Sân chơi cho trẻ từ vật liệu tái chế

Chiếc lốp ô tô cũ trở thành chiếc bập bênh màu sắc, những mảnh gỗ không sử dụng trở thành những chiếc xích đu vô cùng đáng yêu... là những sản phẩm mà các bạn tình nguyện viên nhóm Think Playgrounds tạo ra để làm sân chơi hoàn toàn miễn phí cho các em nhỏ khi Hà Nội đang thiếu những sân chơi công cộng.

Bập bênh 7 màu từ... lốp xe

Chiều chiều, đi học về là đám trẻ nhỏ ở xóm Phao, bãi giữa sông Hồng (Long Biên, Hà Nội) lại hồ hởi rủ nhau ra sân chơi. Chúng hào hứng chơi trên những chiếc xích đu bằng gỗ được dựng trên nền đất một cách đơn giản mà chắc chắn. Vài đứa kéo nhau ra chơi trên những chiếc bập bênh bảy màu làm từ lốp xe. Hơn chục chiếc lốp xe cũ được vùi một nửa xuống đất, được tô vẽ sặc sỡ, làm trò chạy nhảy... Tiếng cười nói rộn ràng, niềm vui thấy rõ trên khuôn mặt từng đứa, còn người lớn thì vừa tưới rau, dọn cỏ, vừa nhìn đám trẻ vui đùa, niềm hạnh phúc ẩn chứa trong nụ cười.

Các thành viên nhóm Think Playgrounds đang thiết kế đồ chơi từ phế liệu.



Đó là sân chơi dành cho trẻ em được các thành viên của nhóm Think Playgrounds, là một nhóm kiến trúc sư thực hiện tại bãi giữa sông Hồng (Long Biên, Hà Nội) với chi phí cho vật liệu chỉ mức 14 triệu đồng. Kim Đức, trưởng nhóm Think Playgrounds cho biết, từ ý tưởng của một bạn người Mỹ muốn tặng cho Hà Nội cầu trượt hình con rùa đặt tại Hồ Gươm nên nhóm đã đi tham khảo rất nhiều nơi và nhận ra Hà Nội rất thiếu sân chơi cho trẻ. Sau đó, do không thực hiện được, số tiền làm dự án cầu trượt được Think Playgrounds sử dụng để xây dựng sân chơi. “Sân chơi ở đây là một sân chơi đúng nghĩa, cho trẻ vận động và là nơi công cộng, miễn phí chứ không phải là sân chơi trong siêu thị, sân chơi phải trả tiền”, Kim Đức chia sẻ.

Địa điểm được Think Playgrounds lựa chọn là bãi giữa sông Hồng bởi đây là nơi rất đặc biệt, ở giữa lòng thành phố nhưng cuộc sống của người dân còn khó khăn. Khi nhóm xuống tham khảo thì được bác tổ trưởng rất ủng hộ, dành một khoảng rộng trong vườn ổi của nhà để làm sân chơi.

Nói đến việc xây dựng một sân chơi chỉ với chi phí 14 triệu đồng, nhiều người cho rằng đó là việc rất “phi thực tế”, nhưng Think Playgrounds đã làm được điều đó. Bởi những vật liệu nhóm sử dụng làm sân chơi đều là vật liệu tái chế. Những lốp xe đã qua sử dụng, những tấm gỗ công nghiệp, lô cuốn cáp bỏ đi được nhóm xin tại các gara ô tô, các cơ sở sản xuất. Sau đó, nhờ vào tay khéo léo của các kiến trúc sư mà các vật dụng bỏ đi ấy được làm sạch, sơn màu và thiết kế thành những món đồ chơi rất đặc sắc. “Mới đầu, do chưa có kinh nghiệm, phải vừa làm vừa mày mò nên để hoàn thành một chiếc bập bênh cũng phải mất một ngày và phải mất hàng tuần mới hoàn thành được một sân chơi, nhưng lâu dần có kinh nghiệm thì nhóm chỉ mất vài ngày là có thể hoàn thành một sân chơi”, Nguyễn Tiến Phong, thành viên của nhóm cho biết.

Điều khó khăn nhất của nhóm là thiếu nhân lực. Khi bắt tay vào xây dựng sân chơi tại Long Biên, nhóm chỉ có 4 người, đều phải tận dụng ngày nghỉ thứ 7 và chủ nhật nên thời gian bị kéo dài. Sau này, khi những hoạt động của Think Playgrounds được giới thiệu rộng rãi, nhiều thành viên biết thông tin qua Internet đã chủ động liên hệ, tham gia làm tình nguyện viên của nhóm, dù việc góp sức này là hoàn toàn tự nguyện.

Mang niềm vui đến mọi nơi

Hiện nhóm Think Playgrounds đã hoàn thành 4 công trình: một sân chơi ở bãi giữa sông Hồng, sân chơi mini tại Phương Mai và sân chơi Tuệ Viên, đều ở Hà Nội và một sân chơi tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Các sân chơi này đều sử dụng vật liệu tái chế, nên giá một sân chơi chỉ từ 5 - 15 triệu đồng. Chi phí xây dựng sân chơi đều được nhóm kêu gọi ủng hộ giúp đỡ từ chính các khu dân cư xây dựng sân chơi hoặc qua các diễn đàn online trên mạng, còn nhóm sẽ đóng góp công sức miễn phí.

Trong quá trình đi làm sân chơi, có lẽ kỷ niệm khi đến đảo Lý Sơn là ấn tượng nhất đối với các thành viên nhóm Think Playgrounds. Vì thời gian không nhiều, chỉ có 4 ngày nên dù trời nắng chang chang, nhóm phải làm liên tục từ sáng sớm đến tối. Khu xây dựng lại không có điện nên các thiết bị mang theo không dùng được mà hoàn toàn phải dùng tay nên rất vất vả. “Khi chứng kiến niềm vui của các em, thấy được sự thân thiện của người dân Lý Sơn thì mọi người đều thấy sự cố gắng của mình là xứng đáng”, một thành viên của nhóm chia sẻ.

Khi được hỏi, động lực nào để Think Playgrounds sẵn sàng đi đến mọi nơi làm sân chơi cho trẻ, Kim Đức cho biết: “Hãy nghĩ đơn giản, nếu những vật dụng đó không được tận dụng thì sẽ thành đống rác, còn nếu ta tận dụng chúng thì sẽ được một sân chơi. Và những sân chơi đó đem đến niềm vui, giúp ích cho sự phát triển của trẻ thì tại sao lại không thể? Sự hưởng ứng của các em nhỏ chính là động lực để nhóm đem sân chơi đến mọi nơi”.

Sắp tới, Think Playgrounds sẽ tiếp tục đến các tổ dân phố tại Hà Nội để kêu gọi xây dựng sân chơi cho trẻ em và tổ chức Play day (ngày hội vui chơi miễn phí cho trẻ) định kỳ hàng năm. Những sân chơi tái chế do Think Playgrounds xây dựng đã tạo được những hiệu ứng tích cực từ cộng đồng, đây sẽ là mô hình nên tận dụng phát huy, khi Hà Nội đang rất thiếu sân chơi công cộng cho trẻ.

Bài và ảnh: Thu Trang
Xã hội hóa để tạo thêm sân chơi cho trẻ
Xã hội hóa để tạo thêm sân chơi cho trẻ

Trong tổng số hơn 8 triệu dân TP Hồ Chí Minh, có tới 1,7 triệu ở độ tuổi dưới 16 (chiếm gần1/4). Với số lượng trẻ em lớn như vậy, nên nhu cầu về sân cho trẻ của Thành phố đã ngày càng trở nên bức thiết hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN