Nguy cơ “tổn thương” thế hệ trẻ
Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng y khoa Quốc gia, Giám đốc PCTH thuốc lá, TLĐT là thiết bị dùng để hóa hơi dung dịch có chứa nicotin, trong khi đó thuốc lá làm nóng (thuốc lá nung nóng) là thiết bị điện tử làm nóng nguyên liệu thuốc lá. Cả hai sản phẩm này là sản phẩm thay thế thuốc lá, không có tác dụng cai thuốc lá và không được phép tiếp cận đến giới trẻ hay những người đã cai thuốc.
Nhấn mạnh về lý do không được phép tiếp cận đến giới trẻ, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, cán bộ WHO tại Việt Nam cho biết, TLĐT sẽ gây tác hại và hệ lụy đối với thanh thiếu niên. Bởi thành phần của dung dịch thuốc lá điện tử có đến hơn 15.000 hương vị khác nhau gồm: Nicotine, Propylene Glycol, Glycerin thực vật (chất gây ung thư khi được đun nóng), nước, chất tạo mùi... và chất gây ô nhiễm trong dung dịch điện tử như Ethylene Glycol, Diethylene Glycol, chất tạo mùi - Diacetyl, Acetyl propỉonyl và kim loại chì, bạc, Cadmium, Chromium, thủy ngân, Nickel... Ngoài ra, còn nhiều chất độc khác được tìm thấy trong TLĐT.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm cho rằng, TLĐT có tác hại với sức khỏe con người, chứa nicotine là chất gây nghiện mạnh và gây hại cho sức khỏe với cả người dùng và người xung quanh, đặc biệt là trẻ em, vị thành niên và phụ nữ có thai. Đáng chú ý, sử dụng TLĐT còn gây hội chứng tổn thương hô hấp cấp, tử vong. Bên cạnh đó, những người tiếp xúc lâu với TLĐT sẽ tăng nguy cơ gây các bệnh như ung thư, tim mạch, hô hấp và các bệnh nguy hiểm khác.
Chưa kể, nhiều trường hợp sử dụng TLĐT pha trộn ma túy vào dung dịch điện tử, không chỉ gây chấn thương do cháy nổ mà còn làm tăng nguy cơ bắt đầu hút thuốc lá thông thường. Tại Việt Nam hiện có tình trạng tội phạm ma túy trộn các loại ma túy vào các sản phẩm TLĐT và hướng vào đối tượng học sinh, sinh viên.
Tuy nhiên, những cảnh báo này chưa đến được với cộng đồng vì sản phẩm vẫn chưa được luật hóa trong suốt gần 4 năm nay. Thay vào đó, hàng loạt những thông tin mời gọi, lôi kéo giới trẻ sử dụng TLĐT đến từ những tay buôn lậu để trục lợi thông qua nền tảng kỹ thuật số, mạng xã hội, Facebook.
Hệ lụy là sự gia tăng không điểm dừng tỷ lệ sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử "lậu" ở giới trẻ. Các chuyên gia cảnh báo, sẽ không chỉ dừng ở đó mà việc thiếu luật quản lý sẽ khiến cho các nguồn hàng này ngày một tăng, ngân sách nhà nước thất thu nghiêm trọng, tăng gánh nặng quản lý không chỉ cơ quan y tế mà còn các cơ quan ban ngành liên quan.
Thiếu chế tài quản lý
Thực tế đến nay, vẫn chưa có bất kỳ công ty nào được chính thức nhập khẩu và kinh doanh sản phẩm thuốc lá điện tử. Do đó, không khó để hiểu các sản phẩm này được buôn lậu qua đường hàng không, biên giới và không nhãn mác, không nguồn gốc, xuất xứ. Khi đưa vào thị trường, các sản phẩm này đều được “gắn mác” hàng Mỹ, Nhật và cùng bị gọi chung là TLĐT để dễ tiếp thị quảng cáo. Trong khi đó, phần lớn người dùng và cộng đồng đều không hiểu được cơ chế của những sản phẩm này cũng như đối tượng sử dụng.
Chỉ tính tháng 1/2021, Chi cục Hải Quan cửa khẩu quốc tế sân bay Nội Bài – Cục Hải quan TP. Hà Nội và Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (đội 1) đã bắt 250 cây thuốc lá điện tử qua đường hàng không. Cũng trong tháng 1/2021, Chi cục Hải quan Tân Thanh - Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn cũng đã phát hiện lô hàng vô chủ gồm 2.300 điếu thuốc lá điện tử.
Trước đó, vào tháng 12/2020, Đội quản lý thị trường số 1 – Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội đã phát hiện và thu giữ 73 chiếc máy đốt thuốc lá (thiết bị nung nóng), 8.070 sản phẩm thuốc lá đi kèm máy; 3.043 lọ tinh dầu điện tử. Tổng sản phẩm hàng hóa ước tính gần 1 tỷ đồng.
Theo các Chi cục Hải quan, đó chỉ là một vài trường hợp được phát hiện và công bố. Nhưng thực tế, còn rất nhiều trường hợp nhập lậu trót lọt và lợi nhuận thu về là rất lớn. Trong khi đó, nhà nước phải tốn chi phí không nhỏ cho việc bắt giữ, lưu giữ, tiêu hủy… và cả giải quyết hậu quả do TLĐT để lại.
Thế nhưng, điều nghịch lý là đến nay vẫn chưa có luật quản lý, chế tài đối với những tội phạm buôn lậu mặt hàng này. Do đó, khi bị bắt giữ, ngoài việc tịch thu hàng thì các cá nhân buôn lậu chỉ bị phạt hành chánh. Đây là điều mà các cơ quan, bộ ngành phòng chống buôn lậu đã nêu lên trong rất nhiều hội thảo được tổ chức trong năm 2020 nhưng đến nay vẫn chưa thấy động thái tích cực nào để ngăn chặn vấn đề này.
Nhiều chuyên gia cho rằng, rất cần sự tham gia của các cơ quan quản lý trong việc đưa ra những hướng dẫn đối với các sản phẩm này dựa trên những sở cứ khoa học thay vì để thị trường thao túng, thông tin sai sự thật. Bởi hiện nay, thuốc lá vẫn là ngành kinh doanh hợp pháp và những sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đã đáp ứng được luật quản lý thuốc lá hiện tại (chẳng hạn có chứa nguyên liệu thuốc lá và đi theo định nghĩa của Luật phòng, chống tác hại thuốc lá, được Hải quan phân loại theo mã thuốc lá khác) cần phải được xem xét ở góc độ quyền hạn được phép kinh doanh của các doanh nghiệp chính danh.
Luật phòng chống tác hại của thuốc lá với định nghĩa thuốc lá như sau: “Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác.
Việc sử dụng thuốc lá là hành vi hút, nhai, ngửi, hít, ngậm sản phẩm thuốc lá”.