Trước hiện tượng lún, nứt và xuống cấp không bình thường của Đại lộ Thăng Long (trước là đường cao tốc Láng - Hòa Lạc), dư luận không khỏi đặt câu hỏi về một công trình trọng điểm quốc gia, có giá trị đầu tư lớn đã bị làm ẩu. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Tin Tức đã có cuộc phỏng vấn với TS Bùi Trung Dung, Phó Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (CLCTXD), Bộ Xây dựng.
Vết nứt tại km 8 + 500 hướng đi từ Hà Nội đến Láng – Hòa Lạc. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN |
Dư luận đang rất quan tâm đến việc xử lý sự cố cũng như muốn biết ai phải chịu trách nhiệm về hiện tượng xuống cấp của Đại lộ Thăng Long. Cục Giám định CLCTXD có quan điểm gì về vấn đề này, thưa ông?
Về Đại lộ Thăng Long (trước đây là đường Láng – Hòa Lạc) vừa rồi Thanh tra Nhà nước làm là thanh tra các sai sót trong thiết kế, giám sát, thi công, quyết toán và đội giá công trình. Bộ trưởng Bộ Xây dựng đang chỉ đạo Cục Giám định và Thanh tra Bộ lên kế hoạch dự kiến 2 tuần tới sẽ thành lập đoàn thanh tra để làm rõ về chất lượng của công trình này.
Thưa ông, có thể giải thích vì sao nền đường Đại lộ lại bị lún, nứt không bình thường như vậy?
Như đã nói, chúng tôi sẽ phải kiểm định mới có thể có kết luận chính xác. Tuy nhiên, quan sát bằng mắt thường cũng có thể thấy ngay là công tác thi công và giám sát thi công ở công trình này đã thiếu trách nhiệm. Ví dụ, khi thi công tạo nền đường, lẽ ra phải bóc hết các dị vật trên toàn tuyến để tạo mặt phẳng đồng bộ. Nhưng đơn vị thi công đã không bóc cống cũ trên tuyến này, giám sát thi công cũng bỏ qua nên khi tuyến đường đưa vào sử dụng, nền đường thì lún nhưng dị vật (cống cũ) thì không, nên đã tạo ra các điểm gồ lên khỏi mặt đường.
Với công trình Đại lộ Thăng Long đang sử dụng hiện nay, dưới góc độ chuyên môn, ông có thấy điểm nào bất hợp lý trong thiết kế?
Đọc hồ sơ tôi thấy ngay việc lựa chọn phương pháp thi công tạo nền đường dùng cọc nhồi sẽ tốn kém hơn gấp 4 - 5 lần cọc bê tông, trong khi xét về kỹ thuật, thi công bằng cọc nhồi khó kiểm soát chất lượng hơn cọc bê tông. Thứ hai, ở các đoạn giao cắt, Đại lộ Thăng Long nên làm cầu vượt hơn là làm hầm chui vì sẽ giảm được chi phí công trình, sau này đưa vào khai thác sẽ giảm được chi phí vận hành, duy tu, bảo dưỡng... Minh chứng điều này, chúng ta chỉ cần so sánh chi phí cho việc vận hành cầu vượt Ngã Tư Sở với chi phí vận hành hầm chui Kim Liên là rõ ngay. Đó là những điểm bất hợp lý ở Đại lộ này.
Dư luận đặt câu hỏi, tại sao một công trình được coi là trọng điểm của quốc gia nhưng công tác kiểm soát chất lượng lại bị xem nhẹ và đã xảy ra các sự cố như hiện nay, thưa ông?
Do cơ chế bất cập nên việc kiểm soát, quản lý chất lượng công trình xây dựng đang mắc rất nhiều “lỗi”. Lỗi từ quy trình thẩm định dự án, tổ chức giám sát thi công đến chất lượng công trình. Dự án Đại lộ Thăng Long là một trong những ví dụ của lỗi sinh ra từ cơ chế hiện nay.
Ông có thể giải thích rõ hơn không?
Trước hết là vấn đề năng lực thẩm định thiết kế của các cơ quan được giao nhiệm vụ. Thường thì mỗi bộ, ngành, địa phương đều có một cơ quan quản lý chất lượng xây dựng của mình. Ví như Bộ Xây dựng có Cục Giám định Nhà nước về CLCTXD; Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có Cục Quản lý chất lượng của Bộ... Vấn đề đặt ra là nếu năng lực của cơ quan thẩm định, kiểm soát chất lượng xây dựng của bộ, ngành hay địa phương không bằng đơn vị tư vấn thiết kế thì rõ ràng sẽ không thể chỉ ra những bất hợp lý, phi hiệu quả về thiết kế của đơn vị thiết kế.
Thứ hai là công tác giám sát thi công ở Đại lộ Thăng Long, đơn vị tư vấn giám sát chưa làm hết trách nhiệm. Minh chứng là khi làm thí nghiệm, nghiệm thu công trình, những chỗ đầm bị lỏi (tạo nền đường không đạt) thì mắt thường cũng thấy, tại sao tư vấn giám sát vẫn cho qua, để bây giờ xảy ra lún, nứt?
Thứ ba là công trình này bị đội giá tới 1.387 tỉ đồng do lựa chọn năng lực nhà thầu yếu, phải thay đổi nhiều nên bị chậm tiến độ dẫn đến các chi phí nhân công, nguyên vật liệu đội giá. Trong khi Nhà nước đã có quy định về các tiêu chuẩn, điều kiện thẩm tra, thẩm định đến việc phải lựa chọn nhà thầu có năng lực, trang thiết bị... nhưng các sự cố vẫn xảy ra.
Như ông giải thích thì không phải lỗi do cơ chế vì Nhà nước đã ban hành đầy đủ các văn bản pháp quy từ luật đến các quy định chuyên ngành?
Đúng, sự cố lún nứt, xuống cấp nhanh của Đại lộ Thăng Long không phải là do chúng ta không có các quy định hay công nghệ thi công không tốt. Tôi cho rằng sự cố của Đại lộ Thăng Long là do năng lực quản lý của chủ đầu tư và đạo đức nghề nghiệp của các đơn vị liên quan!
Vậy theo quan điểm của ông, giải pháp nào khắc phục lỗi trên để các công trình đầu tư từ vốn nhà nước có chất lượng tốt, phát huy hiệu quả kinh tế?
Tôi cho rằng nếu Luật Xây dựng không gắn trách nhiệm bằng các chế tài đối với các chủ đầu tư (muốn trực tiếp quản lý dự án) khi dự án bị sự cố thì không thể khắc phục được tình trạng xuống cấp nhanh của công trình xây dựng.
Hãy học cách làm của các nước tiên tiến và ngay cạnh nước ta là Trung Quốc. Đó là khi một địa phương, trường học, bộ, ngành định đầu tư một công trình, chủ đầu tư liền mang ra đấu thầu công khai để lựa chọn các nhà thầu có thiết kế và phương án thi công tối ưu nhất. Sau khi lựa chọn được nhà thầu, họ lại tiếp tục đấu thầu đơn vị quản lý dự án (giúp chủ đầu tư quản lý, giám sát dự án đảm bảo tính chuyên nghiệp). Cách làm này loại bỏ triệt để các “vấn đề” trong đầu tư xây dựng ở Việt Nam như thiết kế ẩu (của nhà thiết kế), thẩm định thiết kế không kỹ, tư vấn giám sát thiếu trách nhiệm (của ban quản lý dự án) và thi công ẩu (của nhà thầu thi công). Cách giao việc cho các bên giúp chủ đầu tư dễ xử lý trong trường hợp công trình xảy ra sự cố. Theo đó, lỗi thuộc về đơn vị nào, đơn vị ấy chịu trách nhiệm, thậm chí bị bỏ tù nếu để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, ông thấy điều gì đang bất cập trong hệ thống quản lý chất lượng công trình xây dựng hiện nay, thưa ông?
Theo tôi, nên tách các công việc mà hiện nay các cơ quan quản lý nhà nước về CLCTXD đang làm như thẩm tra thiết kế, thẩm tra dự toán, kiểm tra chất lượng chi tiết của vật liệu, kết cấu hay công trình... ra khỏi chức năng quản lý nhà nước. Tổ chức lại các lực lượng này dưới dạng các đơn vị thực hiện dịch vụ công, tự hạch toán như trung tâm kiểm định, trung tâm tư vấn. Các pháp nhân này sẽ là công cụ để hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương thực hiện chức năng quản lý nhà nước với các CTXD trên địa bàn.
Thứ ba, nên sửa lại nội dung điều 4, trong Luật Xây dựng, phần: Cho phép chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án. Nếu cho trực tiếp quản lý dự án thì phải gắn trách nhiệm như thế nào khi công trình xảy ra sự cố, xuống cấp nhanh?
Xin cảm ơn ông!
Xuân Hương