Ngày 14/5, PGs.Ts Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết: Tích luỹ từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận 8.137 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết tại 41 tỉnh, thành phố; trong đó có 4 trường hợp tử vong tại Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau và Bình Phước. Số mắc tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam chiếm 83,8% số mắc cả nước.Sốt xuất huyết hiện chưa có vắc xin phòng bệnh. Bệnh có thể tấn công tất cả mọi người từ trẻ em đến người lớn, kể cả những người khoẻ mạnh nhất cũng có thể nhiễm bệnh nếu không thực hiện những biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Vi rút do muỗi truyền gây bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN -1, DEN - 2, DEN - 3 và DEN - 4. Bệnh nhân nhiễm với chủng vi rút nào thì chỉ có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời với chủng vi rút đó. Chính vì thế, những người trong vùng lưu hành dịch có thể mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều hơn một lần trong đời.
Cục trưởng Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh: Để nâng cao nhận thức của người dân về bệnh và khuyến khích mọi người chung tay phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết do muỗi truyền bệnh, Cục Quản lý môi trường y tế phối hợp với nhãn hàng Soffell, thuộc tập đoàn Enesis tổ chức chiến dịch tuyên truyền hướng tới "Tháng hành động phòng chống sốt xuất huyết của Soffell - tháng 8/2014". Trong chiến dịch này, người dân được cung cấp thông tin và biện pháp phòng chống dịch bệnh; đồng thời được phát kem chống muỗi hiệu quả miễn phí, đặc biệt là người dân các tỉnh khu vực vùng sâu, vùng xa.
Những người khoẻ mạnh nhất cũng có thể nhiễm bệnh nếu không thực hiện những biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Ảnh: TTXVN
|
Sốt xuất huyết chủ yếu là bệnh ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Người nhiễm bệnh có những triệu chứng lâm sàng khác nhau tuỳ từng cá thể. Bệnh có thể chỉ biểu hiện như một chứng nhiễm vi rút không đặc hiệu nhưng có thể xuất hiện bệnh lý xuất huyết trầm trọng và dẫn đến tử vong. Người nhiễm sốt xuất huyết thường có biểu hiện sốt cao đột ngột, chán ăn, buồn nôn, đau đầu dữ dội, đau nhức cơ, khớp kéo dài từ vài ngày đến một tuần hoặc lâu hơn. Sốt có thể đi kèm với phát ban, uể oải kéo dài trong nhiều tuần, triệu chứng thường xuất hiện là xuất huyết dưới da. Tại khu vực phía Nam, mặc dù bệnh xảy ra quanh năm nhưng dịch bùng phát cao điểm vào mùa mưa (tháng 7 và tháng 8).
Chính vì vậy, việc phòng chống muỗi gây bệnh là cần thiết với cá nhân, cộng đồng. Ngoài các biện pháp chống muỗi thông thường như giảm thiểu các khu vực có nước đọng, đậy kín các dụng cụ chứa nước, giảm tối đa các vật dụng chứa nước, hầm nước ở các chung cư hoặc có thể dùng các loại sinh vật trong nước tiêu diệt trứng của muỗi, người dân còn cần phải sử dụng các phương pháp bảo hộ cá nhân (như mang tất, ngủ nằm màn...).
Thu Phương