Thống nhất bộ máy để thực hiện hiệu quả mục tiêu dân số và phát triển

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình Việt Nam trong hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển của đất nước.

Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã trở thành một nội dung quan trọng trong chương trình hoạt động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và tổ chức xã hội. Công tác dân số cần được sự đầu tư xứng đáng và có một mô hình thống nhất, ổn định để thực hiện hiệu quả hơn các mục tiêu dân số và phát triển.

Bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước

Chú thích ảnh
Huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định triển khai cung cấp dịch vụ, tư vấn về chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em/kế hoạch hoá gia đình, phương tiện tránh thai cho những người làm việc trên biển, nghề biển. Ảnh tư liệu: Dương Ngọc/TTXVN

Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình được hình thành từ năm 1961, tiền thân là “Ban chỉ đạo hướng dẫn sinh đẻ có kế hoạch” do Thủ tướng làm Trưởng ban kiêm nhiệm; từng có giai đoạn dài là cơ quan thuộc Chính phủ (1984-1991). Đặc biệt giai đoạn 1991 – 2007, khi là cơ quan ngang Bộ trực thuộc Chính phủ, công tác dân số được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả nhất.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Đại học Kinh tế quốc dân, từ năm 1961 đến nay, nước ta đã thay đổi tổ chức bộ máy làm công tác dân số 9 lần, trong đó, mô hình hiệu quả nhất là mô hình Ủy ban quốc gia Dân số - Kế hoạch hóa gia đình do một Bộ trưởng làm Chủ nhiệm Ủy ban. Đặc biệt, sau Nghị quyết số 04 - NQ/HNTW của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VII) về chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình (năm 1993), mô hình Ủy ban quốc gia Dân số - Kế hoạch hóa gia đình được tổ chức với kết cấu chặt chẽ từ Trung ương đến thôn, xóm, bản làng và thống nhất trên toàn quốc; là cơ quan độc lập; chuyên môn, chuyên trách làm công tác dân số đã đem lại hiệu quả cao nhất, thể hiện qua kết quả giảm mức sinh.

Giai đoạn 1979-1989, tỷ suất sinh thô chỉ giảm được gần 2,4 phần nghìn thì 10 năm, thì giai đoạn 1992-2002, chỉ tiêu này đã giảm tới 11,8 phần nghìn. Tương tự, số con trung bình của một phụ nữ trong giai đoạn 1992-2002 cũng giảm kỷ lục: Từ 3,9 xuống 2,28 con - sát mức sinh thay thế, góp phần quyết định đạt mục tiêu giảm sinh mà Nghị quyết 04-NQ/HNTW đề ra sớm 10 năm và chấm dứt thời kỳ dài liên tiếp không đạt mục tiêu về dân số do Đại hội Đảng khóa IV-V-VI đề ra. Nhờ thành công này, năm 1999, Liên hợp quốc đã trao Giải thưởng Quốc tế về Dân số cho Việt Nam. Thành tựu giảm sinh đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội, đảm bảo phát triển bền vững đất nước.

Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt với công tác dân số. Nghị quyết số 04 - NQ/HNTW ngày 14/1/1993 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình xác định: “Công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là một trong những vấn đề kinh tế - xã hội hàng đầu của nước ta, là một yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và của toàn xã hội”.

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về công tác dân số trong tình hình mới, tiếp tục khẳng định: “Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân”. Chính vì vậy, tất cả các Đại hội của Đảng, từ Đại hội IV đến Đại hội XIII đều đề ra chủ trương và mục tiêu cho công tác dân số.

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ sáu, khóa XII khi đề cập tới công tác dân số, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh: “Đây là vấn đề rất lớn và khó, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, liên quan đến việc bảo vệ, phát triển giống nòi, quốc gia, dân tộc”.

Cần duy trì bộ máy làm công tác dân số thống nhất

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe và tư vấn dinh dưỡng trẻ em cho đồng bào dân tộc xã Trọng Hóa, huyện miền núi Minh Hóa (Quảng Bình). Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Đại học Kinh tế quốc dân, sau Nghị quyết số 19 NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, tổ chức bộ máy làm công tác dân số lại một lần thay đổi. Các Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình được đưa về thành một phòng hoặc khoa của Trung tâm Y tế huyện. Tuy nhiên hiện nay, mô hình tổ chức bộ máy dân số không có sự thống nhất trên toàn quốc, thậm chí không thống nhất ngay trong một tỉnh. Nguồn nhân lực dân số, đặc biệt ở cấp huyện bị suy giảm nghiêm trọng về số lượng; đôi khi biên chế thuộc phòng dân số cấp huyện nhưng lại đi thực hiện nhiệm vụ khác của Trung tâm Y tế cấp huyện. Nhiều huyện, phòng dân số cấp huyện chỉ có 1-3 người, trong khi trước đây là 7 người.

“Nhân lực giảm, công việc bị thay đổi, tôi lo lắng cho việc thực hiện Nghị quyết 21 NQ/TW với 6 nhóm mục tiêu, nhiều hơn, vĩ đại hơn so với Nghị quyết 04 - NQ/HNTW nhưng tổ chức bộ máy lại không ổn định, yếu hơn rất nhiều. Tại nhiều cơ sở đều có sự phản ánh bộ máy không hiệu quả, thậm chí tê liệt”, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cử chia sẻ.

Trước đây chỉ với một mục tiêu giảm sinh, nước ta có Ủy ban Quốc gia Dân số - Kế hoạch hóa gia đình - cơ quan thuộc Chính phủ; Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em - cơ quan ngang bộ. Hiện nay với chính sách dân số mới, bao gồm nhiều nhóm mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp mới, cần có sự chỉ đạo tập trung, thống nhất, quyết liệt từ cơ quan Trung ương nên nhiều chuyên gia cho rằng, việc duy trì Tổng cục Dân số với tổ chức bộ máy thống nhất càng cần thiết. Hơn nữa, Nghị quyết số 21-NQ/TW nhấn mạnh quan điểm, tổ chức bộ máy làm công tác dân số phải “phù hợp với trọng tâm công tác dân số trong từng thời kỳ” mà trọng tâm trong thời kỳ này là  “chuyển sang dân số và phát triển”.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không duy trì mô hình Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình không chỉ là sự thay đổi cơ học mà còn ảnh hưởng lớn về nhiều mặt, đặc biệt là tác động mạnh mẽ đến nhận thức về công tác dân số của hệ thống cấp ủy, chính quyền và nhân dân; khó khăn trong việc điều phối, phối hợp liên ngành. Đồng thời, hạn chế sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự quản lý, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ; ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân số…

Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình không được duy trì sẽ dẫn đến suy yếu trong hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác dân số, gây tâm lý lo lắng cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số cả nước; khó khăn trong việc hoàn thành các mục tiêu của công tác dân số trong tình hình mới được đề ra tại Nghị quyết số 21-NQ/TW và Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030.

Bên cạnh đó, không có bộ máy tổ chức đủ mạnh để giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, phân bố, mức sinh chênh lệch giữa các vùng, đối tượng; các giải pháp đồng bộ để phát huy lợi thế dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số. Điều này sẽ tạo ra những thách thức không nhỏ cho phát triển kinh tế - xã hội,  từ đó để lại những hệ lụy lâu dài cho sự phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc.

Hiện nay, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đang là thành viên Tổ chức Các đối tác về Dân số và Phát triển PPD (liên chính phủ); thành viên Trung tâm Già hoá Năng động và Sáng tạo ASEAN - ACAI (liên chính phủ với 10 thành viên quốc gia ASEAN… Việc không duy trì mô hình Tổng cục sẽ ảnh hưởng đến vị thế, vai trò của Việt Nam trong lĩnh vực dân số và phát triển tại các tổ chức này cũng như trong khu vực và quốc tế.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cử cho rằng, Nghị quyết 21-NQ/TW với 6 nhóm mục tiêu, nhiều hơn hơn so với Nghị quyết 04 - NQ/HNTW chỉ có một mục tiêu giảm sinh. Điều này giống như chúng ta phải thực hiện một “cuộc cách mạng” trong lĩnh vực dân số, do đó cần củng cố, ổn định, tăng cường tổ chức bộ máy làm công tác dân số để làm sao thực hiện được mục tiêu dân số và phát triển. Nếu không có sự đầu tư xứng đáng cho công tác dân số và tổ chức bộ máy làm công tác dân số tốt thì chính sách tốt đến đâu cũng khó đi vào cuộc sống.

Minh Huệ (TTXVN)
Công tác dân số góp phần phát triển nhanh, bền vững đất nước
Công tác dân số góp phần phát triển nhanh, bền vững đất nước

Trong hơn 60 năm qua, công tác dân số đã trải qua tiến trình từ giảm sinh đến đạt và duy trì mức sinh thay thế. Thành tựu này góp phần quan trọng vào thúc đẩy sự tiến bộ trên nhiều mặt của nước ta cũng như khẳng định vai trò to lớn của công tác dân số đối với công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN