Thúc đẩy vai trò các tổ chức xã hội trong quản trị tài nguyên nước - Bài 1: Cần cụ thể hóa cơ chế, chính sách

Quản lý tài nguyên nước theo phương thức tổng hợp và toàn diện là quan điểm nhất quán của Việt Nam, được thể hiện xuyên suốt trong Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020 (phê duyệt tại Quyết định 81/2006/QĐ-TTg).

Trong triển khai thực hiện Chiến lược này, cùng với Chính phủ, chính quyền các địa phương, việc phát huy vai trò của các tổ chức xã hội có ý nghĩa quan trọng, đóng góp vào thành công chung, là yếu tố không thể thiếu để pháp luật về tài nguyên nước đi vào cuộc sống.

Chú thích ảnh
Nhà máy nước sạch BOO Phú Ninh (Quảng Nam). Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN

Hiện nay, mặc dù Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến việc xây dựng cơ sở pháp lý về sự tham gia của các tổ chức xã hội, nhưng hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về sự tham gia của các tổ chức xã hội và cộng đồng trong quản trị tài nguyên nước. Đồng thời, vẫn thiếu các cơ chế khuyến khích động viên nên việc thực hiện các sáng kiến, hoạt động bảo vệ nguồn nước của các tổ chức xã hội và cộng đồng vẫn gặp nhiều trở ngại.

Chưa được quan tâm đúng mức

Theo báo cáo của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) Việt Nam, trong 2 năm qua, bước đầu Việt Nam đã có các dự án nghiên cứu, tham vấn với các bộ, ngành liên quan và đại biểu Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về vai trò của các tổ chức xã hội trong quản lý tài nguyên nước. Tuy vậy, các dự án thành công của các tổ chức xã hội thường diễn ra ở phạm vi địa lý nhỏ, xã hoặc huyện, như: Mô hình “Cộng đồng tham gia quản lý thủy lợi” ở An Giang; “Đoạn sông tự quản” ở Thái Bình, Nam Định, hay Thanh Hóa... do hạn chế về tài chính và nhân lực, khó tổng hợp để vận động thay đổi chính sách.

Hơn nữa, mặc dù Điều 22, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 có quy định về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền cấp trên đối với việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, trước khi quyết định về những việc liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của công dân trên địa bàn cấp xã. Tuy vậy, việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân vẫn chưa được chú trọng ở các địa phương; việc huy động nguồn lực các tổ chức xã hội còn chưa được quan tâm đúng mức. Phản biện xã hội chưa được đưa vào chính thức trong các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên. Do đó, các tổ chức xã hội rất hiếm khi được tham gia vào các quá trình tham vấn và phản biện cho các chính sách, quyết định hay các dự án ở địa phương và Trung ương.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hồ Uy Liêm, Chủ tịch Hội đồng quản lý Trung tâm Thông tin Tổ chức phi chính phủ: Về tài nguyên nước, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã có hơn 10 hội thành viên, trong đó có Hội Thủy lợi, Hội Tưới tiêu… Các tổ chức hội thành viên chủ yếu hoạt động ở các thành phố lớn nhưng có mối quan hệ rộng với các địa phương, các đơn vị nghiên cứu khoa học công nghệ khắp cả nước. Dưới góc nhìn đa dạng của các nhà khoa học, các tổ chức xã hội, các cấp bộ, ngành... sẽ có được những đánh giá toàn diện và khách quan. Điều này giúp các nhà hoạch định đánh giá được những tác động tích cực, tiêu cực của các dự luật, từ đó đưa ra những quy định, sửa đổi, bổ sung hiệu quả, phù hợp với khả năng thực thi cao hơn, tạo hiệu quả trong quản lý nguồn tài nguyên nước.

Tiến sỹ Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) cho biết: Mạng lưới sông ngòi Việt Nam tham gia tổ chức xã hội từ năm 2011 - 2012, cụ thể đã tiến hành làm việc và giám sát cùng với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 62/2013/QH13 về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện. Trong đó không thể không nhắc tới những đóng góp của các tổ chức xã hội được Chính phủ, Quốc hội lắng nghe, bởi lực lượng của các tổ chức xã hội hiện nay chủ yếu là những tri thức được đào tạo bài bản.

Tuy vậy, thời gian qua, công tác giám sát của các tổ chức xã hội còn thiếu ứng dụng các công nghệ tiên tiến, kiểm tra định kỳ vẫn thực hiện theo phương thức truyền thống nên không thể kiểm soát hết được tình trạng ô nhiễm. Nước ngầm đang bị khai thác quá mức dẫn tới sự cạn kiệt, nên khi nguồn nước ô nhiễm sẽ chảy thẳng xuống nguồn nước ngầm, dẫn đến xâm nhập mặn, sụt lún ở nhiều nơi. Do đó, VRN khuyến cáo sử dụng nguồn nước mặn để xử lý và cung cấp cho người dân, phải đổi mới, kiểm soát chặt chẽ nguồn nước ngầm hiện nay. Đặc biệt, cần huy động các tổ chức xã hội cùng tham gia nhằm bảo đảm hiệu quả giám sát, chất lượng các dòng sông, cũng như nguồn nước.

Luật còn thiếu hướng dẫn cụ thể

Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức xã hội tham gia, Tiến sỹ Đào Trọng Tứ cho rằng, thời gian tới cần có quy định về vai trò của cộng đồng, các tổ chức xã hội cũng như trách nhiệm các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương trong việc tham vấn, cũng như giám sát của cộng đồng và các tổ chức xã hội trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường và quản trị tài nguyên nước. Đồng thời, cần hợp tác chặt chẽ với Mạng lưới Môi trường và biến đổi khí hậu để kết nối và thúc đẩy sự tham gia của các Hội, Liên hiệp Hội ở các tỉnh trong quản trị tài nguyên nước; tổ chức các diễn đàn, đối thoại để các tổ chức xã hội và cộng đồng được tham gia chia sẻ ý kiến, đối thoại với các nhà quản lý, cũng như các tổ chức quốc tế trong các sáng kiến quản lý, bảo vệ nguồn nước; cải thiện các chính sách liên quan đến các tổ chức xã hội, nâng cao năng lực bộ máy hành chính, các tổ chức phụ nữ ở cộng đồng trong quản trị nước có sự tham gia và chọn lựa các mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đồng tình với ý kiến trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai cho rằng: Cần chú trọng tới 3 vấn đề chính, trước hết là địa vị pháp lý và năng lực của tổ chức xã hội cùng trợ giúp với người dân đưa các ý kiến lên cơ quan chức năng; kế tiếp là các chính sách khuyến khích, hướng dẫn cụ thể để các quy định của luật đi vào thực thi thuận lợi. Cuối cùng là nguồn lực để thực hiện, bởi thực tế hiện nay các tổ chức xã hội đang có nguồn lực tài trợ từ nước ngoài và hoạt động rất tốt, nhưng không thể mãi trông vào nguồn lực đó mà còn cần huy động cả nguồn lực trong nước.

Bài cuối: Nâng cao trách nhiệm, nhận thức cộng đồng

Diệu Thúy (TTXVN)
Quy hoạch tài nguyên nước phải đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia
Quy hoạch tài nguyên nước phải đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tại Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 4 tháng 12 năm 2019, theo đó, giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường lập quy hoạch này. Theo quy định của Luật Quy hoạch, thời hạn thực hiện lập quy hoạch trong thời gian 24 tháng kể từ ngày Nhiệm vụ được phê duyệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN