Tài xế Taxi thời cạnh tranh: Mất nhiều hơn được

Tài xế taxi là một nghề không dễ dàng, nhất là ở bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của ngành vận tải công cộng hiện thời.

Tài xế taxi là một nghề không dễ dàng, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của ngành vận tải công cộng hiện thời. Các doanh nghiệp taxi, kể cả những doanh nghiệp lớn phải tìm mọi cách để bám trụ trên thương trường, trong đó có cả cách “siết” thu nhập từ tài xế taxi.

Chi phí không tương xứng lợi nhuận


Khác với những gì mọi người vẫn nghĩ, tài xế taxi là một công việc vất vả và thu nhập chỉ ở mức chấp nhận được. Hơn nữa, khó có thể nói thu nhập của họ luôn ở một mức đảm bảo nếu phải phân chia lợi nhuận cùng doanh nghiệp, mà phần hơn thường thuộc về tay hãng taxi. Có thể thấy rõ những “bất công” này ngay khi nhìn vào ba cách để trở thành tài xế taxi cho doanh nghiệp.


Cách thứ nhất, đăng ký xin việc tại một hãng taxi, rồi đặt cọc một khoản tiền (trung bình khoảng 10-15 triệu đồng, tùy vào chính sách mỗi công ty) và làm việc để được hưởng lương tháng. Mặc dù tài xế không cần có một khoản vốn lớn để mua xe nhưng thu nhập từ hình thức này khá thấp. Tùy theo chính sách mà tỉ lệ phân chia doanh thu giữa doanh nghiệp và tài xế có thể là 6:4 (doanh nghiệp nhận 6 phần, tài xế nhận 4 phần) hoặc 5:5…


Tài xế taxi là một công việc vất vả và thu nhập chỉ ở mức chấp nhận được


Dù vậy, các tài xế sẽ phải làm việc phải tự bỏ tiền túi để trang trải nhiều chi phí từ tiền nhiên liệu, chi phí vệ sinh xe, đóng phạt và còn phải đối mặt với nhiều rủi ro, nguy cơ hỏng hóc khác. Đó là chưa kể đến áp lực khi bị bắt chạy đua doanh số tháng để không bị phạt, hay phải chịu giờ làm việc khắc nghiệt từ sáng sớm đến đêm khuya, thậm chí phải chạy suốt 24 tiếng trong ngày để đủ chỉ tiêu. Khoản tiền đặt cọc ban đầu thường chỉ được trả lại sau 1-2 năm làm việc, mà đa phần tài xế đều bỏ trong vòng 6 tháng vì áp lực công việc, vì thế mất luôn tiền đặt cọc ban đầu.


Cách thứ hai, mua xe riêng và góp vào một doanh nghiệp taxi, sau đó hàng tháng trả cho công ty một số tiền thuê thương hiệu. Cách thứ ba, mua lại xe taxi của công ty để lái theo giá thỏa thuận, giá mua lại xe này thường chênh hơn giá xe thị trường nhiều vì bao gồm “tiền thương hiệu” đi cùng.


Có thể nói, hình thức thứ hai và thứ ba có cơ hội thu nhập cao hơn một chút do không phải phân chia doanh thu. Tuy nhiên, tài xế cũng phải chịu những gánh nặng đè trên vai, là các khoản chi phí ban đầu có thể lên đến cả trăm triệu, thương hiệu hàng tháng, tiền trả nợ cho công ty, tiền đàm, phí bảo hiểm, tiền công đoàn, đồng phục… Cụ thể hơn, hàng tháng hãng taxi sẽ thu đều đặn khoảng 2-3 triệu tiền điện đàm. Xe mới thì phải mua của hãng với giá chênh thị trường 50-100 triệu. Còn sau 4-5 năm thì tài xế bị hãng bị buộc phải bán xe cũ và mua xe mới với giá hao hụt đến 300 triệu đồng. Ngoài ra, nếu ban đầu lỡ vay tiền hãng taxi để mua xe, hàng tháng tài xế còn phải trả nợ cho hãng kèm lãi suất cao (thậm chí chênh lệch cao hơn so với ngân hàng), do thông thường tài xế không chứng minh được thu nhập để vay tiền ngân hàng – đây được xem như khoản “tô thuế” mà người lái xe phải nộp cho hãng.


Áp lực đào thải và cạnh tranh


Theo anh H, tài xế hiện làm việc cho một hãng taxi tại TP Hồ Chí Minh và hưởng lương tháng như cách đầu tiên được nhắc đến, thì ngoài những chính sách về phân chia doanh thu, tài xế phải chịu những ràng buộc như nếu doanh số dưới 1.5 triệu đồng/ca thì lần đầu sẽ bị nhắc nhở, lần thứ hai sẽ bị phạt 100 ngàn đồng mức phạt tiếp tục tăng thêm 100 ngàn đồng cho những lần tiếp theo. Bên cạnh đó, tài xế không được nghỉ trước 22 giờ, nếu vi phạm, công ty cũng có những mức phạt nhất định. Ngoài ra, trong những ngày không may mắn, nếu rủi ro vi phạm giao thông hoặc bị khách hàng “quỵt” tiền, thiệt hại sẽ do tài xế chịu hoàn toàn, thành quả lao động trong một ngày hoặc thậm chí một tuần có thể không còn. Những quy định ràng buộc và chế tài trên giúp đảm bảo quyền lợi của công ty và có xu hướng đẩy những rủi ro và thất thoát doanh thu về phía tài xế.

Thị trường vận tải áp dụng công nghệ ngày càng nhiều, nếu taxi truyền thống không thay đổi cách quản lý sẽ có nguy cơ biến mất trên thị trường


Anh A, một tài xế taxi khác chạy theo hình thức mua lại xe và thương hiệu của hãng, cho biết, một ngày anh làm việc hơn 12 tiếng cộng với sự may mắn mới có thể đạt doanh thu gần 30 triệu/tháng. Ngược lại, anh phải gánh chịu các khoản phí bao gồm 10 triệu trả nợ cho công ty, 8 triệu tiền xăng, 4 triệu tiền bộ đàm và mua phí bảo hiểm, công đoàn… nên thu nhập hàng tháng chỉ còn lại 7-8 triệu đồng. Bên cạnh đó, chi phí khấu hao xe là một yếu tố mà các tài xế thường bỏ quên khi tính toán tài chính. Vì các doanh nghiệp taxi thường yêu cầu tài xế phải bán xe cũ để chạy xe mới sau một khoảng thời gian nhất định.


Công việc nặng nhọc và căng thẳng nhưng thu nhập chẳng bao nhiêu nên tỷ lệ tài xế bỏ việc khá cao, chẳng mấy người bám trụ lấy nghề được. Đây chính là lý do các công ty taxi liên tục ồ ạt tuyển dụng tài xế, mặc dù lượng xe không tăng.


Nhiều tài xế cho biết, trong tình hình thị trường vận tải đang chào đón với nhiều hình thức công nghệ mới, tạo ra nhiều cơ hội phát triển và cạnh tranh, nếu các hãng taxi truyền thống tiếp tục bảo thủ với công nghệ cũ và đối xử khắc nghiệt với tài xế bằng các chính sách bất lợi, thì việc mất dần thị phần và đối mặt với nguy cơ biến mất khỏi thị trường không còn là một điều quá bất ngờ trong tương lai gần.




Hải Yên - Hồng Đăng (Tin tức)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN