Đổi mới sáng tạo trong học tập và khởi nghiệp
Nằm trong top 30 người có tầm ảnh hưởng tích cực đến thế hệ trẻ Việt Nam năm 2020 do Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn, bạn Nguyễn Văn An - đồng sáng lập và Chủ tịch Công ty cổ phần Sách và Hành động đề nghị Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn chia sẻ những việc Đoàn thanh niên sẽ triển khai để hỗ trợ học sinh, sinh viên trên con đường chinh phục đỉnh cao tri thức, nhất là việc đổi mới sáng tạo trong học tập và khởi nghiệp.
Trả lời câu hỏi này, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết, với các hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học, thời gian qua các cấp bộ Đoàn, Hội triển khai đa dạng, hiệu quả. Toàn Đoàn đã chú trọng tham gia xây dựng môi trường thuận lợi để khuyến khích, phát huy đoàn viên, thanh niên đề xuất các sáng kiến, sáng tạo trong đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng học tập, nghiên cứu và tập sự nghiên cứu khoa học.
Nhiều công trình nghiên cứu khoa học, hội nghị, hội thảo khoa học cho thanh niên, sinh viên, giảng viên trẻ được thực hiện với kết quả cao và ứng dụng trong thực tiễn. Trong thời gian tới, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tham gia xây dựng xã hội học tập thông qua việc thực hiện hiệu quả Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030. Triển khai hiệu quả và tôn vinh học sinh - sinh viên, giáo viên, giảng viên trẻ qua các danh hiệu sinh viên 5 tốt, học sinh 3 tốt, học sinh 3 rèn luyện, hhà giáo trẻ tiêu biểu… Tích cực nhân rộng các mô hình, hoạt động hỗ trợ học sinh sinh viên, giáo viên, giảng viên trẻ học tập, nghiên cứu khoa học. Tăng cường ứng dụng công nghệ số và dạy học trực tuyến; xây dựng kênh thông tin chia sẻ học liệu mở dùng chung cho học sinh, sinh viên. Phát triển các quỹ, học bổng, giải thưởng về học tập, nghiên cứu khoa học...
Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết, với lĩnh vực khởi nghiệp, các hoạt động của Đoàn trong đồng hành với thanh niên khởi nghiệp có nhiều hiệu quả, thiết thực.
Các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp được triển khai đồng bộ, đều khắp từ Trung ương đến cơ sở với nhiều hình thức đa dạng, thu hút được đông đảo thanh niên, trong đó có học sinh, sinh viên tham gia. Tiêu biểu như tổ chức Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp các năm 2018 đến 2020; hành trình “Thanh niên khởi nghiệp sáng tạo” các năm 2019 và 2020; cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo Startup Hunt các năm 2019 và 2020; Talkshow “Chắp cánh ước mơ khởi nghiệp” cho học sinh sinh viên năm 2020 và 2021…
Bên cạnh đó, các hoạt động đào tạo, tập huấn, cung cấp kiến thức cho thanh niên, học sinh, sinh viên khởi nghiệp được Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Sinh viên tích cực triển khai tạo điều kiện để sinh viên giao lưu, học hỏi, trau dồi kiến thức về khởi nghiệp. Bên cạnh đó, một số đơn vị đã có sự chủ động trong tiếp cận và phối hợp với các ngành, các doanh nghiệp triển khai các chương trình, đề án, cuộc thi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
Trong thời gian tới, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tiếp tục nghiên cứu, xây dựng quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp theo phương thức xã hội hóa; vận động, kết nối các nguồn vốn xã hội hóa để hỗ trợ trực tiếp cho các dự án khởi nghiệp tiềm năng của thanh niên, sinh viên thông qua các chương trình, hoạt động của các cấp bộ Đoàn.
Là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021, anh Hồ Xuân Vinh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu, Uỷ viên Hội liên hiệp thanh niên huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đặt câu hỏi là trong thời gian sắp tới, Đoàn các cấp có chính sách cụ thể gì để hỗ trợ thanh niên nông thôn tiếp cận 4.0 trong lập nghiệp, khởi nghiệp tại địa bàn nông thôn để tăng giá trị nông sản Việt Nam?
Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn cho biết, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng xét tặng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, anh rất ấn tượng với Hồ Xuân Vinh khi đã tốt nghiệp thạc sĩ, có việc làm tốt nhưng vẫn quay về quê hương phát triển sản phẩm từ các phụ phẩm - hướng đi đúng trong phát triển kinh tế xanh.
Anh Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ về câu chuyện đi thăm mô hình nuôi cá rô phi tại Hải Dương và nhận định, đây là mô hình nuôi “sông trong ao” nên chất lượng kinh tế rất cao, giá thành xuất khẩu là 5,8 USD/kg phi lê, nuôi dễ hơn cá tra; chưa kể phần phụ phẩm được chế biến thành nano canxi, nước lẩu, vẩy được chế biến thành snack cho thú cưng xuất khẩu đi châu Âu. Như vậy, chỉ 1 kg cá rô phi mang lại kinh tế 260.000 đồng, mỗi con cá 7 kg mang lại gần 2 triệu đồng.
"Tôi muốn kể lại để các bạn thanh niên có thể học hỏi các mô hình này để có ý tưởng tốt hơn thời gian tới. Để chuyển đổi số thành công phải có 3 yếu tố: Số hóa dữ liệu toàn bộ tạo thành dữ liệu lớn; con người số đủ năng lực tham gia quá trình vận hành; thể chế và cơ chế pháp lý", anh Tuấn cho biết.
Hiện nay, Trung ương Đoàn đang số hoá toàn bộ 63 tổ chức đoàn thành viên tại các địa phương. Đầu tháng 4 sẽ trình ký Đề án nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên Việt Nam 2022 - 2030. Nếu không có năng lực số cũng không có năng lực sáng tạo, sẽ không tham gia và vận hành được vào quá trình chuyển đổi số hiệu quả. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có đề án chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp, hình thành các hợp tác xã, cơ sở chế biến sâu, đặc biệt là đào tạo và nâng cao năng lực số cho người nông dân, thanh niên nông thôn muốn tiến lên làm kinh tế nông nghiệp chứ không đơn thuần chỉ sản xuất hàng hoá.
Khẳng định tại buổi đối thoại, anh Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh: "Đừng coi thường các bác anh chị nông dân, như đợt dịch vừa qua rất nhiều người livestream bán hàng, tổ chức homestay thành công... Tôi tin năm 2022 sẽ có bước phát triển nhảy vọt trong chuyển đổi số, trong đó có chuyển đổi số trong nông nghiệp”.
Tiếp tục xây dựng cơ chế, sân chơi để người trẻ cống hiến
Từ Singapore, bạn Nguyễn Thảo Nhi, đại diện Hội Sinh viên Việt Nam tại Singapore đặt câu hỏi tới Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn qua hình thức trực tuyến: "Kính thưa anh, làm thế nào để có thể cổ vũ tinh thần và khát vọng cống hiến của thanh niên Việt Nam đang công tác, học tập tại nước ngoài một cách mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả, thực chất hơn nữa. Ngoài ra, Trung ương Đoàn làm cách nào để ngày càng có nhiều bạn thanh niên, sinh viên về nước làm việc để cống hiến trực tiếp nhiều hơn cho Tổ quốc?".
Anh Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Cách đây 12 năm, trong chương trình đối thoại với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có 1 câu hỏi tương tự như thế này. Khi đó đồng chí Nguyễn Minh Triết cho biết, Đảng, Nhà nước cũng có rất nhiều chính sách để tạo điều kiện cho các bạn thanh niên, sinh viên về nước làm việc để cống hiến trực tiếp nhiều hơn cho Tổ quốc. Theo tôi, khi bạn đã có tinh thần và khát vọng cống hiến thì dù bạn ở đâu cũng có thể cống hiến. Hiện Trung ương Đoàn có tới 21 tổ chức đoàn tại nước ngoài, mạng lưới tri thức trẻ sinh viên toàn cầu lên tới 10.000 người. Đây là những cơ chế quan trọng để chúng tôi chia sẻ tình hình thanh niên trong nước với nước ngoài, đồng thời tiếp nhận những đóng góp của các bạn trẻ nước ngoài cho tổ chức đoàn trong nước”.
Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn dẫn chứng, từ năm 2018, Trung ương Đoàn cùng các đơn vị liên quan đã tổ chức thường niên Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu với mong muốn để các trí thức trẻ đang học tập, sinh sống và làm việc ở trong và ngoài nước thảo luận về tầm nhìn, sứ mệnh, vai trò và khả năng đóng góp của đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam trong công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam với khu vực và toàn cầu.
Đồng thời, Trung ương Đoàn cũng đề xuất các cơ chế phát huy người tài một cách thiết thực, hiệu quả nhằm khuyến khích trí thức trẻ Việt Nam chủ động, nỗ lực cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp đổi mới sáng tạo của đất nước; đề xuất các sáng kiến, giải pháp, đóng góp cho Đảng, Nhà nước trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tạo kênh tham vấn để Chính phủ và các cơ quan chức năng đặt hàng trí thức trẻ về các vấn đề cần thiết cho sự phát triển đất nước.
"Diễn đàn tri thức trẻ toàn cầu là nơi các bạn có thể đóng góp, kết nối chuyển giao các đề án, đề tài, ý tưởng của các bạn trẻ nước ngoài cho các cơ quan trong nước. Chúng tôi cũng đã đề xuất thành lập các nhóm nghiên cứu chuyên sâu về: Khoa học vũ trụ, Y sinh, Chuyển đổi số, Khoa học con người. Đây là những lĩnh vực mũi nhọn cần sự đóng góp của tất cả các bạn đoàn viên, thanh niên trong và ngoài nước. Hiện việc quản lý diễn đàn Tri thức trẻ toàn cầu đã được giao cho các bạn trẻ và đạt được rất nhiều thành tựu. Nhiều bạn trẻ ở nước ngoài đã có thể cống hiến, đề xuất ý kiến cho Trung ương đoàn tạo niên nhiều thành tựu.
“Quan điểm chung của Đảng, Nhà nước luôn khuyến khích các bạn đóng góp cho quốc gia dù là ở trong và ngoài nước, không chỉ những bạn du học sinh, nghiên cứu sinh Việt Nam. Tôi hứa sẽ xây dựng những cơ chế, những sân chơi cho các bạn trẻ để tiếp tục cống hiến cho Tổ quốc”, anh Nguyễn Anh Tuấn nói.
Chia sẻ về việc từng đi du học, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn cho rằng, tôi thấy rằng không nên ngồi chờ thay đổi cơ chế, thay đổi chính sách mới về nước làm việc mà hãy lên nói lên tiếng nói của mình để đóng góp, để xây dựng cơ chế mới phù hợp với nhu cầu của bản thân, hay có thể ở nước ngoài mà vẫn đóng góp cho các cơ quan trong nước.
Trong thời gian tới, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các bộ ngành có liên quan như Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao tham mưu với Chính phủ về các chính sách thu hút nguồn nhân lực trẻ Việt Nam ở nước ngoài, cụ thể hóa các quy định trong Luật Thanh niên năm 2020 về chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài, chính sách đối với thanh niên có tài năng ở trong và ngoài nước; nghiên cứu đề xuất cổng thông tin dữ liệu về việc làm dành cho thanh niên Việt Nam ở ngoài nước có nhu cầu trở về nước công tác, làm việc; đồng thời hỗ trợ các bạn trong việc kết nối, cung cấp các thông tin cần thiết cho các bạn sinh viên ngoài nước có nhu cầu được trở về nước và cống hiến, đóng góp sức trẻ, trí tuệ của mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo tổng hợp của Ban tổ chức, số điểm cầu trong và ngoài nước trực tiếp kết nối buổi đối thoại là 11.300 điểm cầu, trong đó có 18 điểm cầu quốc tế tại các tổ chức Đoàn, Hội ngoài nước. Số đoàn viên, thanh niên theo dõi trực tiếp tại các điểm cầu là 1.356.282 cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh thiếu nhi Tổng số lượt tiếp cận và tương tác thông qua livestream là 9.578.379 lượt tiếp cận.
Tại buổi đối thoại, đồng chí Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn và các đồng chí trong Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã trả lời câu hỏi trực tiếp và các câu hỏi được tổng hợp trước.
Những câu hỏi chưa được trả lời trong buổi đối thoại được trả lời trên website http://doanthanhnien.vn và các nền tảng số của Đoàn, chương trình được phát sóng trực tiếp tại các trang cộng đồng facebook, youtube, tiktok và báo điện tử; đồng thời được chia sẻ trên các trang mạng xã hội của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam, Hội đồng Đội Trung ương và các trang cộng đồng của Đoàn từ cấp tỉnh tới cơ sở.