cựu chiến binh đều tuổi cao, mắc nhiều bệnh lý nền như phổi tắc nghẽn mạn tính, tim mạch, đái tháo đường, viêm khớp, ung thư…
BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC chia sẻ, thế hệ ngày nay được sống trong thời bình luôn nhớ ơn sự đóng góp và hy sinh của các thế hệ đi trước. Món quà vaccine như một đóng góp nhỏ bé của VNVC nhằm tri ân các anh hùng cách mạng đã anh dũng hi sinh cho nền độc lập tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân.
Chương trình được triển khai tại gần 220 trung tâm tiêm chủng của VNVC trên cả nước, từ đầu tháng 4 và kéo dài đến hết ngày 30/4. Không chỉ tiêm miễn phí vaccine cúm, VNVC còn dành tặng nhiều phần quà và phiếu ưu đãi tiêm các loại vaccine quan trọng khác, góp phần chăm sóc toàn diện sức khỏe cho những người từng có nhiều đóng góp cho đất nước.
Từ đầu tháng 4/2025, 5.000 liều vaccine cúm đã được trao tặng miễn phí tại gần 220 trung tâm tiêm chủng VNVC trên cả nước, kéo dài đến hết ngày 30/4. Ảnh: P.L
Để thực hiện chương trình, VNVC bố trí nhân sự để đón tiếp và sắp xếp tiêm chủng cho các cựu chiến binh thuận lợi, nhanh chóng. Với 100% đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng có chứng chỉ an toàn tiêm chủng, hệ thống kho lạnh, dây chuyền lạnh bảo quản vaccine đạt chuẩn, quy trình khám tiêm nghiêm ngặt, VNVC đảm bảo an toàn tiêm chủng và phát huy hiệu quả phòng bệnh cao sau tiêm.