Ngày 19/6, thi thể anh Văn Công Than (33 tuổi, trú tại Đồng Tháp), thi thể cuối cùng còn kẹt lại trong vụ 4 thợ lặn tử vong do hít phải khí độc trong lúc tham gia trục vớt tàu đắm tại Thừa Thiên - Huế đã được đưa ra ngoài.
Chiếc tàu bị nạn - nơi bốn thợ lặn bị chết do hít phải khí độc, đã bị phong tỏa. Ảnh: nld.com.vn |
Đại tá Phạm Văn Đức - Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Công an tỉnh đã phong tỏa hiện trường, đình chỉ hoạt động trục vớt tàu gặp nạn và di tản toàn bộ công nhân, thủy thủ ra khỏi khu vực trên; đồng thời đề nghị chính quyền địa phương và Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế gắn các biển báo xung quanh chiếc tàu gặp nạn để hạn chế mọi tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
"Nguyên nhân gây tử vong cho các thợ lặn được xác định ban đầu là do chết ngạt do không mặc bảo hộ lúc hoạt động trục vớt; còn việc có khí độc hay không và khí độc loại gì thì chúng tôi đang lấy mẫu gửi đi Hà Nội để xét nghiệm, khi có kết quả mới tính đến phương án xử lý". Đại tá Phạm Văn Đức cho biết như vậy.
Đây là chiếc tàu chở dầu Onnekas One của Malaysia khi đang trên đường được lai dắt đến Hải Nam (Trung Quốc) sửa chữa thì gặp sóng to, đứt dây cáp nên tàu đã bị gãy đôi; phần thân tàu trôi dạt vào vùng biển thuộc thôn An Lộc, xã Quảng Công, huyện Quảng Ðiền; còn lại mũi tàu trôi dạt vào bờ biển thuộc thôn 6, xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang vào cuối tháng 12/2012.
Được biết, chủ tàu đã thuê Công ty TNHH MTV Ðóng tàu và Công nghệ hàng hải Sài Gòn trục vớt, nhưng đơn vị này lại thuê Công ty TNHH Trục vớt Bến Lức thực hiện nhưng đang tiến hành thì gặp sự cố...
Quốc Việt