Đời sống ổn định, các chính sách an sinh xã hội đảm bảo
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ sinh ra và lớn lên tại thôn Phù Khê Thượng, xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Đây là vùng đất có truyền thống yêu nước, cách mạng. Bí thư Chi bộ khu phố Phù Khê Thượng, phường Phù Khê Nguyễn Văn Huy cho biết: Ngay từ khi còn trên ghế nhà trường, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã tham gia vào nhiều tổ chức cách mạng. Năm 15 tuổi tham gia vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên; năm 16 tuổi, tham gia vào các phong trào vận động quần chúng đứng lên đấu tranh chống sự áp bức bóc lột của đế quốc và bè lũ tay sai. Sau đó, đồng chí trở thành một trong những nhà hoạt động cách mạng tiêu biểu của cả nước, thâm nhập vào phong trào công nhân, giác ngộ công nhân, lãnh đạo phong trào cách mạng ở nhiều nơi, là Tổng Bí thư của Đông Dương Cộng sản Đảng. Phát huy truyền thống yêu nước, noi gương Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, trong các cuộc kháng chiến, nhân dân Phù Khê hăng hái hoạt động cách mạng, góp phần cùng nhân dân cả nước chống lại chế độ thực dân phong kiến, giành chính quyền, đem lại độc lập, tự do cho dân tộc.
Cùng với phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ còn viết tác phẩm “Tự chỉ trích” để đấu tranh tự phê bình và phê bình trong Đảng, chấn chỉnh những tư tưởng lệch lạc, sai trái, thực hiện đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng. Đến nay, ý nghĩa tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị.
Học tập và noi gương Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phù Khê đoàn kết một lòng, xây dựng đời sống, văn hóa, kinh tế địa phương ngày càng giàu mạnh. Ông Nguyễn Ngọc Khương, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Phù Khê cho biết, thời gian qua, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương vẫn duy trì tốt, đời sống người dân ổn định, các chính sách an sinh xã hội đảm bảo. Cùng với làm nông nghiệp, người dân Phù Khê đẩy mạnh phát triển nghề mộc truyền thống, cải tiến, thay đổi mẫu mã phù hợp với thị trường, góp phần đưa sản phẩm làng nghề vươn xa tới thị trường thế giới. Trên địa bàn phường hiện có hơn 2.700 cơ sở sản xuất và buôn bán đồ gỗ mỹ nghệ, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 3.000 lao động với mức thu nhập bình quân từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng…
Tự hào là người con của quê hương Phù Khê, chị Đàm Thị Mai, cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Thịnh Mai, khu Phù Khê Đông, phường Phù Khê cho biết: Chị rất vinh dự khi được sống trên quê hương Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Những năm gần đây, bộ mặt quê hương có nhiều đổi thay. Trước đây, ở Phù Khê, đường xá chật hẹp, kinh tế người dân còn khó khăn. Ngày nay, cơ sở hạ tầng giao thông của địa phương được đầu tư đồng bộ (như: hệ thống đèn điện, cây xanh, công viên, nhà văn hóa, trường học...) tạo điều kiện thuận lợi cho gia đình chị kinh doanh, buôn bán. Đặc biệt, cùng với chủ trương khuyến khích phát triển làng nghề gỗ truyền thống, người dân nơi đây đã nắm bắt được nhu cầu thị trường, cải thiện mẫu mã sản phẩm, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, đời sống của bà con ngày một nâng cao. Chị Mai mong muốn các cơ quan, Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ quảng bá làng nghề, tạo điều kiện mở rộng thị trường cho người dân.
Học tập và noi gương Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ
Bí thư Thành ủy thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh Lê Xuân Lợi cho biết, Từ Sơn có lợi thế tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, nằm trên trục đường giao thông có vai trò kết nối tỉnh Bắc Ninh với Hà Nội. Địa phương còn là đô thị nằm trên hành lang kinh tế lớn là Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, cùng với hệ thống làng nghề, khu công nghiệp phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, nơi đây có điều kiện vươn mình mạnh mẽ và trở thành một trong những địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của tỉnh.
Để đạt được mục tiêu này, thành phố Từ Sơn đã ban hành nhiều nghị quyết phát triển kinh tế, giữ vững an ninh - quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội; trong đó tập trung phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ, toàn diện mọi mặt. Năm 2021, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố đạt trên 4.000 tỷ đồng, đạt 102% so kế hoạch. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Toàn bộ xã được lên phường. Thành phố ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là những đối tượng người nghèo và cận nghèo. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 170 triệu đồng/người/năm. Toàn thành phố có 388 hộ nghèo, chiếm 0,84% số hộ và 427 hộ cận nghèo, chiếm 0,93%.
Bên cạnh học tập, noi gương Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, công tác xã dây dựng Đảng, việc phát huy tinh thần “Tự chỉ trích” của đồng chí cũng được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Từ Sơn triển khai mạnh mẽ. Theo ông Lê Xuân Lợi, thành phố Từ Sơn luôn quán triệt đến các cán bộ, đảng viên xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, làm nền tảng cho phát triển xã hội của địa phương. Học tập tinh thần “Tự chỉ trích” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, thành phố đã triển khai thực hiện đến toàn bộ các chi, đảng bộ với gần 6.000 đảng viên. Tất cả đảng viên, các tổ chức cơ sở Đảng đều học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và thực hiện phê bình, tự phê bình, tự soi mình, tự sửa mình, uốn nắn mình để thực hiện đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Bí thư Thành ủy Từ Sơn nêu rõ, thành phố là địa phương phát triển kinh tế năng động nhất của tỉnh Bắc Ninh nên trong quá trình điều hành rất dễ dẫn đến mắc phải vi phạm ở những lĩnh vực nhạy cảm. Vì vậy, Ban Thường vụ Thành ủy Từ Sơn đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về tăng cường vai trò, sự lãnh đạo của Đảng đối với các lĩnh vực trên địa bàn như: quản lý trật tự xây dựng, đất đai...
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên cần tiếp tục học tập, vận dụng tinh thần, tư tưởng tự phê bình và phê bình nêu trong tác phẩm “Tự chỉ trích" góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tổ chức và cán bộ.