Các địa phương đã huy động người dân đắp tôn cao đê bao, chặn các cửa cống, kênh mương và bơm nước để cứu hơn 4.000 ha lúa đang trong giai đoạn đứng cái làm đòng.
Mưa to đến rất to trong những ngày qua trên địa bàn huyện Lệ Thủy làm cho 3.689 ha lúa bị ngập từ 70% trở lên, tập trung chủ yếu tại các xã Hồng Thủy, Thanh Thủy, Cam Thủy, Lộc Thủy, Phú Thủy, Mai Thủy, Hoa Thủy, Sơn Thủy. Ngoài ra, có 917 ha diện tích cá-lúa và 67 ha cây hoa màu ngập nước hoàn toàn. Nước dâng cao cùng với sóng lớn đã làm sạt lở các tuyến đê tại vùng tả Kiến Giang, vùng Lùng Tân Thủy.
Ủy ban nhân dân huyện Lệ Thủy chỉ đạo các xã, thị trấn huy động hàng trăm người dân, lực lượng dân quân khẩn trương tham gia đắp đê, cứu lúa, tôn cao các đoạn đê bao bằng các bao đựng đất; chặn kỹ các cửa cống, kênh mương để hạn chế lượng nước tràn từ sông Kiến Giang vào đồng ruộng. Huyện Lệ Thủy huy động gần 100 trạm bơm điện và dầu để bơm úng cứu lúa. Đây là lần thứ hai nhiều diện tích lúa bị úng ngập do mưa lũ bất thường trong vụ sản xuất lúa vụ đông xuân 2021-2022 tại Lệ Thủy,
Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết: Huyện đã và đang ập trung chỉ đạo các xã, thị trấn khắc phục ở những điểm xung yếu nhất để cứu những vùng lúa có nguy cơ tiếp tục ngập. Sau khi mưa ngớt tiếp tục làm tốt công tác tiêu úng; một số nơi phải tính đến phương án gieo lại để đảm bảo sản lượng lương thực trong năm.
Tại huyện Quảng Ninh, có gần 800 ha lúa và 30 ha hoa màu bị ngập, trong đó có nhiều diện tích lạc ở xã biên giới Trường Sơn sắp thu hoạch bị ngập, hư hỏng. Huyện huy động người dân đắp những đoạn đê thấp nhằm ngăn nước tràn qua cánh đồng lúa; huy động hết công suất của các trạm bơm để chống úng, giảm thiệt hại cho sản xuất.
Hiện ở Quảng Bình vẫn còn mưa, dự kiến có mưa to trong những ngày tới. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình đề nghị các huyện khẩn trương điều tiết nước, nắm bắt, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, chuẩn bị lực lượng chủ động ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra…