Rừng ở Gia Lai đang dần “rỗng ruột”

Trong 6 tháng đầu năm, liên tục các vụ vi phạm lâm luật, cháy rừng xảy ra trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Đáng kể là hàng chục ha rừng bị lâm tặc phá nát trước mắt chính quyền chức năng huyện Kông Chro, hàng chục m3 gỗ hương quý hiếm bị hạ ngay trong khu rừng thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa, hơn 500 ha rừng trồng ở huyện Chư Păh bị cháy rụi; hàng trăm ha rừng ở huyện Đức Cơ bị băm nát. Huyện Chư Prông với hàng trăm vụ vi phạm lâm luật đến nhức nhối buộc lãnh đạo ngành kiểm lâm phải cách chức hạt trưởng đối với hạt kiểm lâm huyện Chư Prông.


 

Những cây gỗ có đường kính lớn bị chặt hạ không thương tiếc ở Kông Chro.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Nhĩ, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai nhận định: Lợi ích rừng đem lại quá lớn, nên vấn nạn phá rừng, khai thác rừng trái phép trên địa bàn tỉnh Gia Lai không có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí tăng qua từng năm. Những diện tích rừng quý, có giá trị kinh tế lớn đang là “miếng mồi ngon” cho các đối tượng “lâm tặc”. Bất chấp sự truy quét quyết liệt của các lực lượng chức năng, nhưng hoạt động khai thác rừng trái phép vẫn “ngấm ngầm” và để ngăn chặn triệt để tình trạng vi phạm lâm luật là điều rất khó.


Công tác quản lý bảo vệ rừng ở Gia Lai đang gặp không ít khó khăn. Ông Nhĩ chia sẻ: Việc một kiểm lâm địa bàn quản lý hàng trăm, hàng ngàn ha rừng ở tỉnh Gia Lai là điều không hiếm. Trung bình một kiểm lâm địa bàn phải làm nhiệm vụ quản lý và bảo vệ trung bình khoảng 2 - 3 ngàn ha rừng. Ông Nguyễn Hữu Huân, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Đức Cơ cho biết: Hạt có 24 cán bộ, nhân viên thực hiện quản lý và bảo vệ hơn 15.000 ha. Kinh phí để thực hiện tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng đang gặp rất nhiều khó khăn về con người và phương tiện. Hơn nữa địa bàn lại nằm ở vùng giáp ranh với tỉnh bạn của Campuchia. Việc lâm tặc tấn công lại lực lượng kiểm lâm, gây hậu quả nghiêm trọng là điều không tránh khỏi.


Chính sách cho người trồng và bảo vệ rừng của Nhà nước ta cũng còn nhiều bất cập. Một ha rừng trồng chỉ được cấp kinh phí trong 3 năm sau đó cắt bỏ, đang là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cháy rừng mất kiểm soát ở Gia Lai. Đơn cử như việc cháy hơn 500 ha rừng trồng (chủ yếu là rừng thông dưới 10 tuổi) ở huyện Chư Păh xảy ra hồi cuối tháng 2 là một ví dụ điển hình. Hàng trăm ha rừng thông trồng sau 3 năm bị cắt kinh phí, không người chăm sóc, phát quang, nên lau lách, cây dại đã mọc... cao hơn cây trồng. Không chỉ kinh phí trồng và chăm sóc rừng eo hẹp, kinh phí thuê khoán người trồng theo chính sách giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình chăm sóc và bảo vệ cũng nghèo nàn. Với 200.000 đồng/ha/hộ gia đình thì việc người dân không mặn mà với công tác bảo vệ rừng là điều dễ hiểu!


Để rừng không bị phá, rất cần phải dựa vào dân. Nếu vậy, Nhà nước cần phải có chính sách đảm bảo cuộc sống của những người dân sống gần rừng, sống dựa vào rừng. Khi người dân sống được nhờ nghề trồng và chăm sóc rừng thì rừng mới được bảo vệ.


Bài và ảnh: Quang Thái

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN