Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, hiện chính sách quốc gia chưa có sự can thiệp gì lớn nhằm hạn chế lây truyền HIV/AIDS cho nhóm MSM. Vậy trong thời gian tới, vấn đề này có được ngành y tế chú trọng hơn?Ông Chu Quốc Ân (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã trao đổi với Tin Tức xung quanh vấn đề này.
Ngành y tế sẽ làm gì để tăng hiệu quả phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS cho nhóm MSM, thưa ông?
Hiện nay, xã hội chưa hiểu nhiều lắm về quan hệ tình dục đồng giới, nhất là quan hệ tình dục đồng giới nam. Từ đó dẫn tới việc kỳ thị phân biệt đối xử với những MSM. Những người này không lộ diện và không dám tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc điều trị HIV/AIDS cũng như các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác, trong khi chính họ là người có hành vi nguy cơ. Sở dĩ những người quan hệ tình dục đồng giới nam (có thể vẫn quan hệ với nữ) là những người có hành vi nguy cơ vì hình thức quan hệ tình dục của họ chủ yếu qua đường hậu môn, dễ tạo thành những vết loét nên nguy cơ lây nhiễm HIV rất cao nếu họ không sử dụng bao cao su.
Ở những MSM nữ, cũng có nguy cơ lây truyền HIV vì HIV có thể lây truyền qua tiếp xúc với các dịch sinh dục thông qua đường miệng, âm đạo và dùng chung đồ chơi tình dục.
Có thể khẳng định, về mặt chính sách thì Nhà nước cũng đã coi nhóm quan hệ đồng giới nam là một trong những nhóm đối tượng ưu tiên của thông tin giáo dục thay đổi hành vi, đồng thời là nhóm ưu tiên trong can thiệp giảm thiểu tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, có nghĩa chúng ta bắt đầu quan tâm đến nhóm này, nhưng vì còn nhiều khó khăn nên còn quá nhiều việc phải làm. Trước mắt, chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu, xây dựng, đề xuất một Chương trình can thiệp dự phòng HIV cho nhóm đối tượng này để đưa vào Chiến lược phòng chống HIV/AIDS quốc gia giai đoạn tới.
Tại thời điểm này, MSM nên tới các trung tâm phòng chống AIDS để nhận thông tin, tư vấn về các biện pháp phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Tại đây, họ có thể được nhận một số các dịch vụ chăm sóc sức khỏe như xét nghiệm, phát bao cao su, chất bôi trơn, bơm kim tiêm… Ngoài ra, MSM cũng có thể đến một số câu lạc bộ dành cho MSM ở TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Hà Nội, Cần Thơ.
Nhưng số lượng các câu lạc bộ dành cho MSM đang hoạt động là quá ít. Vì sao không mở thêm nhiều CLB khác, thưa ông?
Quả thực, hiện số CLB cho những MSM chưa nhiều, mỗi tỉnh chỉ có 1- 2 CLB do một số tổ chức phi chính phủ tài trợ và muốn nhân rộng những CLB này thì quả thực còn nhiều khó khăn. Do đó, cần phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến, vận động xã hội để chính các nhà hoạch định chính sách hiểu và thấy rằng cần phải hành động can thiệp, dự phòng những hành vi nguy cơ cho MSM.
Xin cảm ơn ông!\
Phương Liên (thực hiện)