Tiếc nuối Thương xá Tax

Theo thông báo của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV (Satra), ngày 25/9, Thương xá Tax chính thức đóng cửa vĩnh viễn để bàn giao một phần mặt bằng cho Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố. Điều này đã khiến các tiểu thương đang kinh doanh tại đây cũng như nhiều người dân Sài Gòn không khỏi tiếc nuối, bởi suốt 134 năm qua, nơi đây được mệnh danh là trung mua sắm bậc nhất Sài thành.


Tiếc nuối kiến trúc cổ


Thương xá Tax những ngày cuối cùng trước khi lệnh đóng cửa có hiệu lực, thật vắng vẻ dù nhiều mặt hàng được bán hạ giá đến 80%. Nhiều gian hàng đã được dọn dẹp sạch sẽ, chủ yếu là các gian hàng nữ trang, nước hoa và quần áo có thương hiệu, có chi nhánh bên ngoài. Khách đến mua hàng đã giảm khá nhiều, không còn đông đúc và chen lấn như những ngày giảm giá vào đầu tháng 8.

 

Chiều 22/9, hơn 20% gian hàng tại Thương xá Tax đã di dời.


Các tiểu thương còn lại cũng đầy tâm trạng khi tất bật dọn dẹp hàng hóa để trả mặt bằng. Phần lớn họ đều gắn bó nơi này vài chục năm, vì thế ai cũng trầm lặng khi sắp phải chia tay một trung tâm thương mại có tiếng nhất nhì thành phố. “Mình rất buồn khi phải xa nơi này vì đã gắn bó với nó suốt 23 năm. Nhưng vì lợi ích chung, đành phải chấp nhận di dời”, chị Ngọc Châu, một tiểu thương tại Thương xá Tax, buồn bã cho biết.


Cùng chung tâm trạng, chị Xuân Trang, chủ cửa hàng mỹ nghệ tại Thương xá Tax, cũng chia sẻ: “Cũng như bao tiểu thương khác, việc di dời ra khỏi Thương xá Tax đã ảnh hưởng nhiều đến việc kinh doanh vì một thời gian dài kinh doanh, gian hàng đã tạo được uy tín và nhiều người biết đến. Vì thế, đóng cửa Thương xá Tax chắc chắn rất buồn, nhưng buồn hơn là Thương xá Tax không còn nữa, giống như là chúng tôi đánh mất đi một cái gì đó quá lớn vì đã gắn bó và tình cảm nơi đây quá lâu”.

 

Một số khách du lịch vẫn tranh thủ đến xem và mua hàng trước khi Thương xá Tax đóng cửa đập bỏ.


Bên cạnh những tiểu thương gắn bó với Thương xá Tax mấy chục năm qua, không ít những người dân sống lâu năm tại TP Hồ Chí Minh cũng đầy nuối tiếc vì công trình kiến trúc cổ hơn 130 năm sắp phải đập bỏ. Với họ, đây không chỉ là ký ức về một trung tâm thương mại sầm uất, một điểm mua sắm bậc nhất giữa trung tâm thành phố mà nó còn là một trong những tòa nhà có kiến trúc cổ còn sót lại của thành phố. Hầu như ai từng đến Thương xá Tax cũng muốn chụp vài kiểu hình để lưu lại làm kỷ niệm hơn là mua hàng. Ngay cả khách du lịch trong và ngoài nước khi đến thành phố cũng tranh thủ đến Thương xá Tax để chụp hình kỷ niệm. Những ngày này, du khách nước ngoài và các bạn trẻ cũng đã tranh thủ đến đây để lưu lại những khoảnh khắc trước khi công trình này bị phá bỏ. Theo họ, dù Thương xá Tax có xây lại, nhưng kiến trúc cổ sẽ không còn và thay đổi hoàn toàn.


Sẵn sàng trước giờ G


Theo Satra - đơn vị chủ quản Thương xá Tax, đến hết tháng 12/2014, toàn bộ các gian hàng ở thương xá Tax phải bàn giao mặt bằng để khởi công công trình tòa tháp cao 40 tầng vào quý I/2015. Tuy nhiên, theo thông báo của UBND TP Hồ Chí Minh, Satra phải bàn giao hơn 500 m2 của Thương xá Tax hiện hữu để thi công một số hạng mục của công trình nhà ga Metro ngầm. Chính vì vậy, Satra đã quyết định đóng cửa Thương xá Tax sớm để bàn giao mặt bằng cho Ban quản lý Đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh trước ngày 1/10. Theo đó, hơn 230 gian hàng với hơn 1.000 nhân viên buộc phải di dời khỏi đây kể từ ngày 25/9.

 

Các gian hàng còn lại đang tranh thủ bán đến ngày cuối cùng.


Bà Trần Thúy Liên, Giám đốc Thương xá Tax, cho biết việc đóng cửa Thương xá Tax sẽ gây nhiều trở ngại và khó khăn cho các tiểu thương nên Satra đã hỗ trợ miễn phí tiền cho thuê mặt bằng và toàn bộ chi phí điện, nước của 2 tháng cuối cùng là tháng 8 và tháng 9; đồng thời tổ chức miễn phí cho các tiểu thương luân phiên bán hàng tại đại sảnh ở tầng trệt để giải phóng hàng tồn kho. Bên cạnh đó, Ban quản lý cũng đã gửi công văn kiến nghị UBND TP, UBND quận 1, Chi cục Thuế quận 1 xin miễn, giảm thuế cho các tiểu thương để hỗ trợ trong giai đoạn di dời và rà soát, giới thiệu các mặt bằng thuê mới cho các tiểu thương… với tổng số chi phí hỗ trợ khoảng 10 tỷ đồng.


Cũng theo bà Liên, tiểu thương rất đồng tình với chủ trương di dời sớm, vì có ở lại cũng khó buôn bán bởi các tuyến đường xung quanh như Lê Lợi, Nguyễn Huệ đã biến thành đại công trường xây dựng nhà ga Metro số 1. Tuy nhiên, việc tìm được mặt bằng cho tiểu thương tiếp tục buôn bán tại khu vực quận 1 là hết sức khó khăn. Hiện nay, Ban quản lý Thương xá đã tìm được nơi cho các tiểu thương tiếp tục kinh doanh (nếu họ muốn) tại số C6 Phạm Hùng (quận 8) hoặc tại siêu thị Sài Gòn (quận 10). “Cho đến khi tòa tháp cao 40 tầng xây xong trên nền Thương xá Tax cũ, công ty sẽ ưu tiên mặt bằng cho các khách hàng đã ký hợp đồng với Thương xá Tax trước đây", bà Liên cho biết thêm.

 

Với sự trợ giúp của Satra, những gian hàng nhỏ lẻ, không có thương hiệu và không có các cửa hàng đại lý ở bên ngoài đã giải quyết được một số lượng hàng tồn kho đáng kể. Do đó, trong 2 ngày cuối cùng trước khi di dời, mặc dù vẫn còn nhiều hàng bày bán tại Thương xá Tax nhưng họ không nhiều lo lắng. Chị Hằng, chủ một cửa hàng lưu niệm ở lầu 3, cho biết: “80% hàng tồn kho của chúng tôi đã thanh lý hết nhờ chương trình giảm giá thực hiện từ đầu tháng 8. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã tìm được địa điểm bán hàng sau khi di dời theo sự hướng dẫn của Satra". Tương tự, nhiều gian hàng khác cho biết đến thời điểm này cũng bán gần hết số lượng hàng tồn kho, thậm chí có một số gian hàng phải lấy thêm hàng về để bán tiếp vì khi biết tin Thương xá Tax sắp đóng cửa, rất đông khách đến đây để mua sắm nên hàng bán rất chạy, doanh số tăng cao.

 

Bài và ảnh: Hải Yên

Thương xá TAX ngừng hoạt động từ tháng 10
Thương xá TAX ngừng hoạt động từ tháng 10

Hơn 230 tiểu thương tại Thương xá TAX sẽ ngừng hoạt động kinh doanh để bàn giao mặt bằng phục vụ cho việc triển khai thi công Hệ thống thông gió và làm mát trong khu vực Thương xá này kể từ ngày 1/10/2014.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN