Tại Hội nghị sơ kết giữa kỳ Chương trình Tây Nguyên 3 được tổ chức tại Hà Nội ngày 2/7, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã đánh giá: “Các nhà khoa học Việt Nam tham gia Chương trình Tây Nguyên 3 đã hoàn thành bước đầu nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, được Đảng và Nhà nước giao là cùng với chính quyền và nhân dân các tỉnh Tây Nguyên xây dựng được cơ sở khoa học và cơ sở dữ liệu để phục vụ phát triển bền vững Tây Nguyên, một địa bàn chiến lược và đặc biệt quan trọng của quốc gia”.
Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên” giai đoạn 2011-2015 (gọi tắt là Chương trình Tây Nguyên 3), đã được triển khai từ cuối năm 2011 là chương trình khoa học tổng hợp liên ngành, phục vụ phát triển bền vững Tây Nguyên trong giai đoạn đổi mới của đất nước. Sau hơn 2 năm thực hiện, Chương trình đã tập trung được hơn 600 nhà khoa học chủ nhiệm đề tài và chủ trì đề tài nhánh, tập hợp được hơn 2.000 cán bộ khoa học điều tra khảo sát, nghiên cứu Tây Nguyên.
Đối với Chương trình Tây Nguyên 3, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng hầu hết các đề tài đều bám rất sát vào Chương trình thực tiễn của Tây Nguyên. Nhiều kết quả được ứng dụng, đạt mục tiêu theo yêu cầu của Đảng và Nhà nước đề ra bao gồm từ nội dung, đăng ký sở hữu trí tuệ đến việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Tây Nguyên cũng như cho chính các cơ quan khoa học đầu ngành. Nhưng cũng còn một vài chương trình đang trong quá trình khởi động có những vấn đề được đề xuất nhưng chưa bám vào thực tiễn, chưa phù hợp với đặc thù từng địa phương. Vì vậy, chương trình có thể không có khả năng ứng dụng hoặc hiệu quả ứng dụng thấp.
Trong giai đoạn tới, Chương trình Tây Nguyên 3 sẽ được áp dụng những cơ chế mới về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ, về đầu tư, tài chính của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trong đó có cơ chế quỹ và cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối theo Luật Khoa học và Công nghệ có hiệu lực từ 1/1/2014. “Hy vọng bằng những cơ chế này, các nhà khoa học thực hiện đề tài dự án sẽ phát huy sáng tạo , được tạo điều kiện tốt hơn trong việc chi tiêu kinh phí từ ngân sách Nhà nước cũng như từ các nguồn kinh phí khác để cho ra đời những sản phẩm khoa học có chất lượng cao hơn đóng góp thiết thực hơn cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước”- Bộ trưởng cho biết.
Do giới hạn thời gian và tài chính, số lượng nhiệm vụ khoa học công nghệ được lựa chọn triển khai trên Tây Nguyên không nhiều song thực sự đặc thù, cấp thiết và có hàm lượng công nghệ cao. Điển hình là một số đề tài: Công nghệ hóa học phục vụ xử lý bùn đỏ thành thép và gạch không nung; chế tạo phân bón, chất giữ ẩm đặc biệt ứng phó với hạn hán cải tạo đất; công nghệ vũ trụ, công nghệ viễn thám; công nghệ sinh học về lai tạo heo rừng Tây Nguyên và bò sữa cao sản phục vụ cho công nghiệp thực phẩm chế biến, công nghệ vật liệu “ đèn LED” phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao…Đây là những nhiệm vụ công nghệ đã hoàn thành, được địa phương tiếp nhận và đang từng bước chuyển giao cho các cơ sở sản xuất.
Tuy vậy, các nhà khoa học cũng cho rằng, hiện nay cơ chế chuyển giao duy trì và phát triển công nghệ phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh còn nhiều vướng mắc, cần sớm có một chính sách đặc thù cho Tây Nguyên trong chuyển giao công nghệ, khuyến khích xây dựng Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ. Mặt khác, Chương trình cũng cần sự liên kết hợp tác của các nhà khoa học công nghệ tạo thành những hệ thống đồng bộ đặc thù cho Tây Nguyên nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Thu Phương