Hiện trường mỏ đá núi đá Bền (xã Vĩnh Minh, huyện Vĩnh Lộc). Ảnh: Hoa Mai/TTXVN |
Ngày 7/9, tại xã Vĩnh Minh, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa), Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền và đoàn công tác đã làm việc với xã Vĩnh Minh và huyện Vĩnh Lộc cùng 2/6 đơn vị đang khai thác đá tại xã Vĩnh Minh là Công ty Cổ phần Đầu tư AMD và Hợp tác xã Khai thác, chế biến đá Vĩnh Minh để tìm hướng giải quyết việc nổ mìn khai thác đá làm ảnh hưởng đến đời sống người dân và an ninh trật tự trên địa bàn thời gian qua.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền yêu cầu: Từ ngày 7/9, Công ty Cổ phần Đầu tư AMD và Hợp tác xã khai thác, chế biến đá Vĩnh Minh tạm dừng việc nổ mìn và xây dựng lại phương án nổ mìn để Sở Công thương tỉnh Thanh Hóa xem xét, thẩm định. Sau khi có văn bản thẩm định của Sở Công thương tỉnh, hai đơn vị này mới được tiếp tục tiến hành nổ mìn khai thác đá dưới sự giám sát của UBND xã Vĩnh Minh, UBND huyện Vĩnh Lộc. Nếu thực hiện không đúng phương án nổ mìn, UBND xã Vĩnh Minh hoặc UBND huyện Vĩnh Lộc có quyền đình chỉ việc khai thác để đảm bảo an toàn, tính mạng và tài sản nhân dân.
Tại buổi làm việc, Công ty Cổ phần Đầu tư AMD và Hợp tác xã Khai thác, chế biến đá Vĩnh Minh đã có những giải trình, kiến nghị: UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép Hợp tác xã Khai thác, chế biến đá Vĩnh Minh được khai thác, chế biến đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường và đá ốp lát tại xã Vĩnh Minh từ tháng 8/2014 với diện tích mỏ là 30.334m2, trong đó diện tích khu vực khai thác là 24.632m2, khu vực khai trường là 5.702m2, khai thác trong vòng 20 năm, 2 tháng. Tuy nhiên, sau 3 năm đi vào khai thác, trữ lượng đá đã gần hết, Hợp tác xã Khai thác, chế biến đá Vĩnh Minh muốn xin phép được mở rộng diện tích khai thác.
Còn Công ty Cổ phần Đầu tư AMD được cho phép khai thác khoáng sản tại mỏ đá núi Bền làm vật liệu xây dựng từ tháng 10/2016, với tổng diện tích 76.380 m2, trong đó diện tích khu vực khai thác là 60.000 m2, còn lại là diện tích khu vực khai trường. Hiện Công ty Cổ phần Đầu tư AMD đang sử dụng công nghệ khai thác hiện đại, đó là phương pháp khai thác đá bằng máy cắt dây kim cương, không dùng phương pháp nổ mìn, không gây ảnh hưởng đến môi trường. Việc nổ mìn của Công ty Cổ phần Đầu tư AMD thời gian qua, để phục vụ việc làm đường dẫn từ chân núi lên đỉnh núi và tạo mặt bằng bằng phẳng trên đỉnh núi, thuận tiện cho việc dùng máy cắt dây kim cương, khai thác đá và đưa đá xuống đất. Để xảy ra sự việc nổ mìn khiến người dân xã Vĩnh Minh tụ tập đông người phản đối, phía Công ty Cổ phần Đầu tư AMD không mong muốn và đã phối hợp với chính quyền địa phương để giải quyết kịp thời. Công ty cũng mong muốn UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép mở rộng diện tích khai thác trong thời gian tới.
Điều đáng nói là khu vực khai thác đá của Công ty Cổ phần Đầu tư AMD và Hợp tác xã Khai thác, chế biến đá Vĩnh Minh giáp ranh với nhau, diện tích mỏ đá phía trên là của Công ty Cổ phần Đầu tư AMD nhưng diện tích khai trường ở phía dưới lại của Hợp tác xã Khai thác, chế biến đá Vĩnh Minh. Vì vậy, Công ty Cổ phần Đầu tư AMD đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Vĩnh Lộc nhanh chóng cắm mốc giới để hạn chế việc hiểu nhầm giữa hai bên. Trước đó, phía Công ty Cổ phần Đầu tư AMD và Hợp tác xã Khai thác, chế biến đá Vĩnh Minh cũng đã có những buổi làm việc về việc di chuyển khu xưởng sản xuất của Hợp tác xã Khai thác, chế biến đá Vĩnh Minh ra vị trí khác, nhưng hai bên chưa đạt được sự đồng thuận nhất định.
Đỉnh điểm của mâu thuẫn xảy ra vào chiều tối 23/8, với việc Công ty Cổ phần Đầu tư AMD nổ mìn tại khu vực núi đá Bền (thuộc địa bàn xóm 9, xã Vĩnh Minh) làm một lượng lớn khói bụi lan tỏa toàn bộ khu dân cư xóm 9, ảnh hưởng đến môi trường và bữa ăn chiều của người dân. Việc nổ mìn của Công ty Cổ phần Đầu tư AMD trên đỉnh núi đá Bền cũng làm ảnh hưởng đến xưởng sản xuất của Hợp tác xã Khai thác, chế biến đá Vĩnh Minh phía dưới chân núi. Sự việc này đã gây bức xúc trong nhân dân xã Vĩnh Minh dẫn đến việc tụ tập đông người vào chiều tối 23/8 và ngày 24/8 để phản đối Công ty Cổ phần Đầu tư AMD.
Theo báo cáo của UBND huyện Vĩnh Lộc, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa, hiện nay tại khu vực mỏ đá núi Bền có 6 đơn vị được cấp phép khai thác đá và 5 đơn vị khác đang lập hồ sơ xin khai thác đá tại khu vực này. Trước đó, ngày 12/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bàn giao phần còn lại của mỏ đá núi Bền (diện tích 48,5 ha) thuộc Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020 về UBND tỉnh Thanh Hóa quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo đúng quy định của Luật khoáng sản, đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền khẳng định: Thanh Hóa đã xây dựng lộ trình xem xét đưa 35/48,5 ha của mỏ đá núi Bền vào khai thác nhưng chỉ xem xét cấp phép khai thác mở rộng hoặc cấp phép khai thác mới cho những doanh nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại để đáp ứng nhu cầu chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng; 13,5 ha còn lại do liên quan đến di tích Kim Sơn (xã Vĩnh An) tỉnh chưa cấp phép. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các doanh nghiệp có ý định đầu tư khai thác đá tại Thanh Hóa nói chung, tại mỏ núi đá Bền nói riêng phải lập dự án đầu tư trình UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét năng lực tài chính cũng như công nghệ. Các doanh nghiệp đã được cấp phép muốn xin mở rộng diện tích khai thác phải chứng minh được mở rộng để đầu tư khai thác công nghệ mới. Tới đây, Thanh Hóa sẽ rà soát lại những doanh nghiệp đã được cấp phép khai thác mỏ đá nhưng không đầu tư khai thác, chế biến mà đem giao bán, cho thuê mỏ...
Ông Nguyễn Đức Quyền cũng yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu tư AMD và Hợp tác xã Khai thác, chế biến đá Vĩnh Minh nhanh chóng giải quyết các bất đồng liên quan… Nếu không hợp tác được, giải quyết theo phương án Hợp tác xã Khai thác, chế biến đá Vĩnh Minh di chuyển xưởng sản xuất dưới chân núi ra một vị trí khác, để tạo điều kiện cho việc làm đường lên đỉnh núi của Công ty Cổ phần Đầu tư AMD; đồng thời, phía Công ty Cổ phần Đầu tư AMD có những đền bù hợp lý cho Hợp tác xã Khai thác, chế biến đá Vĩnh Minh.
Trước đó, sáng 7/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền và đoàn công tác đã đến thị sát mỏ khai thác đá của Công ty Cổ phần Phú Thắng (chi nhánh số 3) và dây chuyền khai thác, sản xuất đá của Công ty Cổ phần Đầu tư AMD đóng trên địa bàn xã Yên Lâm, huyện Yên Định (Thanh Hóa).