Sự sống vĩnh cửu

Trong khuôn viên đình làng Tân Xương 2, xã Suối Cát (Cam Lâm, Khánh Hoà), có một miếu thờ nhỏ. Trên ban thờ là ảnh một người đàn ông phương Tây có mái tóc trắng, gương mặt cương nghị, cặp mắt rất điềm tĩnh qua lớp bụi mờ thời gian. Đấy là bác sĩ Alexandre Yersin, người trong cuộc đời phong phú, làm nên nhiều kỳ tích, đã có công khai khẩn cả vùng Suối Dầu này từ cuối thế kỷ XIX. Ông được người dân ở đây nhiều đời thờ cúng như một tiên hiền của vùng đất này.

Chú thích ảnh
Miếu thờ Yersin tại làng Tân Xương 2 (Suối Dầu, Cam Lâm, Khánh Hoà).

Ông Trẩn Sum, 63 tuổi, trưởng làng Tân Xương 2, khi mở cửa cho chúng tôi vào thăm đình, giới thiệu:

- Dân chúng tôi vẫn quen gọi cụ Yersin là Ông Năm. Làng Tân Xương chúng tôi có đền thờ Ông Năm từ lâu. Nhưng đây là miếu thờ mới , bởi vì từ khi tách ra lập làng Tân Xương 2, dân làng xây đình,  lập thêm miếu thầy. Ông là tiên hiền của cả vùng này, trong đó có dân làng Tân Cương 2. Dân chúng tôi đời này qua đời khác luôn biết ơn và tưởng nhớ đến Ông! Các dịp lễ hội, người dân ở đây và khách thập phương vẫn đến đây hương khói, dâng lễ và xin Ông phù hộ cho cuộc sống được no ấm, bình an!

Được biết, Alecxandre Yesin đến Nha Trang lần đầu từ năm 1891, khi vùng này còn biệt lập với xung quanh. Ông là nhà bác học nổi tiếng, người đầu tiên đã phát hiện vi khuẩn gây bệnh dịch hạch trên thế giới sau được đặt theo tên ông (Yersin Pestis),  người khám phá ra cao nguyên Lâm Viên - Đà Lạt và cũng là người khai mở những con đường từ miền trung qua cao nguyên này đến Campuchia và Lào. Tình yêu cuộc sống và con người, như một duyên phận, đã gắn bó Alecxander Yersin với vùng đất Nha Trang và Suối Dầu, trong đó có làng Tân Xương.

Chú thích ảnh
Tượng Alecxandre Yersin ở công viên trung tâm Đà Lạt.

Năm 1898, khi trở lại Nha Trang, Yersin đã xây dựng viện Pasteur Nha Trang và mở mang trăm héc ta đất ở khu Suối Dầu để lập trang trại. Ông mang về đây nhiều giống cây  trồng và vật  nuôi quý. Ông cho trồng cafe, coca, mở đồn điền cao su , xây dựng trung tâm sản xuất huyết thanh phòng dịch cho bò, biến nơi đây thành một trung tâm nghiên cứu, thí nghiệm khoa học nông nghiệp. Ông xây dựng trạm xá phục vụ người dân địa phương, cùng với họ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống ở khu vực này. Từ Suối Dầu, năm 1914, Yersin tiếp tục khám phá núi Hòn Bà, khai khẩn hàng ngàn héc ta khu vực quanh núi, di thực các loại cây mới về trồng, nuôi và bảo vệ các loài chim, trồng rừng và khuyên người dân bỏ thói quen đốt rừng. Ông cho trồng cây canh ki na và thí nghiệm sản xuất thuốc sốt rét chữa bệnh cho người dân. Sự phát triển của vùng Suối Dầu - Hòn Bà cho đến ngày nay có nguồn gốc từ những kiến tạo, mở mang của Yersin 123 năm trước. Sự tưởng nhớ của người dân vùng này đối với ông là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam.

Trong chuyến đi qua các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung gần đây, tôi hay nghĩ đến hình ảnh Yersin khi ông cùng một số ít người dân địa phương đi khám phá vùng đất này. Những chuyến đi xuyên qua những vùng rừng thiêng nước độc, chưa có dấu chân người. Những chuyến đi dài ngày với voi  xuyên qua cao nguyên sang đất nam Lào và bắc Campuchia. Có chuyến đi ông bị cướp đâm suýt mất mạng nếu những người dân địa phương không kịp thời cứu chữa... Những cao tốc trên Tây nguyên ngày một dài rộng và liên kết toàn vùng ngày nay có dấu tích từ những con đường mòn năm xưa Yersin và những người cùng đi tìm kiếm và khai phá. Ở công viên trung tâm thành phố Đà Lạt có bức tượng bán thân của Yersin bằng đá xám, nơi có thể nhìn toàn cảnh thành phố mộng mơ này ẩn hiện trong màn sương mờ buổi sáng. Chắc Yersin cũng hài lòng khi trên cao nguyên mà ông phát hiện ra trong chuyến thám hiểm năm 1893 đã ra đời một thành phố đẹp như vậy.

Chú thích ảnh
Bia mộ Yersin.

Trên đường từ Đà Lạt về Nha Trang, chúng tôi đã đi qua vùng Hòn Bà - Suối Dầu đang có nhiều thay đổi. Chúng tôi vào viếng mộ Alexandre Yersin (1863-1943) giữa một vùng cây xanh yên tĩnh, chỉ có tiếng gió rì rào như một bài ca qua năm tháng để nhớ về ông, một con người từ phương trời xa đã đến và yêu mảnh đất này như số phận của cuộc đời mình. Ngày bình thường, trên mộ vẫn có những cánh hoa tươi. 78 năm trước đây, khi qua đời, Yersin đã hiến tặng toàn bộ  những gì đã kiến tạo nên cho các cộng sự và người dân ở đây, với di nguyện được chôn cất ở Suối Dầu, quê hương thứ hai của ông.

Chú thích ảnh
Toà nhà trường Y Khoa Đông Dương, nơi Yersin là Hiệu trưởng đầu tiên, trước đây.

Những dấu ấn của Alecxandre Yersin, một con người vĩ đại, người đã được tôn vinh là "công dân danh dự Việt Nam”, còn lưu giữ nhiều nơi trên đất nước này: Hệ thống các viện Pasteur (viện vệ sinh dịch tễ) ở Việt Nam do ông cùng các đồng nghiệp đặt nền tảng xây dựng vẫn ngày một phát triển và đóng vai trò rất quan trọng trong công cuộc chống dịch bệnh, đặc biệt trong những ngày này. Trường Y khoa Đông Dương mà ông là hiệu trưởng đầu tiên, sau này là các trường Đại học Y và Dược  Hà Nội, đã phát triển thành những trung tâm đào tạo lớn cho lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ cho con người. Thành phố Đà Lạt trên cao nguyên Lâm Viên, “thành phố ngàn hoa” cũng ngày một phát triển. Có những con đường và vườn hoa, trung tâm mang tên Yersin ở Hà Nội, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt...

Chú thích ảnh
Viện vệ dinh dịch tễ (viện Pasteur ) trên phố Yersin ở Hà Nội.

Cuộc đời mỗi con người là hữu hạn. Yersin đã đi xa nhưng trên đất nước Việt Nam, những nền tảng cho sự sống mà ông đã góp phần dựng xây, kiến tạo và để lại những dấu ấn không phai mờ, sẽ là vĩnh cửu.

Bài và ảnh: Trần Mai Hưởng
Viện Pasteur Nha Trang tiếp tục hỗ trợ xét nghiệm virus SARS-CoV-2
Viện Pasteur Nha Trang tiếp tục hỗ trợ xét nghiệm virus SARS-CoV-2

Viện Pasteur Nha Trang vừa có công văn gửi 11 tỉnh khu vực miền Trung về việc tiếp tục hỗ trợ xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN