Hồ chứa nước Trì Bình ở xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) hiện đã đạt 100% dung tích. Hợp tác xã Nông nghiệp số 1 Bình Nguyên phải phân công cán bộ túc trực thường xuyên để theo dõi mực nước, thân đập, đưa ra phương án xả, lũ kịp thời nhằm đảm bảo an toàn cho vùng hạ du và thượng lưu tràn. Hồ chứa nước Trì Bình có lưu vực khoảng 4km2 với dung tích chiếm tràn 700 ngàn m3 nước, cung cấp nước tưới cho 60 ha đất sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Cảnh, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp số 1 Bình Nguyên, huyện Bình Sơn cho biết, Hợp tác xã thường xuyên kiểm tra hiện trường, nếu nước vượt tràn cao thì sẽ xả lũ qua hai cống phía Nam và phía Bắc để giảm tải lưu lượng nước. Đồng thời chuẩn bị kinh phí, phương tiện như xe rùa, bao tải và mua sẵn tre cây… sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra.
Quảng Ngãi hiện có 121 hồ, đập chứa nước lớn nhỏ, trong đó có khoảng 36 hồ đập xuống cấp tương đối nặng nên việc đôn đốc kiểm tra, duy tu, sửa chữa luôn được ngành thủy lợi và nông nghiệp đặc biệt quan tâm, nhất là khi mưa lũ diễn biến bất thường.
Quảng Ngãi tăng cường kiểm tra, rà soát hồ, đập chứa nước để chủ động phương án ứng phó khi mưa lũ diễn biến khó lường. Ảnh: baoquangngai.vn |
Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho hay: Ngay từ đầu mùa mưa, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các phòng, ban phối hợp cùng với các địa phương tổ chức kiểm tra các hồ đập trên địa bàn toàn huyện để duy tu, sửa chữa.
Cùng với đó, chỉ đạo các xã tổ chức phát dọn bụi rậm, đốn hạ cây cối trên đỉnh đập, thân đập, các mạng cống để phát hiện những nguy cơ dẫn đến mất an toàn về hồ đập. Đồng thời, chỉ đạo các xã xả bớt lượng nước trong hồ theo mức cho phép xả và chỉ đến cuối mùa lũ mới đóng cống lại tích nước. Huyện cũng yêu cầu các xã xây dựng phương án di dời khẩn cấp người dân sinh sống ở các vùng hạ lưu khi trường hợp xấu xảy ra.
Theo ông Nguyễn Thanh Lạc, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp đã liên hệ thường xuyên với các chủ hồ để nắm bắt mực nước hằng tuần và có kế hoạch báo cáo cho Ủy ban nhân dân tỉnh. Các công trình lớn như hồ chứa thủy điện phải báo cáo thường xuyên về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh để nắm chắc tình huống thực tiễn.
Sở đề nghị các chủ đập chủ động xem xét, kiểm tra và có đề xuất phương án phòng chống lụt bão hữu hiệu dựa trên phương án, quy trình vận hành hồ chứa đã lập và được cấp thẩm quyền phê duyệt; nếu tình huống vượt quá thẩm quyền thì báo trực tiếp cho cấp trên để có chỉ đạo sát với thực tiễn để hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra...