Ngày 30/6, Bộ TTTT tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Trong 6 tháng, doanh thu toàn ngành TTTT ước đạt hơn 1,6 triệu tỷ đồng, giảm 8,66% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 39,6% so với kế hoạch năm 2023. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 45.405 tỷ đồng, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 43,66% so với kế hoạch năm 2023.
Đóng góp của ngành TTTT vào GDP ước đạt 389.792 tỷ đồng, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 41,24% so với kế hoạch năm 2023. Việc sụt giảm doanh thu là từ mảng công nghiệp ICT. Tổng số lao động toàn ngành tính đến tháng 6/2023 ước khoảng 1.512.144 lao động, tăng 1,96% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, doanh thu dịch vụ bưu chính ước đạt 27.477 tỷ đồng, tăng 5,48% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 43,78% kế hoạch năm 2023; nộp ngân sách ước đạt 2.970 tỷ đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 50,34% kế hoạch năm 2023. Tổng sản lượng bưu gửi trong 6 tháng ước đạt 1.098 triệu bưu gửi, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 45,74% kế hoạch năm 2023.
Với lĩnh vực viễn thông, doanh thu dịch vụ viễn thông ước đạt 74.473 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 53% kế hoạch năm 2023; nộp ngân sách ước đạt 19.338 tỷ đồng, giảm 18,56% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 39,47% kế hoạch năm 2023.
Tuy nhiên, riêng trong lĩnh vực công nghiệp ICT (thông tin truyền thông), doanh thu ước đạt hơn 1,44 triệu tỷ đồng, giảm 10,35% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 38,87% kế hoạch năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt 51,51 tỷ USD, giảm 9,56% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 37,88% kế hoạch năm 2023. Theo thống kê, số doanh nghiệp công nghệ số cả nước đến nay đạt khoảng 72.000 doanh nghiệp, tăng 6,70% so với cùng kỳ năm 2022.
Phân tích về nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm doanh thu trong lĩnh vực này, Bộ TTTT cho rằng trong 5 tháng đầu năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế ở nhiều nước chưa có dấu hiệu phục hồi, thị trường tiêu dùng công nghệ thông tin giảm sút, khả năng tăng trưởng thấp do tác động cộng hưởng của xung đột giữa Nga và Ukraine và ảnh hưởng của hậu đại dịch COVID-19.
Điều này tác động trực tiếp đến thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam nói chung và sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin nói riêng, các đơn hàng xuất khẩu công nghệ thông tin của Việt Nam sụt giảm.
Do đó, về lĩnh vực bưu chính, Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Đức Long cho biết, cơ quan quản lý đã nhận diện các vấn đề nóng của thị trường bưu chính để từng bước xử lý, cụ thể là các vấn đề: doanh nghiệp (DN) bưu chính nhận nhượng quyền; nhiều DN xin cấp phép; cạnh tranh không lành mạnh. Bộ TTTT cũng đã chấn chỉnh các DN bưu chính, thu hồi 20 giấy phép bưu chính.
Trong khi đó, đối với lĩnh vực viễn thông, Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Đức Long nhấn mạnh: “Hạ tầng số rất quan trọng nên trong năm nay, Bộ TTTT chỉ đạo tập trung quy hoạch hạ tầng. Bộ TTTT cũng thúc đẩy hoàn thiện việc xây dựng Luật Viễn thông (sửa đổi) bổ sung các nội dung về trung tâm dữ liệu, dịch vụ OTT (dịch vụ internet xuyên biên giới), điện toán đám mây để trình Quốc hội vào tháng 10/2023”.
Cũng theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, trong lĩnh vực viễn thông còn một số vấn đề tồn tại cần giải quyết như số khách hàng sở hữu nhiều SIM, các cuộc gọi lừa đảo. Bộ TTTT cũng triển khai đấu giá thành công tần số để triển khai 5G trong 6 tháng cuối năm; xoá lõm sóng theo chỉ đạo của Thủ tướng ở đâu có điện ở đó có sóng viễn thông. Thời gian qua, đã có hơn 2000 điểm lõm sóng được xoá và còn khoảng 800 điểm sẽ xoá trong năm nay; đảm bảo thông tin thuê bao đúng. 6 tháng cuối năm 2023, sẽ triển khai IPv6 cho 100% Cổng Thông tin điện tử, Cổng dịch vụ công.