Như vậy, hiện nay các phương tiện qua lại hai đường hầm Hải Vân đã trở lại bình thường sau khi đơn vị quản lý hầm khẩn trương huy động nhân lực, phương tiện khắc phục sự cố lũ quét xảy ra tại cửa hầm phía Nam ở thành phố Đà Nẵng.
Theo đó, Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả đã huy động 3 máy đào lớn, 2 máy xúc đào liên hợp, 10 xe tải ben, 1 máy san, 3 xe tưới nước cùng nhiều công dụng cụ khác để tiến hành xử lý gần 60.000m3 đất, đá từ trên núi Hải Vân theo dòng nước lũ đổ xuống. Thời gian tới, đơn vị quản lý hầm tiếp tục khôi phục lại các biển báo, kiot trực gác, khắc phục mặt đường bị hư hỏng, một số vị trí sạt lở taluy dương, hệ thống đèn chiếu sáng…
Trước đó, khoảng 20 giờ 30 phút ngày 14/10, phía cửa hầm Hải Vân ở thành phố Đà Nẵng nước đã dâng lên khoảng 0,5m tại khu vực bùng binh nút giao Tạ Quang Bửu và đường dẫn phía Nam hầm. Sau đó chỉ 10 phút, đã xuất hiện lũ quét tràn từ đỉnh núi Hải Vân đổ về phía trước quảng trường cửa hầm và ở đường dẫn cầu số 1, số 2 với dòng chảy lớn, rất nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông. Xí nghiệp vận hành hầm Hải Vân đã quyết định tạm thời đóng cửa hầm Hải Vân để đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Ngay sau khi nước rút, mưa giảm, Xí nghiệp vận hành hầm Hải Vân đã tập trung toàn bộ ca trực và tăng cường xe xúc, xử lý thu gom đất đá trên làn đường dẫn hầm Hải Vân 2 để ưu tiên thông xe. Khoảng hơn 6 giờ, ngày 15/10, hầm Hải Vân 2 đã được thông xe theo phương án từng hướng lưu thông. Xí nghiệp đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, cảnh sát giao thông điều tiết giao thông tại hầm Hải Vân 2.
Hầm Hải Vân có hai đường hầm, với chiều dài hơn 6km, kết nối giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng. Đây là công trình hầm đường bộ dài nhất khu vực Đông Nam Á.
Do ảnh hưởng của bão số 5 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, trong ngày 14/10 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, thành phố Đà Nẵng và một số tỉnh miền Trung đã xảy ra mưa lớn trên diện rộng và ngập lụt ở nhiều nơi.