Thúc đẩy vai trò các tổ chức xã hội trong quản trị tài nguyên nước - Bài 2: Chung tay nâng cao trách nhiệm, nhận thức cộng đồng

Những năm gần đây, Việt Nam luôn phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm và suy giảm nguồn nước.

Các tổ chức xã hội thông qua công tác truyền thông và những việc làm cụ thể của mình, đã góp phần quan trọng thay đổi nhận thức và hành động của cộng đồng, cũng như cơ quan, doanh nghiệp trong bảo đảm an ninh nguồn nước.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) xung quanh vấn đề này.

Chú thích ảnh
Nhà máy nước sạch BOO Phú Ninh (Quảng Nam). Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN

Ông đánh giá về vấn đề ô nhiễm môi trường nước và suy thoái tài nguyên nước hiện nay như thế nào, thưa ông?

Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi với hàng ngàn con  sông, suối, hồ ao lớn nhỏ. Đây là nguồn nước ngọt quý giá bảo đảm cho cuộc sống của con người, là nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội và cảnh quan môi trường cho đất nước. Việt Nam không phải là quốc gia khan hiếm nước, nhưng cũng không phải là quốc gia giàu về nước. Hiện tài nguyên nước của Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn, đó là nguy cơ suy thoái và cạn kiệt do khai thác quá mức và ô nhiễm.

Đánh giá gần đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, chất lượng nước ở Việt Nam suy thoái một cách đáng lo ngại, với dấu hiệu của độc tính phát sinh từ các thành phố, khu công nghiệp và nông nghiệp. Dòng chảy qua các thành phố lớn bị ô nhiễm nặng (hiện Hà Nội có 6 dòng sông chết). Nước dưới đất ở nhiều vùng đã khai thác quá mức, mức độ ô nhiễm nghiêm trọng. Nước thải công nghiệp, nước thải các làng nghề không qua xử lý, nước thải đô thị góp phần lớn nhất gây ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra, hệ thống quản lý của Việt Nam còn kém hiệu quả, thiếu quan tâm đến tái sử dụng nước thải, mức phí nước thải thấp không đủ bù chi phí.

Chất thải rắn phát sinh từ các đô thị cũng là mối đe dọa đến nguồn nước mặt. Chôn lấp chất thải rắn bất hợp pháp, khu vực chôn lấp thiếu vệ sinh nằm gần nguồn nước và thiếu thu gom rác thải rắn dẫn đến gây ô nhiễm nguồn nước. Trong khi Việt Nam có 660 bãi rác đang hoạt động thì chỉ có 203 bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Các bãi rác còn lại không thu gom và xử lý nước rỉ rác (chất lỏng thoát ra từ bãi chôn lấp), gây ô nhiễm cho đất và nguồn nước. Hơn nữa, số liệu tin cậy về tỷ lệ thu gom chất thải rắn đô thị rất khó để theo dõi. Theo đó, số liệu này được ước tính là 86% ở khu vực thành thị vào năm 2018, nhưng dưới 20% ở khu vực nông thôn, trong đó khoảng 70% chất thải rắn được thu gom và chôn lấp.

Ngoài ra, ô nhiễm nước từ nông nghiệp cũng đang ngày càng gia tăng. Hàng năm, Việt Nam tiêu thụ khoảng 11 triệu tấn phân bón, trong đó phân bón vô cơ là 90% và hữu cơ là 10%. Lượng sử dụng trung bình khoảng 195-200 kg/ha, dao động nhiều giữa loại cây trồng, giống, vị trí, loại đất và hình thức bón. Canh tác lúa chiếm 65% tổng lượng phân bón tiêu thụ. Hầu hết nông dân trồng lúa sử dụng phân bón cao hơn mức khuyến cáo; chỉ khoảng 45-50% lượng phân bón được sử dụng hiệu quả, số còn lại bị rửa trôi.

Hơn nữa, biến đổi khí hậu đã và sẽ tác động đến tài nguyên nước. Nhiều dự báo trên thế giới và ở trong nước đã cho thấy khi nhiệt độ không khí tăng bình quân 1,5 độ C thì tổng lượng dòng chảy có thể giảm khoảng 5%. Ngoài ra, khi trái đất nóng lên, băng tan nhiều hơn sẽ làm nước biển dâng cao, mặn sẽ xâm nhập sâu hơn ở những vùng đồng bằng thấp khiến nguồn nước ngọt phân bố trên các sông chảy ra biển sẽ bị thu hẹp lại. Tất cả những điều đó sẽ làm suy thoái thêm nguồn nước.

Thực tế cho thấy việc thực thi pháp luật tài nguyên nước chưa hiệu quả tại nhiều địa phương, theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên?

Việt Nam đã có hệ thống luật pháp khá đầy đủ giúp cho việc phát triển, bảo vệ và quản lý tài nguyên nước của quốc gia, Luật Tài nguyên nước (2012), Luật Bảo vệ Môi trường (2014) cùng nhiều Luật và các văn bản dưới luật liên quan, nếu được thực thi hiệu quả sẽ giúp chúng ta bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên nước. Tuy vậy, đến nay tình trạng ô nhiễm nguồn nước vẫn diễn ra và ngày càng trầm trọng, cho thấy việc thực thi pháp luật chưa hiệu quả, còn nhiều bất cập. Một trong những nguyên nhân quan trọng đó là thiếu đồng bộ và phân tán trong quản lý tài nguyên nước. Cũng theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, dù đã có sự phân công trách nhiệm giữa các bộ, ngành về quản lý tài nguyên nước, song vẫn còn chồng chéo về nhiệm vụ và bất cập trong phối hợp giữa các cơ quan. Việc phân quyền trong lập quy hoạch liên quan đến tài nguyên nước đã dẫn đến việc các bộ, ngành đều xây dựng quy hoạch phát triển chuyên ngành theo yêu cầu của bộ mình đặt ra, dẫn đến những xung đột trong khai thác sử dụng nước, làm gia tăng nguy cơ thiếu nước và ô nhiễm môi trường nước mặt.

Chẳng hạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng quy hoạch thủy lợi; Bộ Công Thương xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống thủy điện; Bộ Giao thông Vận tải xây dựng quy hoạch hệ thống giao thông thủy. Hơn nữa, mâu thuẫn về lợi ích liên quan đến tài nguyên nước như giữa chống lũ với phát điện, giữa phát điện với cấp nước tưới, giữa phát điện với cấp nước cho hạ du, nước sinh hoạt, nước để đẩy mặn cửa sông. Ở một khía cạnh khác, dù khung pháp lý cho quản lý tổng hợp tài nguyên nước đã được thiết lập, việc thực hiện còn khó khăn. Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra rằng, vấn đề lớn nhất là các tổ chức lưu vực sông hiện tại - các Ban quản lý lưu vực sông và Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông, không có đầy đủ thẩm quyền vì bị chồng chéo về nhiệm vụ, trách nhiệm, hạn chế về năng lực thể chế, nguồn lực và tài chính.

Theo ông, chúng ta có thể thực hiện những giải pháp cụ thể gì trong tương lai để bảo đảm nguồn nước sạch cho người dân và tránh các sự cố hy hữu có thể xảy ra?

Nước là nhân tố bảo đảm sự tồn tại và phát triển của một dân tộc, của một quốc gia. Không có dạng vật chất nào quan trọng với con người hơn là nước. Tài nguyên nước là hữu hạn và rất dễ bị suy thoái, cạn kiệt do tác động của con người và phát triển không bền vững, phải xem nước là tài nguyên vô giá cho sự sống của con người và phát triển xã hội. Israel là một nước khan hiếm nước nhưng là nước xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao hàng đầu thế giới. Nước sạch với họ được xem như máu đối với con người. Do vậy, hệ thống quản lý các cấp, mọi người dân cần nhận thức được tầm quan trọng của nguồn tài nguyên nước để cùng chung tay bảo vệ. Bởi nước là khởi nguồn và duy trì sự sống của con người. Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, có chế tài đủ mạnh để có thể bảo vệ và quản lý tốt hơn tài nguyên nước; tăng cường năng lực thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương (bao gồm con người và các nguồn lực khác như trang thiết bị).

Ông có thể cho biết hoạt động cụ thể của VRN tại Việt Nam?

Là một diễn đàn mở thu hút sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ, nhà nghiên cứu, học giả, cán bộ công tác trong một số cơ quan nhà nước, cộng đồng địa phương và những người có cùng mối quan tâm đến việc bảo vệ sông ngòi và phát triển bền vững ở Việt Nam, đến nay VRN có khoảng 300 thành viên, bao gồm các cá nhân, tổ chức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. VRN phát hành bản tin định kỳ 2 tháng/số với 300 bản/số cho thành viên mạng lưới, các cơ quan liên quan chia sẻ thông tin liên quan đến tài nguyên nước, sông ngòi, sinh kế, năng lượng thay thế ở Việt Nam và trên thế giới. Mặt khác, nâng cao năng lực cho các thành viên bằng việc cung cấp các kỹ năng nghiên cứu, giám sát, đánh giá chất lượng sông và các vấn đề liên quan đến sông ngòi. Kết quả của 26 nghiên cứu nhỏ về các chủ đề liên quan đến sông ngòi, thủy điện đã được chia sẻ với các cấp chính quyền và cơ quan hoạch định chính sách có liên quan. VRN phối hợp với các nhà khoa học, cơ quan truyền thông, báo chí nâng cao nhận thức công chúng về những thách thức do phát triển thủy điện, ô nhiễm sông ngòi đối với sinh kế của các cộng đồng và hệ sinh thái tự nhiên.

VRN đã tham gia phản biện độc lập và đưa ra các góp ý có ý nghĩa cho việc chỉnh sửa các báo cáo đánh giá tác động môi trường và xã hội, như dự án thủy điện Trung Sơn dự kiến vay vốn của Ngân hàng Thế giới để xây dựng từ năm 2010 đến 2015; hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 & 6A... VRN còn giám sát việc thực thi các chính sách đảm bảo an toàn của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á trong quá trình thực hiện các dự án thủy điện ở Việt Nam; nâng cao tiếng nói của xã hội dân sự vào việc đóng góp ý kiến cho Luật Tài nguyên Nước sửa đổi.

Riêng cuộc thi ảnh online Đối thoại với Dòng sông do VRN tổ chức trong 4 năm liên tiếp từ 2015-2018 đã thu hút hàng trăm tác giả, hàng ngàn tác phẩm liên quan đến vấn đề quản trị tài nguyên nước, giới, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường. VRN đã tổ chức các  hoạt động hỗ trợ các sáng kiến cộng đồng và nhân rộng mô hình quản trị tài nguyên nước; tập huấn nâng cao năng lực truyền thông bảo vệ môi trường, xây dựng chiến lược vận động chính sách...

Hoạt động gần đây nhất là Hội thảo thường niên Mạng lưới sông ngòi Việt Nam 2019 đã thu hút được sự tham gia và chú ý của đông đảo các đại biểu từ khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam. Hội thảo là một diễn đàn khoa học, nơi các diễn giả có thể trình bày, nói lên quan điểm, chia sẻ những trăn trở đối với các vấn đề sông ngòi hiện nay như: An ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế-xã hội; thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan trong việc khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước bền vững; các vấn đề phát triển năng lượng như thủy điện và nhiệt điện trên các dòng sông. Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã có những thảo luận liên quan đến cơ chế hợp tác giữa các nước lưu vực sông Mê Công về vấn đề thủy điện; quản trị tài nguyên nước tại địa phương; trách nhiệm và quyền hạn của cộng đồng tham gia vào giám sát tài nguyên nước, cũng như quá trình tham vấn xây dựng các công trình ven sông. 

Trân trọng cảm ơn ông!

Diệu Thúy/TTXVN (thực hiện)
Quy hoạch tài nguyên nước phải đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia
Quy hoạch tài nguyên nước phải đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tại Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 4 tháng 12 năm 2019, theo đó, giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường lập quy hoạch này. Theo quy định của Luật Quy hoạch, thời hạn thực hiện lập quy hoạch trong thời gian 24 tháng kể từ ngày Nhiệm vụ được phê duyệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN