Quản lý bãi thải mỏ ở Việt Nam - Bài 2: Tiềm năng và tác động tích cực

Do đặc điểm địa lý và khí hậu, tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam rất cao. Bên cạnh năng lượng gió và năng lượng mặt trời, việc sản xuất năng lượng sinh học từ sinh khối (dạng vật liệu sinh học từ sự sống) có tiềm năng lớn.

Chú thích ảnh
Bãi thải mỏ của Công ty Than Cọc Sáu, Quảng Ninh. Ảnh: baoquangninh.com.vn

Tiềm năng lớn

Trên thế giới, nhiều nước đã sản xuất nhiên liệu từ năng lượng sinh khối. Một trong những nước đi đầu ở khu vực châu Á là Nhật Bản với nguồn năng lượng sinh khối tương đối dồi dào với việc sản xuất 322 triệu tấn sinh khối/năm, tương đương với 5,11 tỷ lít dầu và chiếm 0,85% tổng tiêu dùng năng lượng sơ cấp ở Nhật Bản. Điện được sản xuất từ năng lượng sinh khối hiện đạt khoảng 4GW, tương đương với lượng điện sản xuất từ 4 lò phản ứng hạt nhân. Nhật Bản có khả năng sản xuất 6 Gigalít (GL) nhiên liệu sinh học/năm. Việc sử dụng đất bỏ hoang (khoảng 386.000 ha) có thể sản xuất các cây trồng tương đương với 6,2GL dầu.

Tại Việt Nam, bên cạnh năng lượng gió và năng lượng mặt trời, việc sản xuất năng lượng sinh học từ sinh khối có tiềm năng lớn. Theo Bộ Công Thương, năng lượng sinh khối quy đổi khoảng 43 - 46 triệu tấn dầu/năm, trong đó 60% từ các phế phẩm gỗ và 4% từ phế phẩm nông nghiệp.

Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Việt Nam đang có khoảng 4.000 địa điểm khai thác khoáng sản trên toàn quốc đã tạo ra các bãi thải sau khai khoáng không phù hợp với sản xuất cây lương thực. Nơi trồng trọt ngày càng trở nên khan hiếm do mở rộng diện tích hạ tầng, công nghiệp, bởi vậy, bãi thải sau khai khoáng là lựa chọn giảm thiểu xung đột về đất trồng, thúc đẩy trồng cây năng lượng.  

Do tăng trưởng kinh tế và dân số tăng nhanh, nhu cầu năng lượng của Việt Nam dự báo tiếp tục tăng, khoảng 10%/năm trong giai đoạn 2011-2030. Trong Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia, tỷ trọng điện sản xuất từ các nguồn sinh khối sẽ đạt gần 1% vào năm 2020 và xấp xỉ 2,1% vào năm 2030. Hiện, 40 nhà máy đường sẽ sản xuất năng lượng đồng phát từ bã mía và vỏ trấu để đáp ứng nhu cầu năng lượng và 5 trong số các nhà máy này sẽ đóng điện lên lưới.

Quảng Ninh là tỉnh khai thác than lớn nhất, đồng thời là một trong những địa phương sản xuất năng lượng dựa vào than lớn nhất Việt Nam hiện đã xây dựng tầm nhìn sử dụng đất cho khu vực trong dự án Khai thác mỏ và môi trường Việt Nam. Theo đó, đến năm 2025, tất cả các mỏ khai thác lộ thiên đều phải đóng cửa, các mỏ tiếp tục được khai thác là Hà Tu và Đông Bắc. Hoạt động khai thác than trong hầm lò sẽ kéo dài đến năm 2030. Đến năm 2025, quỹ đất có khoảng 20,46 km2 được quy hoạch để trồng cây năng lượng. 

Tác động tích cực

Theo Tổng cục Môi trường, việc trồng cây năng lượng tại các khu vực khai thác đã đóng cửa hoàn toàn khả thi và có khả năng đem lại tác động tích cực đến kinh tế cũng như môi trường.

Ở cấp độ quốc gia và toàn cầu, việc sử dụng năng lượng sinh học từ các loại cây trồng trên mỏ sau khai thác có thể giảm phát thải khí nhà kính nếu nó thay thế việc sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch và tránh tác động tiêu cực đến khí hậu thông qua thay đổi sử dụng đất. Trồng cây năng lượng có tiềm năng lớn trong việc kết hợp phục hồi môi trường các khu mỏ sau khai thác với lợi ích kinh tế xã hội và giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Ở cấp độ địa phương và khu vực, sản xuất cây năng lượng sinh học là một chiến lược thích hợp cho việc tái hòa nhập các khu khai thác đã đóng cửa thành một chu kỳ sử dụng phi khai thác, góp phần đa dạng hóa nguồn thu nhập của người dân.

Việc khai thác tài nguyên bằng phương pháp lộ thiên có tác động lớn đến thiên nhiên. Trước khi hoạt động khai thác mỏ được triển khai, hầu hết các khu vực này đều là đất nông nghiệp. Sau khai thác, đất gần như không có thảm thực vật, suy thoái và trở thành điểm nóng về ô nhiễm đất, có nguồn gốc từ vật liệu quá tải chứa kim loại và các chất độc hại khác. Sản xuất cây năng lượng là một biện pháp phục hồi môi trường phù hợp. Điều này tạo ra thảm thực vật trên đất sau khai thác mỏ, giúp giảm xói mòn đất, nước và góp phần cải thiện chất lượng đất; tăng cường đa dạng sinh học thông qua việc tái định cư của các loài động, thực vật khác và cải thiện các vùng tiểu khí hậu. Có những loài cây trồng năng lượng thậm chí còn góp phần làm giảm hàm lượng chất gây ô nhiễm trong đất bằng cách hấp thụ chúng gọi là “khử độc” bằng phương pháp trồng cây, một số cây được sử dụng để kiểm soát xói mòn đất.

Theo Viện Khoa học môi trường, Tổng cục Môi trường, hệ thống nông lâm kết hợp đặc biệt thích hợp cho trồng cây năng lượng tại các khu mỏ sau khai thác nhờ chất hữu cơ cung cấp cho đất từ lá rụng và khả năng trồng theo hàng hoặc xen canh cây hàng năm nói chung hoặc trong giai đoạn đầu canh tác, do tạo được độ che phủ đất đa dạng và đa dạng sinh học cao hơn so với phương thức độc canh. Luân canh cây trồng được thiết kế phù hợp trong hệ thống canh tác đáp ứng nhu cầu lập địa, các tác dụng phụ tích cực của cây trồng có thể được sử dụng và kết hợp hiệu quả nhất có thể và tránh được các tác động tiêu cực nhờ kiểm soát xói lở, cung cấp chất dinh dưỡng hiệu quả, cải thiện cung cấp nước, tránh ứng suất nhiệt, kiểm soát dịch hại, do đó tăng sức đề kháng và năng suất cây trồng

Theo Đối tác Năng lượng sinh học toàn cầu, để giảm thiểu các tác động bất lợi về môi trường, điều quan trọng là phải lập kế hoạch canh tác các loại cây trồng năng lượng sinh học một cách thận trọng và tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững trong tất cả các bước của dây chuyền sản xuất. Để hiểu và tránh các tác động môi trường tiềm ẩn của sản xuất năng lượng sinh học, điều quan trọng là phải xem xét toàn bộ vòng đời sản xuất, từ chuẩn bị đất, phương pháp trồng thông qua tất cả các bước theo dõi, thu hoạch, vận chuyển, chuyển đổi năng lượng và phân phối đến người tiêu dùng.

Bài cuối: Thí điểm trồng cây năng lượng

Minh Nguyệt (TTXVN)
Dừng hoạt động của bãi thải mỏ thiếc Suối Bắc để khắc phục sự cố
Dừng hoạt động của bãi thải mỏ thiếc Suối Bắc để khắc phục sự cố

Một trong những nguyên nhân gây nên sự cố vỡ đập thải mỏ thiếc Suối Bắc là do chủ doanh nghiệp chưa tuân thủ các quy định của pháp lý hiện hành về quản lý sản xuất an toàn và bảo vệ môi trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN